Liệu có tồn tại một sự sáng tạo hoàn toàn thuần khiết, vô mục đích, sáng tạo chỉ để thỏa niềm vui sáng tạo hay chăng?

Liệu có tồn tại một sự sáng tạo hoàn toàn thuần khiết, vô mục đích, sáng tạo chỉ để thỏa niềm vui sáng tạo hay chăng?

Liệu có tồn tại một sự sáng tạo hoàn toàn thuần khiết, vô mục đích, sáng tạo chỉ để thỏa niềm vui sáng tạo hay chăng?

Liệu có tồn tại một sự sáng tạo hoàn toàn thuần khiết, vô mục đích, sáng tạo chỉ để thỏa niềm vui sáng tạo hay chăng?

Niềm mãn nguyện của Wes Anderson

Niềm mãn nguyện của
Wes Anderson

“Ta có những nhà làm phim như John Huston, Luis Buñuel, những người theo cách nào đó đã chết trên chính trường quay của mình. Và có vẻ như họ hạnh phúc. Lúc này, tôi không muốn phải chết khi vẫn còn trẻ trên một trường quay của chính mình. Nhưng nếu như tôi là một đạo diễn 90 tuổi…”, Wes Anderson gật gù chia sẻ trong một bài phỏng vấn cách đây gần chục năm.

Khi xem tác phẩm thứ 11 của ông vừa ra mắt công chúng, “Asteroid City”, ta có thể cảm thấy rõ ràng niềm hân hoan của Anderson khi được sống trong thế giới khác thường của mình: thế giới của những bảng màu rực rỡ hoài niệm, những khuôn hình cân đối và những chi tiết tỉ mỉ đến mức toát lên một vẻ gần như rối loạn ám ảnh cưỡng chế, thế giới những bản nhạc thập niên 50-70, thế giới mà thoạt trông có thể khiến người ta liên tưởng tới một bộ phim hoạt hình. Chừng nào ông còn có thể theo đuổi phong cách ấy là ông mãn nguyện, kể cả khi nội dung của tác phẩm không gửi gắm thông điệp gì cụ thể.

Người ngoài hành tinh và con người

Người ngoài hành tinh
và con người

“Asteroid City”, một tác phẩm kịch lồng trong kịch, kể về quá trình sáng tác và dựng nên một vở kịch viết vào thập niên 1950, lấy bối cảnh viễn tưởng trong thị trấn sa mạc tại thành phố Asteroid, nơi tổ chức buổi tề tựu vinh danh những đứa trẻ thiên tài. Một buổi tối nọ, một đĩa bay đáp xuống và người ngoài hành tinh xuất hiện trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Kể từ đó, đám người bị quân đội phong tỏa để không ai làm lộ ra bí mật kinh thiên động địa về sự sống ngoài trái đất.

UFO và người ngoài hành tinh là những nỗi ám ảnh trong văn hóa đại chúng thế kỷ 20. Nhưng trong thế giới kỳ quặc của Wes Anderson, thứ kỳ quặc nhất chẳng phải là người ngoài hành tinh. Luôn luôn, thứ kỳ quặc nhất là con người. 

Những đứa trẻ thần đồng thao thao về các khái niệm mà khán giả nghe ong cả tai cũng không hiểu nổi, những người lớn thì thậm chí chẳng hề bận tâm mình vừa chứng kiến người ngoài trái đất. Giữa tấm ảnh chụp người ngoài hành tinh và tấm ảnh chụp cô đào xinh đẹp do Scarlett Johansson thủ vai, người ta vẫn quan tâm đến cái sau hơn. Những đứa trẻ vẫn đầy tò mò về thế giới, nhưng người lớn thì đã bị bào mòn trong sự thờ ơ, tầm thường của cuộc đời. Họ chỉ muốn lặp đi lặp lại cuộc sống mình đã quen thân. Trước kia hẳn họ cũng từng là những đứa trẻ đầy thắc mắc như con họ. Chẳng phải sự trưởng thành là một điều kỳ quặc ư?

Những gia đình rối-loạn-chức-năng

Những gia đình
rối-loạn-chức-năng

Có thể xem xong “Asteroid City”, bạn sẽ muốn xem lại “The Royal Tenenbaums” và “The Darjeeling Limited” – những bộ phim cảm động, hài hước của Wes Anderson về gia đình, cụ thể hơn là những gia đình bị băm vằm bởi đủ loại vấn đề.

