Ma lực của những lá tình viết thư tay - Tạp chí Đẹp

Ma lực của những lá tình viết thư tay

Sống

“Đừng đốt, trong đó có lửa!”

Vào đoạn cuối của cuộc tình bất thành ấy, chả biết làm thế nào để vớt vát, tôi đành đổ sức cho một việc chẳng giống ai, mà cũng lại sến sẩm lâm ly hệt như trong tiểu thuyết: Ngồi cặm cụi in ra những bức tình thư trong inbox, rồi… chép tay và kẹp vào hai cuốn nhật ký dày cộp, đóng hộp, gửi nhờ nhà mẹ. Rồi, đi lấy chồng.

letter4

Bốn năm trời, một cuộc tình xuyên biên giới, nhưng lại liên quan tới ba người, chuyện vì thế có những lúc gần như không có lấy một chút ánh sáng cuối đường hầm nên những bức thư cũng theo đó mà chồng chồng lớp lớp, dày như nước mắt. Dễ phải mất hơn một tháng, tôi mới chép được bằng hết những bức thư đó, tất nhiên là về phần mình. Nửa còn lại, của họ, thì vẫn nằm nguyên trong inbox, ở dạng thư điện tử, như chính một nửa mà kẻ đến sau là tôi đã không thể nào chạm tới được.

Ấy vậy mà, cả cái “gia tài lớn” đó của tôi (dù chỉ là những lá thư chép lại, cùng hai cuốn nhật ký), vào một ngày đẹp trời, bỗng bị mẹ tôi… đem đốt, chỉ bởi một lý do rất đơn giản: “Chồng mày mà đọc được thì mày chết!”. Tôi nhớ là tôi đã giận mẹ tới nỗi không nói nổi câu nào, có lẽ chưa bao giờ tôi có thể giận một người thương mình đến thế. Kể mà còn kịp, thì tôi đã can mẹ, y như cái người từng giúp giữ lại cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã nói: “Đừng đốt, trong đó có lửa!”, hoặc một câu đại loại thế, nhưng bớt tính “biểu tượng” hơn. Ai đời, 4 năm yêu khổ yêu sở, già 1 tháng giời lọ mọ ghi ghi chép chép – một đời giỏi lắm chỉ gặp được một cuộc yêu nhớ đời như thế thôi chứ! Thế rồi, chỉ cần một mồi lửa, là xong. Chả trách, người ta “từ mặt” thư viết tay cũng phải!

“Sống để dạ, chết… để lại”

Mẹ tôi làm thế, có thể là vì bà đã không được đọc và xem “Những cây cầu ở quận Madison”. Bằng cái việc tỉ mẩn ngồi chép tay lại cả trăm bức thư kia, cái kẻ lẩn thẩn dại trai là tôi đây những tưởng đâu sẽ có ngày con cháu mình cũng sẽ có lúc rưng rưng ngồi mở một cái hòm chất đầy thư và nhật ký mà mẹ nó để lại, rồi tá hỏa xót thương người mẹ từng phải trải qua một cuộc tình ngang trái, “sống để dạ, chết mang theo” y như trong tiểu thuyết. Mà không, cuộc tình mà tôi có hẳn phải “vĩ đại” hơn nhiều chứ, vì cặp kia chỉ có 4 ngày, còn tôi đây có những 4 năm.

Nhưng vì những bức thư viết tay kia, thực ra chỉ là phiên bản, nên lẽ ra tôi đã có thể chép lại, nếu như tôi còn đủ kiên trì. Có điều, sau quá nhiều cái mất, vô hình hay hiện hữu, tôi bỗng cảm thấy mình không còn đủ cảm xúc, dù chỉ để ngồi chép lại những dòng tình thư cũ.

Nên bao lâu nay, dù những bức tình thư ấy vẫn còn nằm nguyên trong hộp mail xưa, thì tôi cũng tự biết rằng, nó thực sự đã mất. Vì cái cảm giác ngắm một bức ảnh cũ được rửa từ phim, và phim đã hỏng hoặc đã mất, rõ ràng khác hẳn với cảm giác mở một file ảnh trên máy, và bạn hoàn toàn có thể nhân bản. Được cầm trên tay một thứ gì đó, chạm vào nó, ta đồng thời cũng sẽ có ý thức rõ ràng hơn về việc nó – thuộc – về – mình và cần phải bảo quản nó, “sống để dạ, nhưng chết cũng phải… để lại” nữa.

Credit line (HTML Code): © Iurii Sokolov | Dreamstime.com Title: Old love letter Description: Love letter and antique quill on a black background Photo taken on: March 26th, 2010 ID: 13697480 Level: 3 Views : 389 Downloads: 5 Model released: NO Content filtered: NO Keywords (Report | Suggest) fashioned pen paper nostalgia copy old history handwriting love quill romance calligraphy letter manuscript antique mail reading retro writing memories

“Bút sa, gà… sống”

Người ta thường hay nhắc đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, nhưng có một câu thơ nhỏ của ông, tôi còn thấy nhớ hơn. Ấy là khi ông tả một cái lá chuối, một cái lá chuối thôi, thế mà phong tình tới nhường nào: “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem”. Ra là “hacker” có từ thời đó.

Tôi cũng biết một người đọc trộm thư mà tôi vô cùng khâm phục. Ấy là chị vợ đầu của một nghệ sỹ nổi tiếng, và câu chuyện do chính người đàn ông đào hoa kia kể lại, trong sự cảm phục.

Hồi đó, vì bắt được mấy lá thư tay cô bồ (cũng là một nữ ca sĩ nổi tiếng và về sau là vợ hai của anh kia) gửi cho chồng mà chị mới chắc rằng, những lời đồn thổi bấy lâu hóa ra là có thật. Những bức tình thư vụng trộm những tưởng sẽ bị xé tanh banh nhưng không, thậm chí còn được xếp lại ngay ngắn theo một trật tự mới để người nhận thư biết rằng thư đã có thêm người đọc. Rồi người đàn bà đẹp nổi tiếng đất Hà thành là chị chui vào nhà tắm, rít thuốc lá nguyên một đêm, sáng hôm sau điềm tĩnh bảo chồng dẫn cô kia về nhà để chị nói chuyện. Sau cuộc chuyện riêng giữa hai người đàn bà, chị thở hắt bảo chồng: “Thôi, em để anh đi… Nhìn cô ấy đẹp thế, viết thư hay thế, đến em cũng thấy yêu, nữa là anh!”.

Kết quả của hành động quả cảm (hay thực ra là khôn ngoan) kia là cuối cùng, anh chồng được “tha bổng” nọ quyết để lại toàn bộ tài sản cho vợ con để cuộc ra đi của mình được phần nào thanh thản và gọn nhẹ hơn trong mắt cả hai người phụ nữ.

letter-3

“Dòng mực xanh còn đó”

Bạn đã từng đọc “Cô đơn trên mạng”, hay “Cưỡng cơn gió bấc”, “Con sóng thứ bảy” – những cuốn tiểu thuyết từng làm bao độc giả say mê vì chuyện tình qua thư thời kỹ thuật số? Vậy nhưng, đã bao giờ bạn thử đặt giả thiết: Kể mà, những cặp đôi đó viết cho nhau bằng những lá thư tay, thay vì thư điện tử, biết đâu chuyện tình của họ lại thành?

Vì cái cảm giác ngồi trước một trang giấy trắng khi bắt đầu viết một lá thư hẳn là không rợn ngợp bằng lúc ngồi trước một màn hình trống trơn cùng một cái bàn phím với những con chữ như bao con chữ khác, và khi “cất tiếng” thì đến là khó chịu? Hay ngược lại, cái cảm giác xóa đi một bức thư điện tử (biết đâu là nên gửi, hay nên giữ lại), hoặc ít ra là chỉnh sửa nó (mà biết đâu là không nên chỉnh sửa) là dễ dàng và tiện lợi hơn nhiều so với việc phải xé đi một bức thư viết tay – thứ mà nếu để mất, bạn sẽ không tài nào có lại.

Tôi nhớ, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, khi tôi khen cái câu: “Giận anh, em ném trả vầng trăng lên trời” trong bài “Trăng khuyết” của anh, đã từng cười bảo: “Yêu thế ăn thua gì! Nghe nhạc vàng đi em ơi, rồi lại nghe nhạc Lê Minh Sơn! Đây, cứ bảo nó sến, ăn cho ra sến của nó: “… Nhưng em yêu ơi một dòng thư cũ/ Vẫn còn trong ta một trời cuồng điên/… Cả một trời yêu bao giờ trở lại…”. Hay! Yêu thế mới gọi là yêu chứ! Viết thế mới gọi là viết!”

Bạn đã từng nghe nói đến một cuốn sách độc đáo tới nỗi, khi mở nó ra, bất ngờ thay là người ta không hề thấy một dòng chữ nào cả. Cũng là cách để kể một câu chuyện, hoặc cho gợi ý về một bức tình thư, khi không còn gì để nói, hoặc có quá nhiều điều để nói, đến mức không cần nói. Lại cũng có những bức mật thư của các nhà hoạt động tình báo, được viết bằng một thứ mực đặc biệt: những con chữ sẽ tự nhiên biến mất như chưa từng tồn tại?

Vậy, nếu thư tình viết tay trở lại, vào cái thời chúng ta yêu nhau vội vã hơn, nhiều nghi ngờ và phương án hơn, nhiều “cuộc – tình – không – muốn – báo” hơn, liệu bạn có cần đến thứ mực “tình báo” thần kỳ đó? Vì “cuộc tình nào rồi cũng trôi qua”, và có để làm gì đâu nhỉ, những dòng thư cũ, nếu đúng như Y Vân viết: “…Yêu cho thấy bao lâu đài/ Chỉ còn vài trang giấy/ Dòng mực xanh còn đấy/ Hứa cho nhiều dù bao lời nói/ Đã phai tàn thành mây thành khói/ Cũng xem như không mà thôi…”? 

Chuyên đề: Hãy viết những dấu yêu ra giấy!

Có bao nhiêu người còn tỉ mẩn ngồi viết tình thư trên những trang giấy?
Và có bao người còn thấy xốn xang khi nhận được những bức thư tình viết tay?
“Em yêu dấu, em yêu dấu, em yêu dấu… Nếu đánh máy, chín từ em yêu dấu lặp lại 3 lần hay 30 lần cũng thế cả thôi, cũng chỉ là một tiếng gọi. Nhưng khi viết tay, mỗi ký tự đặt xuống mặt giấy là một luồng năng lượng… Hồn chữ chở hồn tình” (Nhạc sĩ Quốc Bảo).
Hãy quên đi những phím chữ, gác điện thoại, đóng máy tính và viết những dấu yêu ra giấy cho ai đó,  để ai đó được chạm tới, cầm trên tay và thấy xốn xang…

Đọc các bài viết trong cụm chuyên đề “Hãy viết những dấu yêu ra giấy!”

Thực hiện: depweb

30/03/2017, 14:29