Giả thuyết trước đây cho rằng những tương tác xã hội ngày càng phức tạp là lý do khiến não bộ con người ngày càng lớn, nhưng một kết quả nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature ngày 23/5 đã chứng minh ngược lại.
Não bộ của con người ngày càng lớn chủ yếu là phản ứng với những căng thẳng trong môi trường sống buộc loài người phải nghĩ ra những giải pháp sáng tạo để có được thức ăn và chỗ ở.
Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đến từ đại học St. Andrews (Scotland) đã dựa vào một mô phỏng cộng đồng người trên máy tính và dựa vào đây để đánh giá mức độ tương tác giữa các cá thể với nhau và với các điều kiện môi trường sống, điều kiện xã hội.
Kết quả cho thấy việc con người tự mình đương đầu với các thách thức môi trường như tìm kiếm và tích trữ thực phẩm quyết định tới 60% việc tăng kích thước não bộ, 30% khác đến từ việc phối hợp với nhau để ứng phó, 10% còn lại là do cạnh tranh giữa các nhóm với nhau.
Qua nghiên cứu trên, các nhà khoa học xác định rằng kích thước lớn của não bộ con người có lẽ bắt nguồn từ sự trau giồi những kỹ năng tích lũy và giải quyết các vấn đề về sinh thái hơn là từ những rèn luyện xã hội.
Cũng từ nghiên cứu này, các nhà khoa học cho rằng một số khía cạnh phức tạp về xã hội có lẽ là hệ quả chứ không phải là nguyên nhân của sự phát triển kích thước lớn của não bộ người.
Từ thời tổ tiên của loài người là vượn người Phương Nam sinh sống từ cách đây ít nhất 3-4 triệu năm cho tới chi người thông minh Homo thì kích thước não bộ đã tăng gấp ba.
Để nuôi dưỡng não bộ lớn như vậy, sự phát triển thế chất con người diễn ra chậm trong thời thơ ấu chính, và vì thế tuổi thơ của con người kéo dài hơn nhiều so với những loài động vật khác.