– Chào Ly, tôi vừa thấy bức họa trong bộ sưu tập “Biển” (La Mer) của chị được in trên mặt tiền của một trung tâm thương mại. Mối duyên của chị với thời trang có vẻ đã đi xa hơn rất nhiều so với thời gian đầu, khi chị còn tự nhận mình là dân ngoại đạo trong thời trang.
– Trước khi chị thấy các họa tiết của tôi ở trung tâm thương mại đó thì tôi đã có gần 5 năm được nhào nặn đến “bầm dập” trong ngành công nghiệp đầy khắc nghiệt này. Tôi bắt đầu với thời trang năm 25 tuổi, khi ấy tôi thực sự là một số không tròn trĩnh. Thứ duy nhất tôi có là ý tưởng.
– Chị từng là biên tập viên thời trang của một tờ báo thì sao là số không được?
– Ngoài vẽ ra tôi không có bất kể một kiến thức gì về thị trường, về chất liệu, hay kĩ thuật cắt may. Tôi cứ đánh liều giới thiệu khoảng 10 mẫu trong tổng số hơn 100 bản phác thảo, và biến phòng khách của mình thành nơi trưng bày. Thương hiệu thời trang Ly Vũ Couture đã khởi đầu như vậy.
Khách hàng, khi đó, hầu hết là bạn tôi, hay bạn của bạn, họ rất thích các thiết kế của tôi. Khi bắt tay vào làm bộ sưu tập mới, tôi thường để tâm trí mình trống rỗng như một tờ giấy trắng, không nghiên cứu hay tìm hiểu bất kể điều gì. Tôi chỉ vẽ những gì mình hình dung.
Nhưng thật ra, đó là một sai lầm. Tôi không phải là một tờ giấy trắng, tôi cần phải làm mới những gì mình có.
– Những trải nghiệm đến mức “bầm dập” giúp chị nhìn ra điều đó?
– Đúng vậy. Tôi đã quá tự tin vào mình, cho đến khi phải thực sự “chiến đấu” giữa kinh đô thời trang của thế giới.
Tôi mang bộ sưu tập của mình đến Pháp theo lời mời cộng tác của một thương hiệu tại Paris. Trong gian hàng pop up store ở trung tâm Paris, sản phẩm thời trang của tôi phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn khác. Đó là cuộc chiến không cân sức. Bởi khách hàng Pháp khi mua một sản phẩm thời trang, họ muốn mua cả di sản văn hóa gắn liền với thương hiệu đó. Trong khi sản phẩm mà tôi mang đến chẳng có gì ngoài chính bản thân bộ trang phục.
Paris còn khiến tôi bị sốc bởi sự kì thị chủng tộc đến tận gốc rễ ở nơi được coi là thiên đường của tự do. Sự kì thị diễn ra ở mọi tầng lớp xã hội, từ những người lao động gốc Phi đến các quý bà Paris. Sau khoảng một năm làm việc tại Pháp, tôi biết mình phải trở lại Việt Nam, tiếp tục với những gì mình đã gây dựng.
– Tôi thấy chị như một cô gái Pháp chính hiệu vậy. Đó có phải là điểm cộng sau một năm hít thở bầu không khí Paris không?
– Điểm cộng duy nhất, theo tôi, là hiểu được điều gì làm nên giá trị của một thương hiệu thời trang trên thị trường quốc tế.
Tôi dành nhiều thời gian nghiên cứu về xã hội, văn hóa truyền thống. Cùng với đó, tôi lật giở lại các trang nhật kí của mình, những bức vẽ ngày nhỏ. Tôi bắt đầu lại từ những điều nguyên sơ như vậy.
Tôi có rất nhiều tranh khỏa thân. Ngày bé, khi vẽ chúng, tôi đã bị gia đình phản đối nhiều, chỉ duy nhất bố tôi là người ủng hộ. Ông là người yêu nghệ thuật. Ông sưu tầm tranh ảnh, trong ví ông lúc nào cũng có hình của các cô đào nổi tiếng như Marilyn Monroe, Sophia Loren hay Brigitte Bardot. Tôi được thừa hưởng tình yêu này từ ông.
– Những bức vẽ khỏa thân đó là nguồn cảm hứng mà chị đưa vào trong bộ sưu tập “La Mer”?
– Đúng vậy. Tôi bắt đầu vẽ nhiều hơn, và muốn được in những họa tiết của mình trên khăn lụa, trang phục.
Tôi nhận ra, những người phụ nữ đến với mình đều là những người đã có phong cách, thậm chí có gu thẩm mỹ rất tốt. Sản phẩm thời trang của tôi giúp họ tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn, thể hiện cá tính của họ rõ nét hơn.
Tôi hạnh phúc khi khách hàng nhận ra nét vẽ của tôi trên mặt tiền của trung tâm thương mại giống với họa tiết trên chiếc váy mà cô ấy đang mặc; hay khi khách hàng nâng niu chiếc khăn lụa như trân trọng một tác phẩm nghệ thuật. Đó là lúc dấu ấn sáng tạo, bản sắc cá nhân của nhà thiết kế được nhận diện mà không cần vời đến nhãn mác hay thương hiệu. Đây chính là giá trị thời trang mà tôi theo đuổi.
– Chị hình dung thương hiệu thời trang của mình sẽ thế nào sau 5 năm hay 10 năm nữa?
– Tôi sẽ vẫn theo đuổi những giá trị cốt lõi, thể hiện cái tôi của mình. Sau mỗi sản phẩm thời trang là một câu chuyện, một thông điệp mà tôi muốn gửi gắm.
Cùng với đó, tôi sẽ mở rộng sang nhiều mảng thời trang hiện vẫn còn bỏ ngỏ trên thị trường, như đồ nội y chẳng hạn. Từ trước đến nay, nội y bị xem như một món phụ kiện, trong khi về bản chất, sản phẩm này rất quan trọng với phụ nữ.
– Không nhiều phụ nữ Việt Nam chịu chi tiền cho một bộ nội y chất lượng. Tôi nghĩ, điều này một phần cũng do văn hóa Á Đông.
– Phụ nữ Á đông vốn được dạy phải kín đáo. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền cho một bộ váy đẹp, nhưng lại mặc bên trong một bộ đồ lót rất bình thường. Họ đã quên đi rằng mình phải quyến rũ người yêu, người bạn đời như thế nào khi cởi chiếc váy xinh đẹp đó ra. Đó cũng là một nghệ thuật.
– Theo chị, thế nào là một phụ nữ quyến rũ?
– Là người luôn khám phá và thích làm mới mình mỗi ngày để không bao giờ bị nhàm chán.
– Chị đã quyến rũ người đàn ông của mình như thế nào?
– Trong suốt 8 năm bên nhau, tôi tự học cách để trở thành một người phụ nữ biết làm đẹp cho bản thân, độc lập, tạo ra khoảng trời tự do cho mình và cho người đàn ông của mình. Đó là cách chúng tôi mang đến hạnh phúc cho nhau.
– Chị có phải là típ phụ nữ truyền thống?
– Trong mắt của những người như bà tôi, mẹ tôi, thì tôi không phải một phụ nữ truyền thống mẫu mực, biết nghĩ tới lấy chồng sinh con. Nhưng họ tôn trọng cuộc sống của tôi. Tôi rất biết ơn họ vì điều đó!
Q&A 1. Câu nói yêu thích nhất? Profile cá nhân – Tên thật: Vũ Hương Ly |