Ra mắt ngày 15/5, những dự đoán về một tuyệt phẩm hành động điên cuồng đã trở thành sự thật khi cơn bão màu cam “Mad Max: Fury Road” (“Max điên: Con đường tử thần”) càn quét qua các rạp chiếu. Bộ phim làm hài lòng cả những người chờ đợi hơn 30 năm để lại được thấy người anh hùng Max trên màn ảnh.
Chất hành động điên cuồng
Khi những người xem vẫn còn lục tục với bắp rang và tìm chỗ ngồi, “Mad Max” đã khiến tất cả phải im lặng trong chuỗi hành động mang tính “phủ đầu” ngay từ những phút đầu tiên. Tom Hardy trong vai người anh hùng Max Rockatansky, vật lộn để trốn thoát khỏi bàn tay của “Joe Bất Tử” (Hugh Keays-Byrne). Anh đã cố gắng trốn chạy trong cái sự nhốn nháo đến dị hợm của đội quân cảm tử và khát máu dưới trướng Joe, đồng thời bị ám ảnh bởi những kí ức, ảo giác.
Tom Hardy vào vai Max
Đã ba thập kỷ trôi qua kể từ khi người anh hùng Max xuất hiện lần cuối trên màn ảnh. Dòng cát thời gian và những tiến bộ về kỹ xảo phim đã cuốn theo những ngôi sao của bộ phim, tuy nhiên ảnh hưởng của chất hoang dại vẫn còn đó trong George Miller. Chúng ta phải cảm ơn ông vì đã giữ lại tinh thần nguyên gốc nối tiếp một mạch phim đã bị ngắt quãng quá lâu. Chính vị đạo diễn gạo cội này chứ không phải ai khác, chính là người nắm giữ linh hồn đằng sau ba phần phim thế kỉ trước và thổi nó vào “Mad Max” phiên bản 2015.
Cốt truyện đơn giản, liên quan đến những cuộc đào tẩu. Tuy nhiên điều mà người ta chờ đợi, và cũng không phụ công chờ đợi chính là chất hành động được đẩy lên vượt mọi giới hạn của một bộ phim thông thường. Những cảnh cháy nổ xe diễn ra khắp nơi, chân thực và mãn nhãn. Trong tiếng trống dồn dập đến sởn da gà, một tay guitar điên với bộ đồ đỏ rực treo mình trên chiếc xe phi ào ào giữa lửa và cát. Chất rock đậm đặc kích thích thêm mọi giác quan của người xem cứ tràn ngập mãi trong các phân cảnh những chiếc xe phóng xuyên qua cơn bão bụi khủng khiếp cùng sấm sét. Những khung cảnh, góc quay tuyệt đẹp trên nền trời màu cam rực rỡ khiến “Mad Max” như một bản rock chết chóc.
…và đẹp mắt
Phần lớn thời lượng phim dành cho những cảnh đua xe và phá huỷ. Những chiếc xe được “độ” thật ngầu, thật hoành tráng chở theo những kẻ say máu bị bốc cháy, đập nát tơi bời chỉ trong tích tắc. Tài năng của George Miller cho phép ông làm cho bộ phim tràn ngập cảnh cháy nổ không bị rối rắm mà chân thực đến từng chi tiết. Phải nói thêm về những chiếc xe, chúng hoàn toàn gợi nhắc tới những phương tiện đã xuất hiện trong các phần phim trước. Quái dị và đẹp mắt, mỗi chiếc xe như một tác phẩm nghệ thuật ghép nối từ những linh kiện của nhiều loại phương tiện khác nhau nhưng lại hoà hợp trong tổng thể. Chiếc Chiến Xa như một con quái vật khổng lồ, che chở và sát cánh cùng nữ anh hùng Furiosa trong cuộc chiến với những chiếc xe mô tô, xe địa hình hay các loại xe tự chế.
Những chiếc siêu xe khủng trong “Mad Max”
Bên cạnh đó phải dành tặng lời khen ngợi Jenny Beavan cho những thiết kế trang phục của bà, chúng đầy tính thẩm mỹ mà vẫn phản ánh cuộc sống hậu tận thế thiếu thốn và nghèo khổ. Đoàn làm phim đã gửi gắm khâu phục trang cho nhà thiết kế người Anh nổi tiếng đã từng đạt tới 6 giải Oscar. Và quả thực người xem đã hoàn toàn bị chinh phục với phần phục trang trong phim, từ các “cô dâu” xinh đẹp trong tà áo váy trắng tha thướt tới những Chiến Binh cảm tử với những hình xăm nổi, hay “Joe Bất Tử” với cơ thể lở loét và chiếc mặt nạ đáng sợ… Vẫn lấy cảm hứng từ các phần phim năm 80, nhưng tới “Mad Max: Fury Road”, trang phục và ngoại hình các nhân vật đã được cách tân, vừa hiện đại vừa độc nhất vô nhị.
Chọn Tom Hardy vào vai Max là lựa chọn đúng đắn của đoàn làm phim cũng như của chính anh. Vẻ điềm tĩnh, ít nói, đôi môi đầy đặn, ánh mắt mệt mỏi nhưng cảnh giác, anh không chỉ đem lại cho nhân vật diện mạo cần thiết mà còn phản ánh tinh thần của Max, một kẻ dạn dày với chiến sự và hoang dại. Tom Hardy đã tiếp nối Mel Gibson để làm sống lại nhân vật người anh hùng mang tính biểu tượng này. Với “Mad Max: Fury Road”, Tom đã đưa nhân tố mới đào sâu thêm nội tâm của nhân vật, khi thấm đẫm Max trong những hồi tưởng đầy day dứt về thất bại trong quá khứ.
Những cô gái quyến rũ giữa sa mạc.
Vẻ đẹp của dàn sao nữ phải kể tới Charlize Theron trong vai nữ anh hùng Furiosa. Nhân vật này có quá khứ đau khổ và khắc nghiệt, trở thành một chiến binh, bị mất một cánh tay, đầu cạo trọc, quần áo lấm lem bụi đường. Ấy vậy mà ở cô vẫn toát lên vẻ quyến rũ và điềm tĩnh, đó là vẻ đẹp của người phụ nữ làm chủ được số phận của mình. Furiosa mới là nhân vật quan trọng nhất bộ phim, chứ không phải Max. Và vì thế, “Mad Max” như có ý kiến cho rằng, là một lời tuyên ngôn hiếm hoi về nữ quyền bằng hành động. Ngoài ra, những cô gái trốn chạy – những người vợ của Joe, 5 kiều nữ khiến người xem mê mẩn vì sắc đẹp của họ ngay cả trong những cảnh chiến đấu ác nghiệt nhất. Mỗi người mỗi vẻ, năm cô gái như những dòng nước mát trên sa mạc khiến tất cả như phát rồ trong cuộc đua để giành lấy.
Có thể nói, tài nghệ đạo diễn của George Miller sau hơn 3 thập kỉ vẫn sắc bén như vậy, mặc dù sau bộ ba phim về người anh hùng Max, ông không tham gia chỉ đạo thêm nhiều phim hành động. “Mad Max” là một tác phẩm xuất sắc, một siêu phẩm hành động và là một bản rock chết chóc vang lên giữa thế giới cằn cỗi hậu tận thế mà bạn không thể bỏ lỡ.
Bài: Ngọc King
Ảnh: Galaxy cung cấp