Vậy đối với chị, việc mang những trách nhiệm đó trên vai, đảm nhận làm chủ căn bếp là đặc quyền hay áp lực?
Là một người hay “ba phải” thì tôi chọn ở chính giữa, vừa là đặc quyền vừa là áp lực, được không nhỉ (cười to)? Chúng ta vừa chăm con, vừa nấu ăn bếp núc. Nhưng chỉ cần chồng bước vào cùng sự vụng về, lôi thôi là lại la lên: “Thôi anh cứ đi ra đi, cái bếp này là của riêng mình em”. Đó vừa là đặc quyền vừa là áp lực, và áp lực đặt lên người phụ nữ nhiều hay ít phụ thuộc vào người đàn ông của họ. Là một người đàn ông thấu hiểu, chồng bạn sẽ: “Ôi hôm nay vợ nấu món gì, anh với vợ cùng nấu nha” hoặc “Anh thấy có món này hay nè, mình mua về đi đỡ phải nấu”. Thành ra bếp là nơi không đáng sợ. Nhưng với nhiều người, điển hình như ba tôi thì mọi thứ phải do mẹ tôi nấu ông mới thấy ngon. Cho nên đặc quyền hay áp lực (lại tiếp tục) phụ thuộc ít nhiều vào người đàn ông.
Tôi nghĩ đừng nên lúc nào cũng khư khư suy nghĩ “nữ quyền”, rồi đòi hỏi mọi việc phải có sự tham gia của chồng trong căn bếp. Liệu chúng ta có thể cân bằng điều đó nếu người đàn ông của chúng ta không muốn? Nên tôi nghĩ cách tốt nhất là… chiều theo bản thân trước, rằng là: “Hôm nay em hơi mệt, em không nấu được, anh vô phụ em xíu nha” nhưng nếu ngày hôm nay “anh xã” cũng quá mệt với công việc thì mình có thể đi ăn ngoài mà.
Trong gian bếp của mình, chị từng sáng tạo một món ăn hoàn toàn mới nào chưa?
Tôi như con chim sẻ sợ cành cong vậy đó nên chưa dám tự sáng tạo bao giờ. Khó tin lắm phải không? (cười). Tôi sợ khi mình đã biến đổi rồi không biết món ăn có còn được như lúc nấu theo công thức gốc không. Rồi liệu mình làm như thế có nhận lại ý kiến trái chiều hay không? Vậy nên nếu có thay đổi thì cũng chỉ một chút xíu thôi. Ví dụ như khi tôi không có sẵn nguyên liệu đó thì có thể linh hoạt đổi sang một nguyên liệu khác có thành phần gần giống với thành phần trong công thức gốc mà mình đang học theo. Nói cách khác, tôi luôn giữ sự sáng tạo trong một mức an toàn nhất có thể.