Lý giải cơn ghiền khuyến mãi

Nhóm mua, Mua chung, Hotdeal… đang trở nên quen thuộc với nhiều người đô thị khi bán hàng qua mạng internet cho người tiêu dùng với nhiều sản phẩm giảm giá, kèm những chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Theo trendwatching.com, người tiêu dùng luôn ưa thích các phiếu khuyến mãi, giảm giá hay quà tặng đặc biệt từ nhà kinh doanh. Săn lùng các chương trình khuyến mãi không chỉ đơn giản là tiết kiệm tiền, xu hướng này đã trở thành một thói quen, niềm vui, thể hiện sự khôn ngoan hay thậm chí là một tuyên bố cá nhân… bởi nó có đủ những điều kiện kinh tế, xã hội để tiếp tục là xu hướng cho nhiều năm nữa.

Chi ít, được nhiều

Cho dù kinh tế suy thoái có làm cho hầu bao của người tiêu dùng eo hẹp như thế nào đi nữa, họ vẫn muốn thử thách những trải nghiệm mới. Các hình thức phiếu tặng quà, phiếu giảm giá… sẽ góp phần thỏa mãn những mong muốn này. Đối với người tiêu dùng, đấy là những điều quan trọng và gây hứng thú. Họ dễ dàng thông qua mạng internet để nắm bắt mọi cơ hội có những thử nghiệm mới với mức giá phải trả thật sự thấp hơn đi mua sắm ngoài thị trường.

Khi được hỏi về tám chiến thuật tiết kiệm tiền khác nhau, hai lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng toàn cầu là mua hàng giảm giá (59%) và sử dụng coupon (48%). Coupon được sử dụng phổ biến nhất ở Trung Quốc (67%), Mỹ (66%) và Hồng Kông (65%). Trong khi đó, mới chỉ có trên 1/3 người tiêu dùng châu Âu (37%) và Mỹ (36%) mua sắm ở những cửa hàng bán lẻ uy tín để tiết kiệm tiền. (Nguồn: Nielsen, 11/2011). 81% người tiêu dùng Mỹ rất thích thú khi biết mình có thể tiết kiệm bao nhiêu tiền sau khi sử dụng coupon hoặc thẻ khách hàng thân thiết. (Nguồn: Deloitte 2010 American Pantry Survey, 07/2010). 62% người tiêu dùng Mỹ hiếm khi nào mua quần áo nguyên giá và 58% khách hàng Anh không thích mua bất cứ thứ gì còn nguyên giá. (Nguồn: Mintel, 09/2011)

Hỗ trợ từ truyền thông và smartphone

Người tiêu dùng hiện nay đã rất quen thuộc với việc được thông báo, chia sẻ hay sử dụng các chương trình khuyến mãi thông qua những kênh thông tin – công nghệ mới. Các loại phiếu giảm giá, khuyến mãi in trên giấy tuy hấp dẫn, nhưng vẫn không thú vị và sáng tạo như những loại coupon điện tử có thể sử dụng trực tuyến hay thông qua smartphone. Coupon online chỉ chiếm 1% tổng số coupon được phát hành, nhưng chiếm tới 10% lượng coupon được sử dụng (Nguồn: Catalina, 4/2011).

Một nghiên cứu đã cho thấy, 53% người dùng smartphone ở Trung Quốc sử dụng coupon trên điện thoại di động để mua hàng, tỉ lệ này ở Hàn Quốc là 47%, ở Mỹ 22%, ở Anh và Thổ Nhĩ Kỳ 14%, ở Tây Ban Nha 13%, ở Đức 11%, Pháp 10%và 7% ở Hà Lan (Nguồn: Google & IPSOS, 07/2011).

