“Cô gái 22 tuổi tiết lộ bí quyết mua nhà sau 3 năm”; “Từ lương 3,5 triệu/tháng, cô gái mua nhà Sài Gòn 2 tỷ”; “Tiết kiệm từ cốc trà sữa, bạn trẻ mua được nhà Hà Nội khi còn độc thân”; “Mỗi ngày bớt 30.000 VNĐ uống cà phê, sau 40 năm tự nhiên có 2.4 tỷ” – Hành trình tiết kiệm và xây nhà của các bạn trẻ cùng thế hệ liệu có đang khiến bạn ngộp thở và bối rối? Chẳng lẽ chỉ cần không uống cà phê hay trà sữa mỗi ngày là sẽ mua được nhà sau vài năm?
Chỉ với hai từ khoá là “tiết kiệm” và “xây nhà”, ta có thể thu được không dưới 10 mẩu tin về chủ đề này trên internet, đáng nói hơn, nhân vật chính trong các mẩu tin thường là những bạn trẻ chưa bước qua ngưỡng tuổi 30. Thành công từ việc tiết kiệm của họ đôi lúc khiến ta phải “hoài nghi nhân sinh” và đắn đo với tình trạng chi tiêu hiện tại của chính mình. “Liệu tôi có đang phung phí quá hay không” “Làm sao để biết đâu là khoản đầu tư phù hợp?”; “Tôi có nên gạt bỏ những khoản chi nhỏ ngay cả khi chúng mang lại cho tôi niềm vui mỗi ngày?” Ta mất nhiều thời gian để băn khoăn về đồng tiền, đôi khi ta tiếc nuối với một khoản đã chi, đôi khi ta lại hối hận vì đã không “chịu chi” cho mong muốn của bản thân. Vậy mấu chốt đằng sau câu chuyện tiết kiệm là gì?
Với hầu hết những trường hợp thực tiễn được đưa ra trên mạng xã hội, thường xoay quanh các bạn trẻ dưới 30 tuổi, ta dễ dàng nhận thấy một điểm chung là các bạn phải cắt giảm tối đa việc chi tiêu. Tuy nhiên, nếu chỉ tiết kiệm thì vẫn chưa đủ, ngân quỹ mua nhà của họ còn được bù đắp bởi những khoản thu nhập chính và phụ, cộng thêm cả những khoản vay từ ngân hàng, bạn bè, người thân. Phần lớn trong số họ phải tận dụng thời gian rảnh một cách triệt để cho công việc bán thời gian. Rõ ràng, tiết kiệm không phải là giải pháp duy nhất và cốt yếu giúp chúng ta mua được nhà.
“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật.” Cách mà báo giới dùng một nửa sự thật là “tiết kiệm” (thực chất là hà tiện) để dẫn dắt đọc giả vào câu chuyện mua nhà – qua những dòng tít đầy ấn tượng như “Bí quyết cô gái 22 tuổi mua nhà sau 3 năm đi làm” hay “Cô gái 24 tuổi bày cách mua nhà sau 4 năm đi làm” – vô hình trung khiến nhiều người lầm tưởng rằng cứ tiết kiệm hết sức là có thể mua được nhà trong tương lai gần.
Tiết kiệm thái quá, hay đúng hơn là hà tiện, luôn đi kèm với những cái giá mà không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận. Những cuộc hò hẹn chung vui cùng bạn bè, những ly trà sữa giúp xoa dịu tâm hồn sau ngày dài đầy áp lực, chiếc đầm lộng lẫy phiên bản giới hạn có thể lập tức hô biến chúng ta thành nàng tiên trong cổ tích (điều mà lúc nhỏ ta luôn ao ước),… Để đạt được những mục tiêu “đao to búa lớn” như mua nhà, mua xe khi còn trẻ, ta có nhất thiết phải buông xuôi những điều tuy nhỏ nhưng đặc biệt ý nghĩa với mình hay không? Khái niệm “Latte Factor” sẽ giúp ta lý giải vấn đề này.
“Latte Factor” (tạm dịch: Nhân tố Latte) lần đầu tiếp cận đến công chúng thông qua một tựa sách về chủ đề tài chính của bộ đôi tác giả, doanh nhân nổi tiếng người Mỹ – David Bach và John David Mann. Khái niệm này được cắt nghĩa bởi tất cả những khoản chi tiêu nhỏ hằng ngày của chúng ta, bao gồm phí cho một ly cà phê, trà sữa, phí ăn trưa bên ngoài, hay thậm chí là phí rút tiền tại cây ATM khác ngân hàng,… Tưởng chừng không đáng kể, nhưng mỗi khoản chi trên đây đều có thể gây thâm hụt ngân sách của chúng ta nhiều hơn những gì ta nghĩ.
