Lê Ngọc Phước, đối tượng nghiện ma túy đá, tham gia nhiều vụ cướp giật, vừa bị đội hình sự đặc nhiệm TP.HCM bắt giữ – Ảnh: Cơ quan điều tra cung cấp
Các bác sĩ đều cho biết ma túy đá phá hủy nghiêm trọng não bộ, làm cho người nghiện có nguy cơ trở thành bệnh nhân tâm thần. Việc cai nghiện cũng rất khó khăn, khi người nghiện bị tâm thần lại càng khó khăn hơn trong điều trị.
Phá hoại não bộ
Một người mẹ vui mừng báo tin con mình đã hết nghiện heroin do dùng ma túy đá. Con chị không còn vật vã đói thuốc như trước đây, thay vào đó là thỉnh thoảng dùng ma túy đá. Đó là một trong rất nhiều nhận thức sai lầm mà bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy – giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (TP.HCM) – biết được trong quá trình cai nghiện cho các học viên.
Theo bác sĩ Khánh Duy, nhiều người lầm tưởng ma túy đá không gây nghiện và sẽ được đào thải khỏi cơ thể nên không có hại. Thực tế ngược lại hoàn toàn, ma túy đá là một loại ma túy gây nghiện dạng kích thích. Loại ma túy này tàn phá hệ thống não bộ và gây nên bệnh tâm thần nhiều hơn heroin, đặc biệt có những trường hợp não bộ bị ma túy đá phá hủy thì rất khó để phục hồi.
Bác sĩ Khánh Duy cho biết khi sử dụng ma túy đá liều lượng cao sẽ bị mất ngủ, chán ăn từ ba đến bảy ngày liên tục, nhạy cảm với âm thanh, tiếng ồn, nói nhiều, khả năng tập trung kém, diễn đạt không logic, nặng hơn sẽ nôn ọe, chóng mặt. Ở giai đoạn nghiêm trọng thì dẫn tới hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần, ảo giác, môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi… Người dùng ma túy đá trong một thời gian dài còn có nguy cơ đột quỵ do hiện tượng thiếu máu não, tăng nhịp cơ tim. Họ cũng quan hệ tình dục bừa bãi, có nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Sau nhiều ngày nhảy múa, hoạt động, mất ngủ liên tục sẽ dẫn đến tình trạng suy kiệt cơ thể, giảm sút sức đề kháng, rối loạn thần kinh.
Theo bác sĩ Phạm Văn Trụ, phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trong năm 2011 tại bệnh viện có 113 bệnh nhân cấp cứu và 560 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú vì các triệu chứng hoang tưởng ảo giác và rối loạn hành vi, tác phong. Tất cả bệnh nhân đều khai báo có dùng ma túy tổng hợp. Những bệnh nhân này thường đến khám với dáng vẻ rã rượi, đi tới lui và suy giảm định hướng không gian, lời nói và ý tưởng không “dính kết” do suy giảm khả năng nhận thức, dễ gây gổ.
Bác sĩ Khánh Duy khẳng định tại Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, số lượng học viên bị nghiện ma túy tổng hợp những năm trước thường chỉ chiếm 1%, nhưng số này đang tăng lên chóng mặt. Trong năm nay tại trung tâm có gần 24% người nghiện ma túy đá, trong số đó 1/4 phải chuyển bệnh viện tâm thần khám và điều trị. “Đau lòng nhất là đa số người nghiện ma túy đá đều còn rất trẻ, 18-28 tuổi”– bác sĩ Khánh Duy nói.
Khó cai nghiện
Việc cai nghiện ma túy đá không đơn giản, thậm chí theo bác sĩ Khánh Duy là “còn khó hơn cả cai nghiện heroin”. Bác sĩ Duy cho biết khi nghiện heroin người nghiện bị lệ thuộc nhiều về mặt cơ thể nên biểu hiện rõ ràng, nhưng với ma túy đá thì người nghiện lại lệ thuộc vào tâm thần, biểu hiện khó nhận biết. Người nghiện ma túy đá khi thiếu thuốc chỉ thể hiện trạng thái mất ngủ, mệt mỏi, ủ rũ, trầm cảm. Không vật vã như heroin nhưng ma túy đá gây nghiện dai dẳng, khó bỏ.
Cho đến nay, tại VN, Bộ Y tế chưa phê chuẩn một phác đồ cai nghiện ma túy tổng hợp nào và chưa có thuốc cai nghiện. Để cai nghiện ma túy đá thành công đòi hỏi cần thời gian dài kết hợp các bước: giáo dục nhân cách, điều trị các rối loạn hành vi và phục hồi não bộ. Việc điều trị cho người nghiện ma túy đá cũng cần kết hợp nhiều liệu pháp như: tâm lý, giáo dục, xã hội.
Đối với những bệnh nhân bị tâm thần vì dùng ma túy tổng hợp, bác sĩ Phạm Văn Trụ cho biết việc điều trị hoàn toàn không đơn giản, phải kiên trì trong một thời gian dài. Bác sĩ Trụ cũng nhấn mạnh điều trị nghiện ma túy đá là loại công việc khó và rất phức tạp, bao gồm cắt cơn nghiện, tiếp đến là điều trị duy trì làm sao cho các tác động sinh học thần kinh độc hại do ma túy gây ra giảm dần. Sau đó phải tạo điều kiện cho người nghiện thay đổi lối sống, suy nghĩ tích cực bằng công ăn việc làm và các hoạt động giải trí thích hợp.
Không kiểm soát được hành vi
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, khi sử dụng, ma túy đá sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương của người nghiện và có thể tạo ảo giác. Sau đó, các tế bào thần kinh trung ương sẽ bị đầu độc rồi dần bị tổn thương và chết đi. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn hành vi, con người không thể kiểm soát được những hành động của mình. Sự hưng phấn, sung mãn, tự tin của những người sử dụng loại ma túy khiến họ có thể làm những điều họ không dám khi còn tỉnh táo như: chạy xe điên cuồng, tự làm đau chính cơ thể mình, quan hệ tình dục tập thể, la hét…