“Mad Max”
“Nhạc và phim là đôi bạn thân”
Điện ảnh là môn nghệ thuật thứ 7, và ở một chừng mực nào đó cũng có thể coi là kết tinh của 6 môn nghệ thuật đi trước. Điều này cũng có nghĩa, một bộ phim hay không thể nào thiếu đi những thành tố của các môn nghệ thuật cấu tạo nên nó.
Ngay trong thời kì sơ khai của điện ảnh, khi mà thế giới mới chỉ biết đến phim câm, các nhà làm phim đã cố gắng khỏa lấp sự đơn điệu của những hình ảnh động kéo dài suốt cả tiếng đồng hồ mà không có các âm thanh tương ứng kèm theo bằng cách lồng vào những bản nhạc hòa tấu. Những bản nhạc này dù không có chủ đề, không có giai điệu chính, nhưng vẫn bắt kịp tình tiết của bộ phim, vui nhộn trong hài kịch và da diết trong bi kịch.
Khi phim câm phải nhường chỗ cho phim có lời thoại và âm thanh, các nhà làm phim bắt đầu rút ra kinh nghiệm trong việc kết hợp giữa ba yếu tố nhạc nền, lời thoại và tiếng động sao cho phù hợp với tinh thần của phim và gây ra được cảm xúc phù hợp nơi khán giả. Một bộ phim kinh dị thường không cần nhiều nhạc nền, bởi chính sự im lặng, thiếu vắng âm thanh sẽ tạo nên nỗi sợ hãi vô thức trong khán giả. Những bộ phim tình cảm, âm nhạc thường được sử dụng trong những cảnh phim lãng mạn nhất; còn phim hành động và viễn tưởng, âm nhạc được dùng một cách tùy ý để điều chỉnh tiết tấu của phim. Nhạc phim quan trọng tới nỗi, thật khó tưởng tượng việc phải xem series phim “Miền Tây huyền thoại” của Sergio Leone mà thiếu đi những bản nhạc bất hủ của Ennio Morricone. Hay kiệt tác về chiến tranh Việt Nam – “Apocalypse Now” của đạo diễn Francis Ford Coppola lại có thể đạt đến độ dữ dội nếu thiếu đi cảnh đại đội khinh kỵ của Mỹ tấn công vào một ngôi làng Việt Nam trên nền bản nhạc “The Ride of the Valkyries” đến chói tai. Và cũng thật khó hình dung Stanley Kubrick sẽ truyền tả nội dung mang chiều sâu triết học của bộ phim “2001: A Space Odyssey” như thế nào nếu không nhờ sự duyên dáng của điệu valse “The Beautiful Blue Danube”…
Các nhà sản xuất thường đòi hỏi đạo diễn ở mỗi cảnh quay nên để yếu tố nào (nhạc nền, lời thoại hay tiếng động) làm chủ đạo để đạt hiệu quả cao nhất. Cảnh quay khét tiếng “Vụ giết người trong nhà tắm” trong bộ phim “Psycho” của Alfred Hitchcock là đỉnh cao trong việc kết hợp ba yếu tố này. Cảnh quay bắt đầu chỉ có những tiếng động bình thường (tiếng cửa đóng, tiếng nước chảy xối xả…). Khi tên sát nhân xuất hiện và bắt đầu tấn công nạn nhân, âm thanh chủ đạo là tiếng hét của phụ nữ đến chói tai. Và khi án mạng kết thúc, nạn nhân nằm gục trong bồn tắm, máu đỏ theo dòng nước chảy xuống, nhạc phim bắt đầu nổi lên cảnh tỉnh khán giả về độ nghiêm trọng của bi kịch vừa mới xảy ra.
‘Vụ giết người trong nhà tắm’ khét tiếng trong phim ‘Psycho’ của Alfred Hitchcock
Sản xuất được một bộ nhạc nền phim hoàn chỉnh đã khó, làm sao để kết hợp nó với phim một cách nhuần nhuyễn còn khó hơn. Không phải nhà làm phim nào cũng đủ tâm huyết và nguồn lực để làm điều này.
“Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”
Nhạc phim là yếu tố quan trọng thứ ba – sau lời thoại và hình ảnh – giúp truyền tải thông điệp của tác phẩm, nhưng có lẽ nó lại là thứ giúp người ta nhớ về bộ phim lâu nhất. Có rất nhiều phim và series phim đã để lại dấu ấn sâu sắc trong văn hóa đại chúng Mỹ nhờ những bản nhạc nền mang tính biểu tượng cao, đến nỗi chỉ cần nghe giai điệu là có thể nhớ đến phim, thậm chí hồi tưởng được cả cảm xúc khi xem phim. Bộ ba phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” của Peter Jackson là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này.
Nhà soạn nhạc Howard Shore đã vận dụng tối đa sức sáng tạo của mình để tạo nên những bản nhạc riêng biệt cho từng vùng đất, từng nhân vật trong thế giới thần thoại khổng lồ Middle Earth. Đó là kĩ thuật “program music”, âm nhạc không chỉ được dùng để mô phỏng những hành động trong cảnh quay, mà còn là sự vang vọng của những ý tưởng.
Những ai đã từng đắm chìm trong thế giới Middle Earth chắc hẳn nhớ rõ giai điệu êm dịu nhưng đầy sức sống mỗi khi làng Shire xuất hiện, hay những âm thanh chát chúa của kim loại va vào nhau biểu thị cho sự hùng mạnh của bộ máy chiến tranh Isengard. Âm nhạc là công cụ nhanh nhất để tạo cho khán giả ấn tượng ban đầu khi xem phim.
Một trường hợp ngược lại gần đây là bộ phim “Mad Max: Fury Road” của đạo diễn George Miller. Không ai có thể phủ nhận được đây là bộ phim hành động hay nhất 2015 (tính tới thời điểm này). Phong cách “thật nhất có thể” của nó khiến cho những bộ phim hành động bom tấn khác như “The Avengers 2”, “Fast and Furious 7” trông có vẻ… trẻ con. Tuy nhiên, có lẽ vì quá tập trung vào phần hình ảnh mà George Miller bỏ quên mất phần âm nhạc. Âm nhạc trong phim vừa thiếu vừa không đúng chỗ, không ăn nhập với tiết tấu phim cũng như cảm xúc của nhân vật. Trong cảnh quay “chất” nhất, đắt giá nhất của phim là khi hạm đội quái xế lao mình vào sa mạc, dẫn đầu bởi chiếc xe khổng lồ như một sân khấu di động, trên đó là tay guitar gầy choắt mặc bộ đồ đỏ chót đánh cây đàn phụt ra lửa. Tất nhiên, theo lẽ thường, chúng ta sẽ mong đợi một bản nhạc rock đầy máu lửa sẽ truyền nhiệt cho đội quân đó và cho chính khán giả, hoặc chỉ cần một đoạn solo guitar bất kì nào đó thôi, cảm giác của khán giả sẽ trọn vẹn hơn. Nhưng tất cả âm thanh mà gã guitarist gẩy ra chỉ là một, hai nốt nhạc vô hồn, nó thực sự làm khán giả cụt hứng. Thiếu một giai điệu giúp khán giả nhớ về cái không khí hậu tận thế trong phim có thể khiến khán giả nhanh chóng quên lãng bộ phim.
“Tron: Legacy”
Nhưng trớ trêu thay, một bộ phim kém cơ hơn “Mad Max” lại làm rất tốt phần nhạc, đó là “Tron: Legacy” (2010). “Tron: Legacy” rõ ràng không phải đối thủ của “Mad Max” nếu so sánh về hành động, nhưng mỗi cảnh hành động trong “Tron” đều được đánh dấu bằng một đoạn nhạc nền điện tử khác nhau, soạn bởi Daft Punk. Những bản nhạc đó làm nhiệm vụ “hướng dẫn” cảm xúc của khán giả rất tốt, cũng như tạo đuợc không khí của một thế giới số cho phim.
Bài: Phi Hoàng Trịnh