Nhiều khoản chi nhỏ khi gộp lại sẽ thành một khoản chi lớn? – Xa hơn thế, câu chuyện về “Latte Factor” còn có sự hiện diện của nhân tố “lãi kép” – là khi chúng ta dùng tiền để đầu tư và có lãi, sau đó tổng số tiền (cả vốn lẫn lãi) tiếp tục được đem đi đầu tư và chu kỳ này lặp lại nhiều lần. Theo đó, “lãi kép” là lãi phát sinh từ tổng số tiền gốc ban đầu với số tiền lãi tích lũy từ các kỳ trước (khác với “lãi đơn” – chỉ phát sinh từ số vốn ban đầu theo từng chu kỳ đầu tư). Hiện tượng lãi sinh sôi còn được gọi nôm na là “lãi chồng lãi” hoặc “lãi mẹ đẻ lãi con.”
Vậy mối liên hệ giữa lãi kép và “Latte Factor” là gì? Hãy xét một ví dụ minh hoạ khá phổ biến sau đây:
Chiếu theo lập luận này, nếu chúng ta mua một ly cà phê có giá 45.000 VNĐ ở cửa hàng, hẳn không ngoa khi nói rằng rằng ta đang để vuột mất khoảng 1.100.000 VNĐ của tương lai. Sức mạnh của lãi kép mang lại cho chúng ta một cái nhìn rõ nét hơn về sự thâm hụt tài chính khi chi tiền cho các “Latte Factor” (tức những khoản chi nhỏ lẻ), đồng thời cảnh báo ta về thói quen chi tiêu không kiểm soát mỗi ngày. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi của số tiền hơn 1 triệu ở ví dụ trên không chỉ gói gọn trong việc tiết kiệm, mà nó còn là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, hiệu quả.
Chúng ta cần đặt câu hỏi rằng tỷ lệ lãi suất tăng 5% hay 8% hàng năm từ đâu mà có? Và dựa vào tác động nào mà tăng trưởng? Ta thường đùa vui với nhau rằng: “Đồng tiền không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi.” Thật vậy, nếu chúng ta chỉ đơn thuần là bỏ heo đất 45.000 VNĐ, thì sau 40 năm, khi đập heo, số tiền 45.000 VNĐ vẫn sẽ y nguyên – nếu không xét đến lạm phát qua thời gian. Suy cho cùng, mấu chốt của câu chuyện làm giàu là: Tiết kiệm cần đi đôi với đầu tư.
hay là
YOLO đi?
Quan niệm “khổ trước sướng sau” hay lối sống tiết kiệm tối đa hẳn sẽ giúp chúng ta rút ngắn phần nào quá trình tích luỹ tiền bạc, nhưng tuỳ vào mục tiêu và nhu cầu của bản thân, ta luôn có quyền tự do lựa chọn giữa “khổ” hoặc không. Tốc độ tích luỹ của ta có thể chậm, đổi lại, ta được nuông chiều, được vỗ về bản thân từ những điều đơn giản nhất. Đặc biệt là với những ai theo đuổi quan niệm “you only live once”, sống hết mình trong từng khoảnh khắc, thì “chịu chi” cho những điều vụn vặt cũng có thể khiến niềm hạnh phúc mỗi ngày tăng theo cấp số nhân.
Hơn thế nữa, ngay cả khi không “khổ”, ta nghiễm nhiên vẫn có thể “sướng” về sau nếu biết cách đầu tư cho tương lai theo cách hiệu quả và hợp lý. Do đó, hướng đi phù hợp nhất dành cho tất cả chúng ta trên hành trình “làm giàu” là: Đầu tư hiệu quả, tiết kiệm nhưng đừng hà tiện. Tuy nhiên, nói về đầu tư, ta lại phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi mới như: “Đầu tư vào cái gì?”; “Bao nhiêu tiền thì đủ để đầu tư?”; “Đầu tư thế nào để chỉ lời mà không có lỗ?” Và lần tới, Đẹp sẽ cùng bạn xử lý những nỗi lo này trong bài viết cùng chuyên mục nhé!