Lyon Nguyễn: Nghệ thuật múa dành cho tất cả mọi người

Lyon Nguyễn là một biên đạo múa, nghệ sĩ chuyển động và nghệ sĩ thị giác. Anh là người sáng lập câu lạc bộ Thân Nghiệm – nơi mọi người có thể cùng nhau nhảy múa bất kể tuổi tác, dáng vóc và tình trạng sức khỏe. Vừa qua, Lyon đã cùng các cộng sự tổ chức workshop dạy múa cho người điếc.

Thân nghiệm

Lyon Nguyễn tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật tại trường Đại học Sam Houston State (Hoa Kỳ), theo học cao học và tham gia giảng dạy các môn sáng tạo múa, lý thuyết múa ở trường Đại học Utah (Hoa Kỳ) và công tác tại khoa Đương đại của trường Trung cấp Múa TP.HCM. Hiện tại, anh đang giảng dạy Contact Improv (chạm ngẫu hứng), kỹ thuật múa đương đại, ballet cho người lớn và chuyển động sáng tạo tại TP.HCM.

“Vì những kiến thức về múa được đào tạo ở Mỹ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, tôi lại cảm thấy vai trò giáo dục của mình được đẩy lên cao hơn và hạ thấp vai trò nghệ sĩ xuống.”

Anh chia sẻ: “Lúc mới sang Mỹ du học ngành truyền thông, tôi cảm thấy rất cô đơn. Rất may, các lớp múa đã cho tôi niềm vui. Mỗi khi bước vào gian phòng mà ở đó có đến 20 người cùng mình hòa chung một điệu nhảy, tôi vui lắm. Học kỳ một, tôi đăng ký một lớp học nhảy. Học kỳ hai, tôi đăng ký hai lớp, học kỳ tiếp theo ba lớp… Cô giáo khuyên tôi chuyển trường, theo học ngành múa. Tôi vô cùng hoang mang: ở tuổi 20 mới bắt đầu học múa thì làm sao có thể làm tốt như các bạn đã tập múa từ bé? Nhờ sự động viên của cô, tôi quyết định thử sức, và tôi ở hiện tại là một minh chứng cho thấy rằng bạn có thể theo đuổi nghệ thuật múa bất cứ lúc nào.

Lúc về nước, tôi buồn vì những kiến thức về múa được đào tạo ở Mỹ chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Nhưng chính nhờ như vậy, tôi lại cảm thấy vai trò giáo dục của mình được đẩy lên cao hơn và hạ thấp vai trò nghệ sĩ xuống. Khi trao kiến thức đến các bạn yêu thích múa, dạy múa cho những người chưa múa bao giờ, nhìn thấy mọi người hân hoan trong từng chuyển động, tôi nhớ lại bản thân năm 20 tuổi khi bén duyên với bộ môn này”.

Lyon Nguyễn đặt tên cho câu lạc bộ múa của mình là Thân Nghiệm, có nghĩa là từ sự tưởng tượng phóng ra những chuyển động cơ thể.

Có thể tạm chia ra hai trường phái dạy múa: dạy động tác và dạy cảm thể. Lyon Nguyễn đặt tên cho câu lạc bộ múa của mình là Thân Nghiệm, có nghĩa là từ sự tưởng tượng phóng ra những chuyển động cơ thể. Ví dụ, bạn tưởng tượng mình là một con sứa, con sứa chuyển động như thế nào thì mình chuyển động như thế.

Lớp múa cho người điếc

“Người điếc có cách cảm nhận âm nhạc thông qua độ rung của sóng âm. Bình thường tôi phải sử dụng ngôn từ để mọi người có thể hiểu được động tác. Nhưng khi dạy múa cho người điếc, chỉ cần mình chuyển động, mọi người sẽ quan sát động tác và thực hiện theo. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên”, Lyon chia sẻ.

