Mắc bệnh hay béo? - Tạp chí Đẹp

Mắc bệnh hay béo?

Sống

Lớp mỡ thường trải đều và phẳng


Dấu hiệu phân biệt đầu tiên giữa mỡ bụng và u là độ bằng phẳng. Bạn có thể khăng khăng rằng bụng mình phình lồi ra, “nơi đâu” cũng thấy mỡ và chúng chảy xệ chứ chẳng phẳng phiu gì hết. Vậy thì, bạn hãy thử nằm xuống để kiểm tra, vòng eo lúc này đã trở nên khá đều do mỡ… dồn sang hai bên. Một khối u ở bụng sẽ không như vậy. Chúng cứng hoặc nhọn hay ít biến dạng khi bạn thay đổi tư thế.



Một cách rất đơn giản khác để giúp bạn giải tỏa lo lắng là hãy kiểm tra tầng mỡ bụng và lớp mỡ dưới cánh tay của mình. Nếu tay và bụng cùng “béo đều”, bạn có thể kê gối ngủ yên mỗi tối. Ngược lại, tay bạn tương đối gầy, săn chắc mà bụng lại to bất thường, đó rất có thể là một khối u. Bạn cần tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.


Mỡ không gây ra đau đớn


Thông thường ở độ tuổi trung niên, bạn sẽ béo lên và mỡ tích tụ ở cả ba vòng cơ thể. Thân hình ngày một đồ sộ có thể khiến bạn hơi mất tự tin một chút, tuy nhiên, bản thân lớp mỡ không thể gây cảm giác đau đớn trừ khi chiếc thắt lưng siết quá chặt.


Nhưng mọi chuyện hoàn toàn khác nếu bụng bạn to lên không phải vì béo mà bởi khối ruột gặp trục trặc. Lúc này, cảm giác đau đớn rất khó tránh khỏi. Tình trạng nôn mửa đi kèm cũng là dấu hiệu rất không tốt. Bạn hãy ngay lập tức tới bệnh viện, tìm gặp bác sĩ và chữa trị.


Kích cỡ lớp mỡ không đổi bất thường


Dĩ nhiên, khi chăm chỉ tập thể dục kết hợp chế độ ăn kiêng hợp lý, vòng hai của bạn có thể thay đổi kích thước đáng kể. Nó nhỏ lại, săn chắc hơn. Khi các chế độ luyện tập bị ngừng lại đột ngột, bụng bạn sẽ phình ra và số đo tăng đáng kể sau một khoảng thời gian.


Tuy nhiên, chắc chắn rằng, bụng bạn không thể bỗng dưng to lên trong vài ngày ngắn ngủi rồi lại xẹp xuống ngay ngày tiếp theo, trừ khi bạn đang mắc phải chứng bệnh gì đó không bình thường như hội chứng ruột kích thích. Bệnh viện luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn trong trường hợp này.


Lớp mỡ không đập thình thịch


Tất nhiên lớp mỡ bụng không thể đập thành nhịp nhưng bệnh phình động mạch chủ bụng thì có. Đây là mạch máu chính điều phối lượng máu tới các cơ quan nằm trong ổ bụng. Tình trạng bệnh trên thường gặp phổ biến hơn ở nam giới, nhất là với những người dưới 60 tuổi. Trong trường hợp xấu nhất, động mạch có thể bị vỡ nếu phồng quá lớn. Vì vây, bạn đừng bao giờ chủ quan khi lớp mỡ bụng dày của mình phát ra tiếng đập “thình thịch”.


Mỡ không xẹp khi đi vệ sinh


Bản thân lớp mỡ không xẹp xuống sau khi bạn đi vệ sinh. Tuy nhiên, số đo tổng thể vòng eo của bạn có thể tăng thêm một vài cm vì hai lý do: bệnh táo bón hoặc một cái bàng quang quá đầy. Vì thế, nếu muốn một vòng eo hoàn hảo hơn, bạn hãy vào nhà vệ sinh và “giải quyết” các nhu cầu bản năng ngay khi có thể.


Mỡ bụng không khiến bạn ốm


Lớp mỡ chỉ khiến bạn béo lên chứ không làm bạn bị ốm trong khi những căn bệnh thật sự như gan, tim mạch, ung thư… sẽ khiến cơ thể cảm thấy vô cùng khó chịu. Nếu bạn có hiện tượng giảm cân nhưng bụng ngày càng to lên thì hãy ngay lập tức cầu cứu các trung tâm y tế uy tín.


Béo lên không làm bạn mất kinh


Béo lên, đồng nghĩa lớp mỡ dầy hơn, không khiến bạn mất đi chu kỳ kinh nguyệt, nhưng mang thai thì có. Vì thế, khi bạn bỗng dưng bị chậm kinh, kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn khan và thỉnh thoảng đau bụng, hãy hỏi kinh nghiệm của những người phụ nữ đi trước. Điều đó sẽ khiến bạn không hoang mang trong khoảng vài tháng đầu tiên của thai kỳ.


Cuối cùng, chuyện béo lên hầu như không đáng ngại chừng nào bạn còn giữ cân nặng ở mức chấp nhận được. Nhưng nếu bạn “tăng tốc” sang béo phì, bạn sẽ phải đối diện với hàng loạt vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, thậm chí ung thư…

Bài Phi Phi (theo The Sun)

Ảnh: S.T

Thực hiện: depweb

21/12/2010, 12:05