Cặp song tấu Trần Lê Bảo Quyên – Trần Lê Quang Tiến: Nếp nhà xưa và âm nhạc cổ điển - Tạp chí Đẹp

Sau những năm tháng căng thẳng vì đại dịch Covid, phải sống xa gia đình tại xứ người, hai chị em Bảo Quyên và Quang Tiến cuối cùng cũng được về thăm nhà – ngôi nhà mặt đường hiếm hoi ở Hà Nội nói không với việc kinh doanh mặt tiền, nằm bình yên bao năm nay dưới bóng mát của cây sấu và cây sung cổ thụ. Có cảm giác bụi đường lẫn tiếng ồn phố thị đều dừng lại bên ngoài cánh cổng, nhường chỗ cho những thanh âm trong trẻo của tiếng đàn, và cả sự an yên của nếp xưa lề cũ ở một gia đình “văn võ song toàn”.

 

Với cách sống khiêm cung của gia đình, ít ai biết, ngôi nhà đó là một địa chỉ gắn liền với những cái tên đáng kính. Sinh thời, cố Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã sống ở đây bên con cháu và chính ông đã “xin được góp một phần” mua cây đàn piano đầu tiên cho đứa cháu nội Trần Lê Bảo Quyên (sinh năm 1994), khi Quyên bắt đầu học nhạc năm 5 tuổi và đến nay đã là năm thứ 23 Quyên theo đuổi âm nhạc cổ điển. Còn em trai cô, Trần Lê Quang Tiến (sinh năm 2002) thì đã có hơn 10 năm theo đuổi bộ môn violin, từng được mệnh danh là thần đồng violin khi liên tục giành nhiều giải thưởng khu vực và quốc tế trong các năm 2014, 2016, 2017. Cặp song tấu độc đáo của làng nhạc cổ điển Việt là chắt ngoại của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Tuân và có ông họ là danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – một trong tứ trụ của hội họa Việt Nam – “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái”. Tên của Tiến chính là được đặt theo bí danh của ông nội hồi còn hoạt động trong thành (Bảy Tiến), còn tên Bảo Quyên là mượn lại tên bà ngoại (Nguyễn Quyên Quyên – con gái lớn của nhà văn Nguyễn Tuân), với ý nghĩa “bảo tồn cái đẹp”.

“Giống như họa sĩ hay nghệ nhân điêu khắc, 98% công việc để có thể trở thành nghệ sĩ biểu diễn là kiên trì và tỉ mỉ, ngày qua ngày gắn bó nâng niu từng nốt đàn. Chính vì vậy mà tôi luôn vô cùng biết ơn cuộc đời khi được ở với những tấm gương sáng nhất trong ‘chuyên ngành’ kiên trì và tỉ mỉ, chính là ông bà và ba mẹ tôi. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi được ông bà chăm chút đều đặn trong sinh hoạt hàng ngày, mặc dù chỉ là những lời nhắc nhở yêu thương hay góp ý phê bình rất chậm rãi vì ông bà đã quá lớn tuổi, nhưng đó chính là vốn liếng, là hành trang quý giá nhất để tôi có sức mạnh và leo được dần từng vách núi cho đến ngày hôm nay. Ngay cả khi tất bật với công việc, ba mẹ vẫn luôn giữ nếp nhà đó là bữa ăn tối của cả gia đình, nơi yêu thương được ấp ủ vun vén hàng ngày. Hình ảnh của ba (một tiến sĩ vật lý) vẫn luôn thể hiện sự đam mê khao khát với các kiến thức chuyên môn, sự chăm chỉ và trách nhiệm với công việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Còn mẹ (một nhà sưu tập tranh) thì dù có vô số công chuyện phát sinh, vẫn hàng ngày thu xếp đưa tôi đi học đàn và cùng ngồi với tôi tới hết buổi, đều đặn trong suốt bao năm trời dạy dỗ con, làm bạn với con, kiên nhẫn đến tận cùng và lắng nghe, chia sẻ, giải đáp mọi khúc mắc của con… Và buổi tan trường nào thì ba hoặc mẹ cũng đi đón chị em tôi để hạn chế việc tai nạn có thể xảy ra với đôi tay của con mình. Cứ như vậy, những sự chăm chút nhỏ bé tỉ mẩn hàng ngày của ông bà ba mẹ dần dần tạo cho tôi nếp sống kiên trì, kỷ luật, và tình yêu thương ngày một lớn đầy…”, Quyên nói.

Chuyến trở về Việt Nam vừa qua của hai chị em có ý nghĩa như một cuộc “hà hơi tiếp sức” sau những năm tháng khổ luyện theo đuổi âm nhạc đỉnh cao, trước khi bước qua một khúc quanh khác thách thức hơn trên đường học vấn. “Tiến thì đã được về thăm ba mẹ năm 2021, nhưng tôi thì sau 2 năm đằng đẵng mới trở về nhà. Cảm xúc của tôi là vỡ òa. Về tới nơi, tôi như được hồi sinh, như cây cỏ trơ trọi tươi tốt trở lại sau 2 tháng được ba mẹ chăm sóc, tưới rót yêu thương và sức mạnh. Dành cả thanh xuân cho cây đàn piano, điều đánh đổi lớn nhất với tôi có lẽ chính là phải rời xa ba mẹ quá lâu để tới xứ người thu nạp kiến thức. Nhưng bù lại, tôi và em trai đều gặp được những người thầy người cô tử tế dạy dỗ, hỗ trợ và sẵn sàng truyền nghề. Họ là những người xuất sắc cả về nhân cách và chuyên môn sân khấu lẫn sư phạm. Chừng nào còn có cơ hội được học tập tại Đức, tôi mong muốn tích lũy thêm chuyên môn, để sau này tôi có thể yêu cây đàn piano một cách trọn vẹn…”, Quyên thổ lộ. Chuyến về thăm nhà lần này là một phần thưởng tinh thần cho cô sinh viên vừa hoàn thành tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành Biểu diễn của trường Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật trình diễn Frankfurt, vừa phải vượt qua một kỳ thi khó nhằn để tiếp tục hoàn thiện kỹ năng biểu diễn sau đại học tại trường Akademie für Tonkunst Darmstadt – “Kỳ thi khó bởi hội đồng chấm thi đã biết tôi cả một quá trình tương đối lâu. Vì vậy, họ trông đợi sự trưởng thành trong tư duy âm nhạc ở tôi”.

 

Còn cậu bé “thần đồng violin” ngày nào hiện đang là sinh viên năm thứ 2 bậc cử nhân – trường Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật trình diễn Frankfurt, sau kỳ thi đầu vào khó khăn không kém giữa bối cảnh đại dịch đang hồi cao điểm. Và giờ là lúc hai chị em đành phải sống xa nhau sau những năm trời bảo bọc nhau tại xứ người. “Khoảng cách đủ xa mà đủ gần. Đủ xa để cả hai học trưởng thành tự lập, để cho nhau không gian riêng và học cách thức yêu thương nhau đúng mực. Đủ gần để khi tôi nhớ hay lo lắng về em quá thì vẫn có thể đi tàu đến để yên tâm hơn”, Quyên nói. Hậu duệ của nhà văn Nguyễn Tuân – tác giả “Thiếu quê hương” – cho biết sau những năm tháng dài phải sống xa quê hương, cô nhất định sẽ trở về Việt Nam để cống hiến cho một nơi cần tới mình.

 

Ở đó, có một nếp nhà xưa nằm yên ả dưới bóng cây sấu, cây sung cổ thụ, nơi bụi đường lẫn tiếng ồn phố thị đều dừng lại bên ngoài cánh cổng, như một sự “phải phép” và ý tứ…

 

Bài Thiên An   Ảnh Lê Lai – Khánh Nguyễn   Trang điểm Sam Sam – PSI   

Trang phục Ngo Thai Bao Loan  Trợ lý Sam Sam

 Thiết kế Hà Phạm 

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP