Bản hòa ca giữa miền sơn cước - Tạp chí Đẹp

Quốc lộ 32 như một dải lụa nối liền Hà Nội lên tới tận ngã ba Bình Lư, uốn mình qua bao sườn núi, khiến hành trình khám phá vẻ đẹp miền Tây Bắc trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Trên cung đường đó, có vô vàn điểm dừng chân, nhưng chẳng một lữ khách nào muốn lãng phí thời giờ quý giá mỗi khi đến với Tú Lệ cùng bao cảnh sắc làm say lòng người.

Tú Lệ mang trong mình vẻ đẹp của cả bốn mùa với những sắc thái rất riêng biệt. Mùa xuân là sắc thắm của những cành đào mận, là làn khói mỏng tang thoát ra từ hang Tiên Nữ. Hạ xanh mát với những ruộng mạ đang cấy, thu lại vàng óng màu ấm no của lúa chín, đông về là se sắt cái lạnh giá giữa đèo Khau Phạ đầy mây trắng.

Xét về vị trí địa lý, Tú Lệ nằm cách Hà Nội chừng 250km, ai vội vã thì chọn cao tốc lên Yên Bái rồi rẽ sang Cát Thịnh. Còn chúng tôi, những tỷ phú… thời gian, lại chọn cung đường quốc lộ 32 để gió núi mơn man trên da thịt. Hà Nội tiễn chúng tôi bằng cơn nắng nhẹ của ngày cuối thu, đi ngược lại dòng người hối hả từ ngoại thành vào nội đô cho kịp giờ làm. Trong nắng sớm, chúng tôi nhanh chóng qua Thanh Sơn ngắm những đồi chè xanh ngút tầm mắt, vượt đèo Khế, rồi đèo Ách. Nếu ai mê mẩn hương vị của chén trà shan tuyết nóng thì Suối Giàng là nơi lý tưởng để thưởng thức với những gốc chè cổ thụ to bằng cả người ôm nằm trên đỉnh núi quanh năm mờ sương để cho ra thứ trà thượng hạng nhất. Vị trà còn chưa nhạt, cả đoàn lại xuôi dốc Bồ Hòn hướng về Nghĩa Lộ đến khi thoảng nghe trong gió mùi của rơm rạ, của lúa chín – đó chính là lúc xứ Mường Lò chào đón.

Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ trong tiếng đồng bào Thái có nghĩa là “sừng trời” để nói về độ hiểm trở và cheo leo như chiếc sừng nhô lên giữa trời xanh. Đèo nối liền Tú Lệ với mảnh đất Mù Cang Chải như dải lụa vắt mình qua những sườn núi. Người H’Mông coi đèo Khau Phạ là nơi linh thiêng có thể than thấu lòng trời, nên mỗi khi gặp chuyện chẳng lành, mùa màng thất bát, họ lại kéo nhau tới Khau Phạ để khấn Giàng. Ngày nay, cung đèo Khau Phạ là chốn dừng chân quen thuộc của lữ khách khi ngược Tây Bắc, từ đây có thể ngắm toàn cảnh cánh đồng Cao Phạ, Tú Lệ đẹp như bức tranh nhất là vào mùa nước đổ và mùa gặt, đồng thời cũng là điểm bay dù lượn độc nhất thế giới.

Cuối thu, thung lũng Tú Lệ đã bắt đầu lạnh se sắt, hơi lạnh tỏa ra từ ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song vây quanh. Chúng tôi đi giữa thung lũng khi ánh chiều tà đã về, từng tia nắng cuối ngày chiếu xuống cả cánh đồng càng làm dậy thêm mùi của lúa nếp. Nếp Tú Lệ đã nổi tiếng khắp cả vùng Tây Bắc, cái thứ gạo mà không nơi nào có, được bà con người Thái, người Mông trồng một năm một vụ. Xôi được nấu lên từ loại nếp này chẳng cần phải thêm đỗ, thêm lạc, thêm dừa mà vẫn mang vị ngọt rất riêng của rừng núi – vị ngọt ngào, vừa đủ ngậy mà không quá béo, vừa đủ độ mềm dẻo mà không hề ướt hay khô để người sành ăn nhất cũng phải tấm tắc.

Con đường lên Lìm Mông nằm lọt giữa những nương lúa đang được đất trời nhuốm lên một màu vàng rực, dòng suối chạy xuyên qua thung lũng càng làm cảnh vật trở nên kỳ ảo hơn. Chúng tôi vượt đèo Khau Phạ – một trong tứ đại đỉnh đèo của nước Việt để ngắm toàn bộ khung cảnh thung lũng Cao Phạ. Thật khéo khen cho bàn tay những người nông dân, qua bao đời chỉ gắn bó với mảnh đất này mà vẽ nên giữa đất trời những đường cong đẹp đến thế. Lẫn giữa màu vàng óng của lúa là màu sặc sỡ của váy áo những cô gái người H’Mong đang khom mình gặt. Đâu đó, dưới những mái nhà sàn là những cô gái Thái đang giã cốm, thứ quà quê đặc trưng của mảnh đất Tú Lệ. Bức tranh mùa gặt đầy màu sắc của miền sơn cước từ xa xưa cho tới tận bây giờ, dường như vẫn không có gì thay đổi!

Ẩm thực Tú Lệ
♦ Một trong những món ngon vật lạ phải thử ở Tú Lệ là cốm. Cốm Tú Lệ vẫn được làm theo cách truyền thống từ xưa tới nay, những hạt nếp được thu hái khi vẫn còn chút sữa ở đầu nhưng bên trong lại chưa chín, sau đó được rang trên những chiếc chảo lớn, rồi giã bằng tay cho tới khi cốm dẹt và tròn đều, không còn chút vỏ trấu nào. Cốm Tú Lệ có màu xanh đặc trưng, ăn có vị ngọt thanh và rất thơm.
♦ Xôi nếp nương, cũng bằng giống lúa bản địa từ lâu đời, được đồ trên những chiếc chõ của đồng bào Thái bởi thứ nước mưa hoặc nước suối nơi đây để tạo nên độ thơm, dẻo, ngọt ăn mãi không chán.
♦ Món đặc sản được ưu ái gần đây chính là dầu cải từ khu Le Champ. Những thửa ruộng bậc thang khô cằn vào mùa đông đã trở thành nơi lý tưởng để cây cải dầu lớn lên. Đón những hạt sương lạnh làm dưỡng chất, cải dầu sinh sôi và phát triển rất mạnh mẽ cho ra những hạt cải to tròn đầy dinh dưỡng, rồi từ đó tạo nên thứ dầu độc đáo của mảnh đất Tú Lệ.
♦ Cũng đừng quên chè shan tuyết hay táo mèo, chút cá suối, món lợn bản nướng, hay món cá hun khói rất đặc trưng mà hôm đó chúng tôi được thưởng thức trong không gian lãng mạn của nhà hàng ngay trong khu Le Champ.

Người ta thường nói “tới Tú Lệ mà chưa ăn xôi, thử cốm và tắm suối khoáng thì coi như chưa tới Tú Lệ”. Khi bạn đã say cảnh, say tình người, đã ăn món xôi và thưởng thức món cốm giã tay từ cô gái Thái với nụ cười duyên như lắng đọng cả vẻ đẹp của núi đồi, thì hãy thử màn tắm suối khoáng rất độc đáo. Thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này dòng suối khoáng nóng để lũ trẻ lớn lên từ suối, đôi trai gái nên duyên vợ chồng, và người già cũng thêm tuổi thọ từ dòng nước này. Bắt nguồn từ lòng đất, chảy qua cánh đồng Tú Lệ ngào ngạt hương nếp thơm, suối khoáng nóng hấp thụ tinh hoa của đất trời mang đến làn da trắng ngần cho người con gái Thái ở xứ sở như “thần tiên” này.

Di chuyển

Từ Hà Nội, có nhiều cách để tới Tú Lệ. Nếu đi xe khách, bạn có thể chọn xe giường nằm hoặc xe 24 chỗ lên Lai Châu, Than Uyên, Mù Cang Chải đều sẽ đi ngang qua đây. Bạn cũng có thể đi xe máy theo quốc lộ 32 qua Thanh Sơn, Thu Cúc, Ba Khe, Nghĩa Lộ hay xe tự lái thì có thể đi theo lối cao tốc Nội Bài – Lào Cai, ra ở thành phố Yên Bái rồi ngược lên Cát Thịnh, Nghĩa Lộ và dừng chân nơi Tú Lệ (hoặc ô tô cũng có thể đi theo quốc lộ 32 giống xe máy).

Ngày hôm đó, chúng tôi chọn khu tắm khoáng của resort Le Champ để tận hưởng trọn vẹn cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên. Cả một khu tắm riêng được xây dựng ngay cạnh bờ suối để bạn có thể vừa ngâm mình trong làn nước khoáng nóng, vừa ngắm suối chảy hiền hòa cùng cánh đồng bao la ngát hương lúa. Kín đáo hơn, bạn cũng có thể chọn cho mình những phòng tắm với các bồn được dẫn nước khoáng trực tiếp từ lòng đất vào. Thư thái hơn, người lữ khách phương xa cũng có thể ngồi ngâm chân trong bể và nhấp ngụm trà shan tuyết ngọt ngào, khiến mọi mệt mỏi của đường xa gió bụi tan biến vào hư không.

Nếu ai đó thích cảm giác mạnh hơn một chút, hãy thử sức mình trên những chiếc bè mảng thả trôi theo dòng suối giữa thung lũng. Ngoài sức mạnh của thể lực thì sự khéo léo là yếu tố cần thiết để bạn có thể điều khiển những chiếc bè mảng đi đúng hướng và về tới đích. Từ xưa, những chàng trai cô gái đồng bào Thái đã dùng những chiếc bè này để đi lại, giao thương và cả hẹn hò. Nay, bạn có thể nằm giữa chiếc bè như thế mà ngắm trời xanh, mây trắng, mà hít hà mùi lúa mới hay để cho nắng gió mơn man trên da thịt. Chúng tôi cứ để mặc cho “tâm hồn dẫn lối thể xác” mà tận hưởng những khoảnh khắc diệu kỳ của Tú Lệ.

 

Lưu trú

Ở Tú Lệ có khá nhiều điểm lưu trú từ homestay cho đến nhà nghỉ, khách sạn nhưng tôi khuyên bạn nên thử trải nghiệm Le Champ một lần để có thể ngấm và thấm được những vẻ đẹp nơi đây. Khu nghỉ dưỡng 4 sao được xây dựng trên một quả đồi có view nhìn thẳng xuống dòng suối và cánh đồng, những căn bungalow đơn lập tuyệt đẹp bên cạnh căn bungalow song lập chính là mái nhà sàn của người Thái được tái hiện với tiện nghi sang trọng. Cũng đừng quên thả mình trong làn nước nóng ấm quanh năm của bể bơi vô cực hay ngâm mình trong bể khoáng nóng ngay cạnh bờ suối, thưởng thức ẩm thực trà và các món ăn độc đáo đầy thi vị.

Và còn đó hàng chục những trải nghiệm khác đang chờ bạn khám phá như thăm hang Tiên Nữ, chinh phục đỉnh núi Lùng Cúng, vượt đèo Khau Phạ, bay dù lượn giữa mùa vàng, đi vào các bản sâu như Lìm Mông, Lìm Thái, Nậm Có hay lên rừng hái quả Táo mèo cùng đồng bào… Tất thảy những điều mộc mạc đó làm nên sức hút của thung lũng Tú Lệ, như ý nghĩa của cái tên là vừa thanh tú mà lại diễm lệ vậy.

Hang Tiên nữ

Gọi là hang cũng được mà động cũng chẳng sai vì nó mang vẻ đẹp tiềm ẩn của một kiệt tác dưới lòng đất. Tương truyền rằng gần nửa thiên niên kỷ trước, đồng bào dân tộc Thái di cư tới đây đã thấy cảnh các tiên nữ từ đèo Khau Phạ xuống thưởng lãm cảnh đẹp và tắm nơi dòng suối Nậm Hung, Nậm Hon trên cánh đồng Tú Lệ. Nơi các tiên nữ thay xiêm y trong hang núi gọi là động Tiên Nữ. Cho tới ngày nay, cứ tới ngày 30 tháng chạp hàng năm, từ trong hang sẽ tỏa ra một làn khói trắng, người ta nói ấy là lúc các tiên nữ hạ phàm.

Bài Trần Giáp | Thiết kế Nguyên Khôi

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP