Ly hôn xanh - thiếu hay thừa kỹ năng sống? - Tạp chí Đẹp

Ly hôn xanh – thiếu hay thừa kỹ năng sống?

Sống

Trong chuyện cổ tích ngày xưa, sự kiện hoàng tử và công chúa yêu nhau, sống bên nhau hạnh phúc suốt đời, luôn được chọn làm kết cục có hậu. Đó cũng là mơ ước, mong muốn của người đọc. Chuyện hiện đại ngày nay, nhiều hoàng tử có vẻ rất “môn đăng hộ đối” với công chúa nhưng kết cục không phải là sẽ “sống bên nhau trọn đời” mà họ chỉ dọn về một tổ trong thời gian ngắn rồi… sau đó, vương quốc của ai nấy ở. Cũng như hôn nhân, có nhiều tên gọi: hôn nhân thử, hôn nhân nửa bước, hôn nhân bước nữa, thì ly hôn cũng có nhiều hình thức: ly hôn nháp, ly hôn gấp, và ly hôn xanh…

Ly hôn xanh đa số rơi vào nhóm người trẻ. Người trong cuộc đã thực hiện một cuộc chia tay khi còn nước mà không còn tát. Có người không đủ sức tát. Có người không muốn tát, và có người không biết cách tát trẻ đến với hôn nhân bằng những quyết định vội vàng, cũng không chỉ xảy ra khi người được lựa chọn làm vợ/làm chồng là một người xấu đến mức không thể chấp nhận được.

Trong những nẻo đường rạn nứt của hôn nhân, đôi khi còn có cả bi kịch của sự hoàn hảo, khi sự hoàn hảo có thể khiến người sở hữu lẫn người thụ hưởng nó “ngủ quên trên chiến thắng” và vào một ngày đẹp trời, một trong hai người ấy bỗng cảm thấy mệt mỏi vì lúc nào cũng phải sống gồng lên. Đó là lúc họ bỗng muốn buông, dù có thể không biết trước sẽ chạm phải cái gì phía dưới.

Ly hôn xanh, ngày nay thậm chí còn diễn ra khá phổ biến ở những người đàn ông/phụ nữ đã có thừa độ tuổi được phép kết hôn và trưởng thành một cách đúng nghĩa về kinh nghiệm sống. Chính ở lứa tuổi ấy, người ta lại càng tự tin hơn với quyết định của mình, nếu không muốn nói là còn riết róng hơn khi nghĩ rằng quỹ thời gian hiện có của mình đã mất đi quá nửa. Sức chịu đựng những va đập của cuộc sống cũng không hẳn tỷ lệ thuận theo độ tuổi như người ta vẫn tưởng. Thậm chí, chữ “buông” đôi khi lại có ở những người đã bị đời sống thử thách và làm khó quá nhiều lần.

Nỗi thất vọng của những người tưởng chừng như đã cân nhắc chán, vì vậy xem ra lại càng lớn hơn những người quyết định có vẻ vội vàng vì cú đập đối với họ chính là do họ đã đặt quá nhiều hy vọng và niềm tin vào sự lựa chọn ấy.

Xu hướng “Cưới như công chúa” đang được hãng Walt Disney quảng bá khắp toàn cầu. Những nhà sản xuất kiểu áo cưới lãng mạn, cổ điển đã đưa nhiều cô dâu trở lại thời “khi xưa ta bé”, luôn mơ trở thành một nàng công chúa. Và tất nhiên, các chú rể đều là hoàng tử, chẳng tiếc gì tiền triệu để được nhìn ngắm công chúa của mình. Các công chúa và hoàng tử luôn giàu sáng tạo. Họ biết cách tổ chức một buổi tiệc cưới không chê vào đâu được, mọi thứ đều tinh tươm, từ cái khăn trải bàn. Ý tưởng về tuần trăng mặt lại càng tuyệt vời. Cô dâu, chú rể rất hào hứng tìm kiếm thông tin, kinh phí để có một chuyến đi đong đầy cảm xúc. Thế nhưng, cuộc hôn nhân sẽ “vận hành” thế nào, những “cam kết” nào được vợ chồng thiết lập và tôn trọng thực thi… thì cả công chúa lẫn hoàng tử đều không lên được kế hoạch cụ thể, nên cuộc sống chung khi gặp lúc “trái gió trở trời”, có nguy cơ rã đám.

Thạc sĩ giáo dục học Nguyễn Ngọc Tài, trưởng nhóm khảo sát tình hình ly hôn trong thanh niên Tp.HCM của Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất Tp.HCM, cho biết: “Qua các cuộc phỏng vấn, chúng tôi nhận thấy ly hôn cũng là một giải pháp khi mâu thuẫn gia đinh không còn cách giải quyết, hoặc người trong cuộc không muốn giải quyết. Tuy nhiên, số vụ ly hôn do những nguyên nhân chưa đến mức chia tay lại chiếm đa số trong cuộc khảo sát. Điều này phản ánh sự nhận thức hời hợt của giới trẻ về giá trị của gia đinh, coi thường cảm xúc bên người thân, vội vàng trong quyết định, thái độ quá nóng nảy trong cách hành xử. Kết quả của cuộc khảo sát là tài liệu sống động và thực tế để gợi ý cho giới chuyên môn và các cơ quan chức năng xây dựng giáo trình về kỹ năng sống, trong đó bao gồm các kỹ năng ứng xử, giao tiếp vợ chồng, xây dựng kế hoạch chi tiêu, nuôi dạy con cái…

Không phải lúc nào “người tỉnh” cũng làm tốt hơn “người say”.
Hỏi những người say rượu vì sao thường lập được kỳ tích là… tìm được đúng đường về nhà mình, thì chỉ có thể giải thích rằng: đó là nhờ sự mách bảo của linh tính. Không nhiều người có được sự mách bảo của linh tính khi đứng trước sự lựa chọn người bạn đời cho mình và đó có lẽ chính là mầm mống đầu tiên của sự đổ vỡ. Và khi sự nhạy cảm đến muộn, đó là lúc bạn rất dễ yếu lòng trước những điều không như ý, không như trong mơ, những so sánh và cả những cám dỗ mới…

 Bài: Chung Thư Hạnh

Thực hiện: depweb

30/09/2010, 16:53