6 bài học từ những chuyến đi của chàng trai 8 lần trekking dãy Himalaya - Tạp chí Đẹp

8 lần trekking dãy Himalaya, chinh phục nóc nhà châu Âu – đỉnh Elbrus và là người Việt đầu tiên hoàn thành chặng đường 300km chinh phục Bắc Cực…, niềm đam mê của Hoàng Lê Giang với du lịch và trekking bắt đầu từ khi anh là một cậu sinh viên ngồi trên giảng đường đại học. Với Giang, những chuyến đi sẽ trở nên đáng giá hơn khi ta đi với tâm thế thử sức, làm mới bản thân, thay vì chạy theo xu hướng hay chỉ để mang về những tấm ảnh đẹp. 

Đến một nơi yên tĩnh, chỉ có tiếng bước chân, tiếng suối chảy là cơ hội quý báu để mỗi người có thể xây dựng lại mối quan hệ với bản thân – thứ đang dần biến mất bởi lối sống gấp gáp thời hiện đại. Trekking ở những cung đường vắng lặng cũng là một cách thiền của riêng tôi, nó giống như một phương pháp giúp bản thân dẹp bỏ những suy nghĩ rối loạn trong đầu và chỉ tập trung vào những điều trước mắt.


Trong chuyến trekking đến vùng biên giới Pakistan và Trung Quốc đầu năm nay, đoàn chúng tôi hầu như không gặp bất kỳ du khách nào khác. Thay vào đó, chúng tôi có duyên gặp gỡ những người dân địa phương hồn hậu và được nghe họ kể về vùng đất khắc nghiệt này, cách họ chọn cuộc sống tự do giữa đất trời, vững vàng sinh tồn, bám trụ. Tới những nơi có càng ít khách du lịch, bạn sẽ có càng nhiều cơ hội khám phá.

Mùa thu ở Mông Cổ
Mùa thu ở Mông Cổ

Bắn súng, lái xe, chạy bộ, võ thuật…, ở độ tuổi 60, Keanu Reeves và Tom Cruise vẫn rèn luyện sức mạnh, vẫn học kĩ năng mới mỗi ngày để giữ cho mình thể trạng tốt và tinh thần tràn trề sức sống. Tôi thích lý tưởng đó, nhưng tôi chọn leo núi vì bộ môn này cho phép tôi ở thật gần với thiên nhiên. Ở độ cao vài ngàn mét, xung quanh là mây, là gió, là tuyết trắng mênh mông, còn bên dưới là vực sâu thăm thẳm, mọi nỗi cô đơn hay buồn chán đều trở nên nhỏ bé như hạt cát giữa sa mạc. 

Có những khoảnh khắc tưởng như đã cạn kiệt sức lực, nhưng tôi lại nhận ra đó mới chỉ là sự khởi đầu cho hành trình vượt qua giới hạn của bản thân. Chinh phục đỉnh núi Chulu East (Nepal) vào tháng 4 năm ngoái đối với tôi là thử thách không hề dễ dàng. Cả đoàn chúng tôi, từ thành viên trẻ nhất cho đến người lớn nhất (60 tuổi), đều bị những con dốc đứng phủ đầy tuyết trắng cùng cái lạnh cắt da vắt kiệt cả ý chí lẫn sức lực. Nhưng rồi chúng tôi cũng vượt qua tất cả và chạm tới đích đến ở độ cao 6.500m để rồi ai nấy đều thấm thía: ngọn núi khó leo nhất là ngọn núi trong lòng mình và hành trình khó chinh phục nhất là hành trình vượt qua giới hạn của bản thân.

Đỉnh Chulu East ở độ cao 6.500m

Tôi từng ở Na Uy với những người chăn tuần lộc, cùng di cư với những người du mục ở Mông Cổ, sống cuộc đời phiêu lưu của một nhà leo núi ở Nepal và Ladakh… Định nghĩa về một cuộc đời trọn vẹn với tôi chính là một cuộc đời mà tôi có thể đặt mình vào nhiều hoàn cảnh, trải nghiệm đủ các cung bậc cảm xúc, thấu hiểu nhiều số phận khác nhau. Hãy lên đường cùng khao khát đi để sống, để hít thở dưới những vùng trời khác và tận mắt chứng kiến những mảnh ghép đa dạng của thế giới này thay vì chỉ ngồi một chỗ du lịch qua màn hình điện thoại.

Mỗi khi đi du lịch, tôi luôn tự nhắc bản thân đừng quá đắm chìm vào việc chụp ảnh hay check-in. Đi là để cho mình, không phải để phục vụ cộng đồng mạng. Tôi từng ngắt kết nối internet trong hơn một tháng ở Na Uy với mong muốn giải phóng bộ não đã đầy ắp thông tin của mình. Chỉ cần có một chút tiền, ta dễ dàng mua được wifi và sóng điện thoại ở mọi nơi. Nhưng cảm giác giàu có thật sự là khi ta không còn cần đến những phương tiện đó mà vẫn có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. Hãy ngừng kết nối mạng để kết nối với tâm hồn mình, với thiên nhiên và những người bạn đồng hành. Tạm cất chiếc điện thoại để dành thời gian tìm hiểu văn hóa, con người, những món ăn bản địa… nơi bạn ghé thăm. 

Giống như W. Goethe nói, tôi cũng tin rằng “trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”. Những chuyến đi có đôi phần thiếu tiện nghi, chặng đường nhiều hiểm trở và thử thách sẽ cho ta chạm đến những diễn biến cảm xúc chưa từng có: từ lo lắng, căng thẳng đến thỏa mãn, tự hào, bình yên khi nghĩ lại hành trình đã qua và cũng có phần luyến tiếc vì nó đã kết thúc.


Kiểu du lịch “mì ăn liền”, đi tới những địa điểm nổi tiếng để chụp ảnh rồi nhanh chóng rút lui thường sẽ khó mang lại những trải nghiệm độc đáo. Đừng ngại đặt chân đến những mảnh đất nằm ngoài vùng an toàn. Hãy tới những miền đất nơi ta chẳng biết ai, những miền đất buộc ta phải vượt qua rào cản về địa lý, ngôn ngữ… để hiểu rằng mình sở hữu khả năng to lớn hơn mình nghĩ rất nhiều. 

Đi săn cùng đại bàng là môn thể thao truyền thống của người Kazakh. Trong vòng 8 năm qua, kể từ khi biết đến những người thợ săn đại bàng, đã 5 lần tôi tới Mông Cổ với nguyện vọng hoàn thành một bộ ảnh về những chiến binh hoang dã nhất miền thảo nguyên. Có những nguyên tắc tôi luôn đề ra cho mình: chỉ đóng vai trò như một người quan sát và ghi lại, không dàn dựng, không sắp đặt, không ép những người thợ săn phải trở thành diễn viên hay làm những việc trái với thói quen tự nhiên của họ chỉ để có những bức ảnh đẹp. Và nếu muốn chia sẻ điều gì trên mạng xã hội, hãy chỉ nói những điều mình đã tìm hiểu thật kĩ càng, bởi những nội dung chắp nối mà chúng ta thu nhặt qua loa trong một chuyến đi chớp nhoáng có thể tạo ra cái nhìn sai lệch của nhiều người khác về một nét văn hóa bản địa đầy ý nghĩa.

Bài Hà Phương Ảnh Hoàng Lê Giang
Thiết kế Khôi Nguyên

BẢN QUYỀN NỘI DUNG THUỘC TẠP CHÍ ĐẸP