Từ xa xưa, dân gian thường gọi là “ăn Tết” thay vì “chơi Tết”. Đồng nghĩa, Tết phải có mâm cao cỗ đầy cúng gia tiên, tiếp đón họ hàng, làng xóm… thể hiện sự đủ đầy sung túc của gia đình, cũng là mong đón một năm mới may mắn hơn. Ra đường người ta thường hỏi thăm nhau “năm nay ăn Tết to không?” chứ không hỏi “Tết năm nay đi chơi đâu?” - như bây giờ.
“Ai cũng trải qua giai đoạn háo hức mong Tết và sợ Tết, rồi lại làm lành với Tết, rắc rối y như chuyện yêu đương”, vì vậy đã có nhiều ý kiến trái chiều: Một cái Tết truyền thống hoàn hảo để nhắc nhớ những khoảnh khắc thiêng liêng, trân quý như hàng ngàn năm nay - dù sự hoàn hảo đó đôi khi trở thành gánh nặng mệt mỏi trên vai người phụ nữ, hay đón cái Tết theo cách hiện đại, giản tiện, chỉ cần vui vẻ và được nghỉ ngơi là đủ?
Giữa cuộc tranh cãi không hồi kết này, Đẹp đã có cuộc trò chuyện với Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vĩ và một số khách mời khác - nhằm giới thiệu đến độc giả những góc nhìn đa chiều xung quanh chuyện đón Tết Nguyên đán.
HÃY COI TẾT NHƯ MỘT LOẠI
LỄ HỘI ĐẶC BIỆT
VÀO HỘI, THẾ LÀ VUI!
“Không có cái gì là hoàn hảo cả. Tết tốt nhất là: Người nào, hoàn cảnh nào thì ăn Tết theo hoàn cảnh đó. Tự do lựa chọn là khẳng định chính mình. Không a tòng a dua, không mua dây buộc mình, không đua đòi thế sự. Đó là hạnh phúc cao nhất: Tự do. Nhiều no, ít đủ. Tự mình kỳ vọng quá sẽ bớt hạnh phúc đi.” – Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ.
ÁP LỰC TẾT, THỜI NÀO CŨNG CÓ
Thưa ông, với nhiều người, cái Tết đang trở thành gánh nặng và áp lực. Ông nghĩ sao về điều này?
Từ khi ta sử dụng lịch âm đến nay đã hơn 2000 ngàn năm. Trong hai ngàn cái Tết đó, bất cứ Tết nào đa số người dân đều có cảm nghĩ Tết trở thành gánh nặng và áp lực. Càng xưa càng như vậy chứ không phải chỉ ngày nay mới có. Tết trong chiến tranh là những cái Tết nặng nề nhất. Những bà mẹ ngóng tin con từ chiến trận. Những ông bố khóc thầm vì tin đồn con hy sinh. Cực lắm.
Còn xưa, Tết vào mùa giáp hạt thì quá lo. Ra giêng ăn gì? Vay ai để nuôi con? Sao lại không áp lực và gánh nặng? Vả lại khái niệm áp lực và gánh nặng cũng tương đối lắm. Muốn có chiếc ô tô chạy chơi Tết mà tiền chưa đủ cũng là áp lực. Muốn về quê mà tàu xe khó khăn, tiền thưởng ít, nợ vài triệu khó trả, gạo không còn... cũng đều là áp lực. Nó vô vàn lắm. Vấn đề là con người nghĩ đến áp lực như thế nào và phương cách ứng xử với áp lực đó ra sao thôi.
“Tết truyền thống dù có giá trị văn hóa không thể thay thế, nhưng cũng có những điều không còn phù hợp với thời hiện đại thì nên loại bỏ” - ông có nghĩ vậy không?
Đứng về cá nhân, nên loại bỏ cái gì giống như “liệu cơm gắp mắm”. Đối với xã hội có hai xu hướng: Đào thải tự nhiên và thay đổi có điều khiển của thiết chế chính trị. Cái tự nhiên thì uyển chuyển và chậm rãi. Cái có điều khiển thì nhanh chóng nhưng phải khoa học. Trước đốt pháo, nay không đốt pháo là thế - đó là việc tích cực. Vậy loại bỏ cái gì thì thứ nhất là cần thấu hiểu Tết. Thứ hai là phù hợp với tính chất cuộc sống hiện đại. Có thế cái Tết mới càng ngày càng văn minh.
GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ LÀ VIỆC LÀM HÀNG NGÀY, ĐÂU CHỈ TẾT MỚI GIẢI PHÓNG!
Cách đây vài tuần, trên mạng xã hội xuất hiện bài văn của một em học sinh với nội dung không thích Tết, vì cứ Tết đến là mẹ em phải vất vả lo mâm cao cỗ đầy, suốt ngày nhăn nhó, mắng chồng quát con… Ngày Tết của gia đình em vì thế không còn niềm vui và em nhắn mẹ “Tết không cần hoàn hảo đâu mẹ ơi”. Từ đó dấy lên luồng ý kiến “ngày Tết không cần hoàn hảo”. Quan điểm của ông về điều này?
Tôi đã đọc bài văn đó. Rất tiếc là không được đọc hàng vạn bài văn viết về Tết của học sinh. Thời chúng tôi cũng đã có những đề văn tương tự. Nó phong phú lắm. Cần có một quan sát khoa học để hiểu tâm lý chung của xã hội.
Đó là bài văn hay (vì được sửa sang câu chữ), độc đáo và xúc động. Nó giúp tôi nhớ mẹ, và cả bố, những mùa Tết xa xưa. Còn bây giờ tôi hiểu ra, không có cái gì gọi là hoàn hảo cả, ngay cả vàng mười hay cấu trúc tinh thể kim cương. Tại sao lại đặt vấn đề hoàn hảo nhỉ? Hãy coi Tết như một loại lễ hội đặc biệt thôi. Vào hội - thế là vui.
Vậy thưa ông, ngày Tết phụ nữ có cần phải được “giải phóng”?
Giải phóng phụ nữ là việc làm hàng ngày, đâu chỉ Tết mới giải phóng. Cuộc sống khổ thì cả đàn ông và phụ nữ đều khổ. Lo thì cả đàn ông và phụ nữ đều lo. Tuy nhiên, trong nhiều hành động Tết, ăn là quan trọng, nó gắn với bếp và người phụ nữ. Công việc đối với người phụ nữ sẽ nhiều hơn. Nhưng hiện nay cũng đã khác. Bếp núc nông thôn nhiều nơi sang hơn bếp phố cổ. Người ta đua nhau sắm bếp ga nồi cơm điện. Đồi xanh um vì củi không ai chặt. Nhiều nơi như thế. Tất nhiên là cũng có những vùng tùy phong tục mà người đàn ông ít lo hơn. Nhưng đàn ông vất vả hơn nhiều đấy. Vất vả nhất là uống rượu và cờ bạc. Sau Tết, không ra hồn con người nữa. Bệnh viện đầy những đàn ông đái tháo đường biến chứng, đầy nam thanh bị tai nạn. Cần giải phóng đàn ông khỏi sự vất vả đó nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội tử tế.
Tranh thủ du lịch cũng là một ứng xử, một trải nghiệm. Cần tôn trọng những ứng xử đó vì đó là tự do lựa chọn của người ta. Giao thừa, khi bất cứ nơi đâu mà hướng về tổ tiên, bản quán thì đều có tâm hồn Tết cả
TỐT NHẤT VỢ CHỒNG BẢO NHAU:
NĂM NAY Ở NỘI, NĂM SAU Ở NGOẠI
Song song việc “giải phóng” phụ nữ vào ngày Tết, người ta còn tranh luận, “ăn Tết nhà nội hay Tết nhà ngoại” nhằm đấu tranh cho những nàng dâu được về ăn Tết với bố mẹ đẻ, điều mà theo phong tục cổ truyền không thể xảy ra. Thưa ông, điều đó có hợp lý không? Hoặc có cách nào để dung hòa cả hai, trọn vẹn nhà nội, ấm áp cùng nhà ngoại?
Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy. Cổ ngữ nói như vậy. Nếu ta làm ngược lại thì đàn ông sẽ thắc mắc: Sao không Tết nhà nội. Đúng không nào?. Chọn thế nào đây. Tốt nhất là vợ chồng bảo nhau: Năm nay ở nội, năm sau ở ngoại. Có ai bắt buộc ai nữa đâu. Tôi là con cả nhưng trước Tết về quê nội vì xa nên ưu tiên. Tết về quê ngoại cho nó gần. Chả sao cả. Vợ tôi không vì thế mà được giải phóng hơn. Cổ truyền thì lấy chồng là thuộc nhà chồng, đó là một phương án lịch sử đã chọn. Nếu như xưa hơn, thời mẫu hệ lựa chọn khác đi thì cũng là một lựa chọn thôi. Ngày nay thì tự mình mà ứng xử. Thoáng rồi. Chả ai bắt ai đâu. Không tin, bạn cứ làm đi.
Cũng có ý kiến cho rằng, Tết là dịp để nghỉ ngơi, xả hơi sau một năm lao động vất vả, vì thế thay vì ở nhà làm cỗ thắp hương, ngắm hoa đào, đón khách theo truyền thống… nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ lại xách va li lên đường đi du lịch hưởng một cái Tết hiện đại. Ông có ủng hộ quan điểm này?
Ăn Tết cùng gia đình, họ hàng, làng xóm là một niềm vui. Điều đó đã trở thành phong tục và phong tục đó hướng đạo cho hành vi ứng xử của cá thể. Nhưng phong tục thì không phải là luật pháp. Khi xưa ông cha ta mở cõi, từ bắc bộ vào tận cực nam xây dựng cuộc sống, đi bằng bộ bằng thuyền, chả nhẽ Tết nào cũng về quê cha đất tổ à? Mang gươm đi mở cõi thì phải ở đó mà ngàn năm thương nhớ thôi. Người ta hướng vọng về. Đó là ứng xử. Phong tục đâu cấm.
Vậy ngày nay, tùy hoàn cảnh mà ứng xử. Tranh thủ du lịch cũng là một ứng xử, một trải nghiệm. Cần tôn trọng những ứng xử đó vì đó là tự do lựa chọn của người ta. Giao thừa, khi bất cứ nơi đâu mà hướng về tổ tiên, bản quán thì đều có tâm hồn Tết cả
CÓ HAI CÁI TẾT MÀ ĐƯỜNG CÒN TẮC
NỮA LÀ MỘT TẾT
Và cũng vào dịp này, dư luận lại dấy lên vấn đề cũ “bỏ Tết hay giữ Tết”. Ông chia sẻ gì về luồng tranh luận này?
Tôi đọc nhiều thông tin là ở Nhật Bản có một phong trào đòi hồi phục Tết âm lịch. Trên báo chí còn rầm rộ hơn ta đề xuất bỏ Tết âm lịch. Thế là thế nào? Các ý kiến đề nghị bỏ Tết đều chú trọng đến lợi ích về kinh tế và sức khỏe. Có hai cái Tết mà đường còn tắc nữa là một Tết. Theo tôi, có hai cái mà lựa chọn tốt hơn là chỉ một cái. Có hai cái bàn chải tốt hơn là một cái. Có hai cái liềm tốt hơn là một cái. Có hai từ đồng nghĩa thích hơn là một từ khi viết văn.
Ai không thích Tết âm thì đừng ăn Tết âm. Đó là tự do của họ. Không ai cấm điều đó cả. Họ có tự do. Còn như họ không thích Tết âm mà bắt người khác cũng theo mình thì đó là làm mất tự do của nhiều người.
Cuối cùng, theo ông, trong thời buổi hiện đại ngày nay, Tết như thế nào mới được gọi là hoàn hảo?
Không có cái gì là hoàn hảo cả. Tết tốt nhất là: Người nào, hoàn cảnh nào thì ăn Tết theo hoàn cảnh đó. Tự do lựa chọn là khẳng định chính mình. Không a tòng a dua, không mua dây buộc mình, không đua đòi thế sự. Đó là hạnh phúc cao nhất: Tự do. Nhiều no, ít đủ. Tự mình kỳ vọng quá sẽ bớt hạnh phúc đi.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của Nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ!