Mách bạn 3 tựa sách hay đọc vào dịp Tết

Bữa tiệc văn chương thịnh soạn với 3 tác phẩm văn học hiện đại & đương đại sẽ góp phần làm Tết của những tâm hồn yêu sách trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Không chỉ là dịp để mỗi chúng ta xum họp, vui vầy bên gia đình hay đi đây đi đó để giao lưu, thăm hỏi lẫn nhau, Tết còn là thời điểm tuyệt vời để những tâm hồn yêu sách được đắm mình vào thế giới văn chương và khám phá ra những chân trời mới cho riêng mình. Sau đây là 3 tác phẩm văn học với nội dung sâu sắc, thú vị, thích hợp đẻ nhâm nhi vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

“Lễ Hội Của Vô Nghĩa” – Milan Kundera (Dịch giả: Nguyên Ngọc)

“Nhìn kìa! Ít nhất một nửa số người con nhìn thấy trông thật xấu. Xấu, ấy cũng là quyền của con người ư? Và con có biết thế nào là mang vẻ xấu xí suốt đời không? Chẳng được ngưng nghỉ chút nào? Giới tính của con nữa, con cũng không được chọn. Cả màu mắt con. Cả cái thế kỷ của con. Cả đất nước của con. Cả mẹ con. Không được chọn bất cứ thứ gì trong số những cái đáng kể hết. Các quyền mà một con người có thể có chỉ liên quan đến những điều phù phiếm mà ta chẳng có chút lý do gì để chiến đấu hay viết những Tuyên ngôn lừng danh vì chúng!”.

Tựu trung lại, phải chăng cách mà chúng ta áp dụng để sống một đời tươi vui đôi khi cũng chỉ là những trò cười đầy vô nghĩa? Ra mắt năm 2015 sau hơn một thập kỷ vắng bóng của nhà văn Tiệp Khắc trong giới văn chương, “Lễ hội của vô nghĩa” thêm lần nữa lại khiến người ta phát cáu: “Tại sao tận đến giờ, giải Nobel vẫn chưa xướng tên Milan Kundera?”

“Từ Bàn Môn Điếm Đến Chernobyl” – Trung Nghĩa 

Như thường lệ, Trung Nghĩa vẫn nhất quán trung thành với lý tưởng nghề nghiệp của anh: Đi, để viết, để được hít thở và cả… khó thở, từ những điểm nóng trên thế giới như Bàn Môn Điếm (giới tuyến phân ly Hàn Quốc và Triều Tiên), “vùng đất chết” Chernobyl (Ukraine) – nơi từng xảy ra thảm họa hạt nhân năm 1986…, đến những “địa danh của lễ hội” như LHP Cannes (nơi anh từng đến tác nghiệp 3 lần), hay World Cup, Euro Cup… Là phóng viên hiếm hoi tung hoành tác nghiệp được cả trên hai lĩnh vực: văn hóa, thể thao và luôn khao khát có mặt tại những “vùng lõi của sự kiện” (đôi khi bằng tiền túi, như tại Euro 2000), Trung Nghĩa sở hữu một vốn sống đáng nể so với tuổi đời của anh.

Đến tựa sách này, lý tưởng của Trung Nghĩa càng được làm sáng tỏ. “Từ Bàn Môn Điếm Đến Chernobyl” vừa dẫn dắt người đọc du ngoạn đó đây trên từng trang sách, qua những địa danh nổi tiếng thế giới hay những mảnh đất in dấu bước chân nhọc nhằn mà cũng có lúc thăng hoa của người Việt…, vừa khiến chúng ta cảm thấy đời mình quá đỗi nhạt nhòa và chật hẹp, nếu như thiếu đi khao khát được trải nghiệm thế gian. “Tiền bạc có thể kiếm được, chứ sự trải nghiệm thì không” – tác giả tâm niệm.

“Tội Ác Của Huân Tước Arthur Savile Và Các Truyện Ngắn Khác” – Oscar Wilde  (Dịch giả: Thanh Huyền)

“Nhìn khác với thấy. Người ta không thấy một điều gì cả cho đến khi thấy được vẻ đẹp của nó, chỉ lúc bấy giờ, điều ấy mới thật sự hiện hữu.” Oscar Wilde – một tâm hồn duy mỹ, lại đồng thời đèo bồng một căn gác nội tâm đầy bi kịch, với những mối tình đồng tính từng làm dấy lên bao tranh luận về đạo đức dưới thời Victoria, hiển nhiên không thể nào sở hữu một đời sống văn chương tẻ nhạt.

“Tội Ác Của Huân Tước Arthur Savile Và Các Truyện Ngắn Khác” đã khẳng định tài năng của văn hào Anh Quốc bởi những trang văn đầy suy tưởng và giàu sức hút. Hơn 100 năm sau khi Oscar Wilde qua đời, vẫn còn không ít hậu nhân quen thói “trưởng giả học làm sang” phải nóng mặt vì lời mắng (đồng thời là những lời khuyên) của ông qua tác phẩm này: “Nếu không giàu sang thì đừng nghĩ đến chuyện hành xử như một nhà quý tộc. Thiên tình sử là đặc quyền của quý tộc, không dành cho kẻ vô công rồi nghề. Kẻ áo vải nên thực tế và chấp nhận một cuộc sống bình thường, vì có sinh kế vẫn hơn là mơ mộng. Đó là một thực tế phũ phàng của cuộc sống trong cái thời đại này…”


From the same category