Bảo Trâm: Xăm hình là cách tôi tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ - Tạp chí Đẹp

Nếu mặc chiếc áo dài tay che đi những hình xăm hầm hố có lẽ nhiều người sẽ nghĩ Bảo Trâm như một cô nàng kẹo ngọt với mái tóc dài đen tuyền và làn da trắng sứ. Nếu lại trò chuyện với cô thêm vài ba tiếng thì ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên không ngờ cô gái có giọng nói nhỏ nhẹ, tính cách khép kín này lại là một tattoo artist (nghệ nhân xăm hình) có tiếng ở Sài Thành. 

Ý niệm đầu tiên của chị về xăm hình có từ lúc nào?
Từ khi tôi học trung học. Tôi sống ở vùng quê nên nhiều thứ ở thị xã, thành phố là bình thường nhưng dưới chỗ tôi thì đều trở thành xa xỉ. Riêng với xăm trổ thì nó lại là một cái gì đó rất lạ, rất bí ẩn, không thuộc về thế giới mà tôi và gia đình đang tồn tại.

Nhưng quyết định có hình xăm đầu tiên của tôi lại đến rất nhanh. Không vì một lý do gì cả. Chỉ là tôi muốn thử xem có cái gì đó trên cơ thể mình thì sẽ như thế nào.

Đó là hình gì?
Một hình xăm khá phổ biến dành cho dân newbie, một ngôi sao nhỏ ở cổ tay.

Ba mẹ chị phản ứng như thế nào khi thấy con gái mình mới học cấp 2 mà đã xăm hình rồi?
Ba mẹ tôi im lặng trong suốt 2 ngày vì… sốc. Thời ấy, như tôi đã nói, hình xăm là cái gì đó không được chào đón ở vùng quê nơi tôi sinh sống. Nhưng tôi thật sự may mắn vì ít nhất ba mẹ tôi không phản ứng quá gay gắt vì hành động này. Ngược lại, chỉ nhẹ nhàng hỏi tôi đã “suy nghĩ kỹ chưa con?” vì ông bà sợ rằng hình xăm tuy nhỏ nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc học sau này. Và “lời tiên tri” của ba mẹ tôi lúc ấy lại chính xác 100%.

Cụ thể là?
Quê tôi chỉ có duy nhất một trường cấp 3, trường này lại cấm không cho học sinh xăm mình hay nhuộm tóc. Nếu không học ở đó thì đường học của tôi rất khó khăn. Vậy nên tôi quyết định xóa. Ngẫm lại tôi thấy quyết định này đúng đắn vì thật sự hình xăm đầu tiên đó đến một cách rất bất chợt không vì lý do gì. Cũng không tạo một ấn tượng sâu sắc nào. Cho nên bỏ nó tôi cũng không hối tiếc gì nhiều.

Dường như lúc này xăm hình không có ý nghĩa đặc biệt lắm với chị thì phải?
Trước đây là tò mò còn bây giờ thì với tôi xăm hình là sở thích cá nhân. Cũng giống như nhiều người, hình xăm phản ánh tâm trạng của bản thân tôi vào thời điểm đó. Nó như dấu chỉ lưu lại một ký ức khó quên hay một sự kiện đặc biệt nào đó trong đời.

Vậy cơ duyên nào khiến chị gắn bó với nghề xăm?
Cái này phải nói là nghề chọn người vì tôi không có ý định trở thành thợ xăm đâu. Lúc đó tôi lên Sài Gòn để học đầu bếp. Rồi được bạn dẫn đi xăm nhưng xăm xong thì tôi thấy với mức giá như vậy thì không hợp lý chút nào cả. Tôi tự nhủ thầm là nếu mình mà cầm bút xăm thì chắc còn đẹp hơn. Nghĩ là làm. Tôi quyết định mua máy về rồi tự mày mò học thêm.

Thật ra lúc đó tôi chưa nghĩ đến việc sẽ theo nghề xăm. Tôi làm chủ yếu vui là chính. Ban đầu tôi xăm cho bạn bè, rồi người này giới thiệu người kia. Dần dà mọi người khuyên tôi mở tiệm riêng vì thấy tôi hợp với công việc này. Mọi thứ sau đó thuận lợi và trôi chảy hơn. Tôi có một studio riêng với lượng khách ổn định, thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống vừa chăm lo được cho ba mẹ.

Con đường trở thành tattoo artist của chị có vẻ khá bằng phẳng?
Có thể một phần vì bản thân tôi có chút ít khả năng nhưng hơn hết là may mắn và được bạn bè ủng hộ. Chứ thật ra tôi ngại bon chen, va chạm lắm. Tính tôi cũng không quản giao tốt nên thường cứ tới đâu thì hay tới đó.

Nhưng sau này khi sự cạnh tranh bắt đầu xuất hiện tôi thấy mình không thể thụ động trong việc nắm bắt cơ hội nữa. Nếu không thì bị người ta vượt qua hồi nào không hay nên bắt buộc phải tự tạo áp lực cho bản thân và làm việc chăm chỉ hơn.