Vào lễ khai mạc Olympic 2012, thế giới từng được thưởng thức phần trình diễn của nghệ sĩ trống Evelyn Glennie. Bị điếc nặng, vậy nên để cảm nhận được sự rung động của âm thanh, Evelyn Glennie thường đi chân trần nhằm tiếp xúc vật lý với môi trường xung quanh nhiều nhất có thể. Trong bộ phim tài liệu “Human: the world within”, Mandy Harvey là một nhạc sĩ, ca sĩ dòng nhạc jazz và pop người Mỹ, bị điếc sau một căn bệnh ở tuổi 18. Câu chuyện về hành trình theo đuổi âm nhạc của cô vô cùng cảm động. Để có thể cảm nhận âm nhạc qua tần số rung động, cô đã luyện tập bằng nhiều phương pháp. Khi được hỏi rằng liệu cô có cảm thấy thiệt thòi vì không thể nghe thấy giọng hát của chính mình không, Mandy trả lời rằng mình cảm thấy tuyệt vời khi có thể cảm nhận âm nhạc theo một cách đặc biệt. Với những nỗ lực, tình yêu và lòng tin, sẽ không chỉ có một Evelyn Glennie và một Mandy Harvey trên thế giới. Trong cộng đồng người điếc, có những người khao khát trở thành diễn viên kịch, diễn viên điện ảnh hoặc diễn viên múa chuyên nghiệp.

Lyon Nguyễn đang cộng tác cùng tổ chức Saigon Theatreland nhằm tìm kiếm nguồn hỗ trợ để tổ chức thường xuyên hơn các lớp múa cho người điếc, hướng đến việc dạy múa cảm thể để mọi người có thể trải nghiệm cảm xúc một cách toàn vẹn, tạo điều kiện cho người điếc học hỏi và theo đuổi nghệ thuật múa. Ngoài ra, các hoạt động do Lyon và cộng sự tổ chức còn tập trung giáo dục sự sáng tạo, bắt đầu từ việc yêu và tìm hiểu về lịch sử nghệ thuật múa.

Nghệ thuật là một điều tử tế

Những người đến câu lạc bộ Thân Nghiệm rất đa dạng về tuổi tác, công việc, vóc dáng, thể trạng. Đối với Lyon, nghệ thuật múa không có giới hạn. Ở Thân Nghiệm, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn sinh viên nhảy múa cùng các cô chú trung niên. Đặc biệt với những người lớn tuổi, Lyon thường dạy múa theo trường phái cảm thể để họ giải phóng cảm xúc và cảm thấy thoải mái trong mọi chuyển động.

Lyon kể rằng ở trường múa anh theo học tại Mỹ, có những bạn thân hình tròn trịa, có cả một thầy giáo lưng gù đã ngoài 60 tuổi. Tất cả từ già đến trẻ, bất kể ngoại hình cùng múa với nhau. Múa không chỉ là một nghệ thuật biểu diễn mà còn là hoạt động mang ý nghĩa củng cố những mối quan hệ cộng đồng. Cũng không có bất kỳ ai quy định người múa nhất định phải trẻ, phải ngầu, phải quyến rũ. “Một người 60 tuổi có được phép múa với mình không? Tại sao không?” – anh kết lại câu chuyện bằng một câu hỏi tu từ.

Nghệ thuật vốn dĩ là một điều tử tế. Bạn có đồng ý với tôi rằng nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng càng tử tế khi luôn dành cho tất cả mọi người?

CHUYÊN ĐỀ: ĐIỀU TỬ TẾ

Tiểu thuyết gia Mark Twain từng nói: “Sự tử tế là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người câm có thể nói”. Câu nói ấy mang ý nghĩa rằng lòng tốt và sự tử tế là những giá trị phổ quát, có thể vượt qua mọi rào cản ngôn ngữ và thể chất. Bước vào không gian của một lớp học múa dành cho người điếc hay một lớp học về sức khỏe của phụ nữ vùng cao, trò chuyện cùng một nghệ sĩ hay một nhà hoạt động xã hội, bạn có thể dễ dàng hiểu được câu nói trên theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Điểm chung giữa những con người này là một trái tim nhân ái rộng mở và những dự án nối dài cho các thế hệ tương lai.

Đọc thêm
Lyon Nguyễn: Nghệ thuật múa dành cho tất cả mọi người
Chung Thúy Linh: Quả ngọt cho tương lai
Jun Phạm: Dáng hình của những ước mơ
Matt Jackson: Người đàn ông cất tiếng nói vì phụ nữ

Ảnh: Ngọc Ánh, NVCC
Trợ lý: Diệp Anh


From the same category