Một ví dụ trong việc đi theo xu hướng thu hút khách hàng bằng hậu mãi là chương trình Link-Like-Love do American express tung ra hồi tháng 7 năm ngoái. Tất cả những khách hàng sở hữu thẻ American Express sẽ được khuyến mãi hoặc hưởng các dịch vụ quà tặng dựa trên những lần “like”, sở thích và các mối quan hệ trên mạng xã hội Facebook. Các trang web groupon.com, gilttaste.com, ideeli. com… cũng là địa chỉ cung cấp đủ loại dịch vụ và sản phẩm từ quần áo, giày dép đến đồ ăn thức uống đang có khuyến mãi, giảm giá. Đặc biệt hơn nữa có KoalaDeal.com, trang web ra đời hồi tháng 6 năm 2011 chuyên cung cấp cho người tiêu dùng một danh sách chọn lọc những khuyến mãi trong ngày. KoalaDeal sẽ sử dụng những thông tin này để tìm kiếm và gợi ý hơn 45 trang web có khuyến mãi trong ngày phù hợp với người dùng.

Các ứng dụng trên smartphone gồm có QuickerFeet – cho phép các nhà bán lẻ ở trung tâm thương mại AMP ở Úc và NewZealand thông báo chương trình khuyến mãi mới đến khách hàng gần đó hay AT&T ShopAlerts – cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi của AT&T trong khu vực cho khách hàng.

Tiêu dùng khôn ngoan hơn

Bằng việc tiếp cận vô số thông tin về khuyến mãi, các lời nhận xét về sản phẩm nhanh chóng thông qua các thiết bị di động trực tuyến, người tiêu dùng hiện nay có thể tự hào rằng, mình sẽ sở hữu sản phẩm hay dịch vụ tốt nhất với giá hời nhất. Tất nhiên xu hướng này không có nghĩa là khách hàng khao khát đồ rẻ, hàng khuyến mãi tới mức bỏ qua nhiều yếu tố khác. Các sản phẩm kém chất lượng sẽ không có cơ hội tồn tại lâu trên thị trường khi khách hàng dễ dàng điểm qua những đánh giá, nhận xét (comment) về sản phẩm trên mạng trước khi mua bất cứ thứ gì. Một sản phẩm tồi sẽ không bao giờ được chú ý đến lần sau, dù giá có rẻ thế nào đi nữa.

Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng nào cũng có mặt đối lập của nó. Không phải bất kì xu hướng nào cũng có thể áp dụng cho tất cả các nhãn hàng hay tất cả các phân khúc thị trường của một thương hiệu. Có những món hàng hoặc dịch vụ độc nhất vô nhị, chất lượng cực cao, cực đặc biệt khiến khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra sở hữu mà không cần quan tâm đến việc so sánh giá cả, chờ giảm giá hay đắn đo dò hỏi các báo cáo tiêu dùng trước khi mua. Nên cực kỳ cân nhắc trước xu hướng khuyến mãi nếu doanh nghiệp của bạn nằm trong nhóm này.

Trong thời gian tới, khuyến mãi chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh vì người tiêu dùng ngày càng mong đợi nhiều hơn nữa những khoản tiết kiệm như vậy. Những chương trình hậu mãi cũng nhắm vào đối tượng khách hàng cụ thể hơn. Các trang web sẽ tập trung nhiều vào những khách hàng trung thành, tiến hành nhiều chương trình cảm ơn khách hàng trong khi vẫn tiếp tục thu hút lượng khách hàng mới. Và cuối cùng, sẽ có những thương hiệu khác vẫn giữ nguyên giá trị sản phẩm, tập trung nhấn mạnh vào tính chất đặc biệt không thể thay thế để đề cao sự nổi bật, riêng biệt.

Lượng coupon sử dụng để mua hàng trên điện thoại di động:
Trung Quốc: 53%
Hàn Quốc: 47%
Mỹ: 22%
Thổ Nhĩ Kỳ: 14%
Anh: 14%

Tây Ban Nha: 13%

Bài: Minh Hồng
Ảnh: Long Nguyen


From the same category