Suy nghĩ của chị về những người phụ nữ có hình xăm trên cơ thể như thế nào?
Hồi đó tôi chỉ thắc mắc là: Tại sao mấy chị đó lại xăm hình này mà không phải hình khác? Có ý nghĩa gì đặc biệt không? Rồi gia đình họ phản ứng như thế nào? Có “hiền” giống ba mẹ mình không? (cười).

Còn giờ là người trong nghề nên hiển nhiên góc nhìn của tôi sẽ khách quan hơn. Có một điểm chung của những người phụ nữ có hình xăm là mạnh mẽ. Rất mạnh mẽ! Không cần biết là xăm một lần hay hơn 2 lần, một hình hay nhiều hình. Một khi phụ nữ quyết định có một hình xăm trên cơ thể có nghĩa là cổ không chỉ một lần vượt qua bản thân mình mà còn bước qua định kiến xã hội. Tôi ngưỡng mộ họ lắm.

Đó cũng là lý do vì sao tôi gắn bó với nghề này suốt nhiều năm qua. Với những ngành nghề khác, khách hàng tìm đến bạn vì đó là nhu cầu thiết yếu chứ chưa chắc là họ thật sự muốn. Còn riêng với lĩnh vực này, bất kỳ ai đến với tôi cũng đều thích có một hình xăm. Cứ mỗi khi tiếp một vị khách mới là tôi lại được nghe một câu chuyện thú vị về họ. Có thể với nhiều người hình xăm là cái gì đó rất kỳ quái, bặm trợn nhưng với khách hàng của tôi, đặc biệt là phụ nữ, hình xăm chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa sâu xa. Có thể là đại diện cho cá tính của họ hay đơn thuần là dấu ấn của một sự kiện quan trọng nào đó trong cuộc đời họ. Và tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tin tưởng trao trọng trách lưu lại các biểu tượng ấy trên cơ thể của những người phụ nữ này.

Nhân tiện chị có nhắc đến định kiến xã hội thì tôi đoán chắc chị cũng đối mặt với không ít bình luận tiêu cực dành cho các hình xăm trên người mình?
Đúng là tôi được chú ý nhiều hơn nhưng không phải theo chiều hướng tiêu cực như chị nghĩ. Phần lớn mọi người chỉ tò mò chứ không phê bình hay mỉa mai gì về hình xăm của tôi cả. Chẳng hạn như trước khi đến đây, anh tài xế taxi cũng ngạc nhiên rồi hỏi tôi xăm ở đâu, sao mà xăm nhiều thế… Nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở sự hiếu kỳ. Cho đến giờ tôi chưa gặp bất kỳ trường hợp nào vượt quá giới hạn trong sự phê bình về các hình xăm của tôi cả. Có lẽ do bây giờ xã hội đã cởi mở hơn, hoặc cũng có thể do gương mặt của tôi khá… vô hại, lại hay cười nên không tạo cảm giác khó gần lắm.

Chị có tổng cộng bao nhiêu hình xăm?
Khoảng 50.

Nếu phải chọn một hình xăm tiêu biểu đại diện cho Bảo Trâm, chị sẽ chọn hình nào?
Là hình xăm trên bàn tay có chữ “Create the life”(“Kiến tạo cuộc sống”). Tôi thích hình xăm này nhất vì nó ra đời đúng thời điểm, đặt đúng vị trí và nhiều ý nghĩa nhất. Tôi xăm nó khi nhận ra một điều rằng cuối cùng mình cũng đã có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình, và tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn bấy lâu.

Còn hình xăm để lại cho chị kỷ niệm khó quên?
Hình chân dung ba mẹ tôi trên cánh tay trái. Đây cũng là hình xăm hiếm hoi mà khi xăm tôi không nghĩ nhiều về mình, mà là về ba mẹ.

Phản ứng của ông bà khi thấy hình xăm của mình trên tay chị như thế nào?
Mọi lần thấy hình xăm mới ba mẹ tôi đều rầy: “Trời ơi, đừng có xăm nữa. Lần này thôi nha. Xăm gì xăm hoài.” Riêng lần này thì cả hai đều im lặng. Tôi đoán có lẽ hình xăm này làm ông bà quá xúc động vì thỉnh thoảng tôi bắt gặp cả hai lén nhìn cánh tay tôi rồi quay đầu đi cười tủm tỉm. Đó là cảm giác vừa ghét vừa thương.

Chị sẽ nhắn gửi điều gì đến những người phụ nữ muốn xăm hình nhưng còn e ngại?
Nếu là điều bạn thích và đúng thời điểm thì cứ làm thôi. Dù sao tụi mình cũng qua 18 tuổi rồi. (cười)

Bài PHẠM HUYỀN Sản xuất HẠNH NGUYÊN Nhiếp ảnh RAB LÊ Trợ lý HỮU TÀI

Thiết kế UYỂN QUÂN Cameraman LEON ĐẶNG, MILLO LÊ Video Editor LEON ĐẶNG