Một trong những tuyến truyện trung tâm của “Asteroid City” là về nhiếp ảnh gia chiến trường Augie Steenbeck (Jason Schwartzman thủ vai). Anh có một cậu con trai thiên tài và ba cô con gái. Anh có một sự thật mà anh chẳng biết kể với chúng ra sao, vì chẳng có thời điểm nào là phù hợp: rằng, ba tuần trước, mẹ chúng đã chết, và cô chỉ còn là một nắm tro trong chiếc hộp nhựa đựng thức ăn màu xanh da trời. Thế rồi anh trót phải lòng minh tinh Midge Campbell (Scarlett Johansson), cũng là một người mẹ đơn thân. 

Cảnh phim Augie và Midge nói chuyện với nhau qua hai khung cửa sổ hay khi cha vợ của Augie (Tom Hanks) chôn hộp cốt của con gái mình bên một nhà nghỉ giữa sa mạc mênh mông trước sự chứng kiến của cả nhà là những cảnh phim xúc động mà không sướt mướt. Ai nói rằng cứ phải sến sẩm và nước mắt mới có thể chạm tới trái tim khán giả?

Ai nói rằng cứ phải sến sẩm và nước mắt mới có thể
chạm tới trái tim khán giả?

Ai nói rằng cứ phải sến sẩm và nước mắt mới có thể chạm tới trái tim khán giả?​

Ai nói rằng cứ phải sến sẩm và nước mắt mới có thể chạm tới trái tim khán giả?

Ai nói rằng cứ phải sến sẩm và nước mắt mới có thể chạm tới trái tim khán giả?

Ý nghĩa là chẳng có ý nghĩa gì

Ý nghĩa là chẳng có ý nghĩa gì

Vì sao Augie làm bỏng tay trên vỉ nướng Quicky-Griddle thế?

Thành thật mà nói, bản thân tôi cũng chẳng biết. Tôi không dự tính vậy. Ông ta bị vậy do lỗi tôi đánh máy lúc ấy đấy.

Trên đây là một đoạn thoại của “Asteroid City”, khi anh chàng nọ băn khoăn với biên kịch về một tình tiết kỳ lạ trong kịch bản. Nhưng với biên kịch, tình tiết chẳng có ý nghĩa gì sất, đó chỉ là một sự ngẫu hứng. Khán giả có xu hướng bẻ sợi tóc làm tư khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật: chi tiết này có ý gì không, đoạn này hàm nghĩa gì nhỉ? Nhưng đôi khi, chúng chẳng có nghĩa gì. Sáng tạo đôi khi chỉ là một cuộc vui (hoặc một vụ tai nạn), chừng nào còn vui thì ta còn làm. Và hỡi khán giả, hãy cứ tận hưởng bộ phim như tận hưởng một ly nước quả, chẳng việc gì phải nhọc lòng hay đau đáu vì nó, chỉ là phim thôi mà. 

Họ tìm gì ở Wes Anderson?

Họ tìm gì ở Wes Anderson?

Trong “Asteroid City”, một diễn viên bày tỏ với đạo diễn vở kịch của anh ta rằng anh ta chẳng hiểu gì về vở kịch cả. Vị đạo diễn bảo: “Anh không cần hiểu. Anh chỉ cần kể tiếp câu chuyện thôi”. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một phân cảnh như vậy, khi một trong số gần 30 ngôi sao từ nổi tiếng đến vô cùng nổi tiếng góp mặt trong tác phẩm này bày tỏ điều tương tự với Wes Anderson và được hồi đáp rằng họ không cần phải hiểu.

Góp mặt trong một tác phẩm như thế này không mang đến cho các diễn viên cơ hội trổ hết tài năng. Một vài vai diễn thậm chí quá đơn giản với trình độ của họ. Họ cũng không được trả cát-xê cao ngất ngưởng (từng có video viral về chuyện một nam diễn viên đóng phim của Anderson được trả 8 nghìn USD trong khi đóng phim Marvel được trả 8 triệu USD!). 

Có gì thú vị trong vai bóng ma một cô diễn viên đã bị cắt khỏi vở kịch, chỉ xuất hiện trên những tấm ảnh và một lần duy nhất khi cô đọc lại phần thoại dài một phút đã bị cắt của mình? Chẳng có gì cả, nhưng Margot Robbie vẫn nhận vào vai ấy. Không vì tiền, không vì cơ hội tỏa sáng, thậm chí tên tuổi cũng lọt thỏm giữa danh sách mấy chục diễn viên nổi tiếng khác, có lẽ cô (và những đồng nghiệp) đều chọn “Asteroid City” vì muốn là một phần của vũ trụ Wes Anderson.

Vì họ biết Wes Anderson là duy nhất!

Bài Hiền Trang Thiết kế Hoàng Nhật

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP