Người thân bảo, Ninh có khuôn mặt giống mẹ – nghệ sĩ đàn tranh Tôn Nữ Lệ Minh, một hoa khôi lừng danh xứ Huế; còn máu giang hồ giống cha – nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Xây một ngôi nhà dễ thương bên sông Hồng nhưng chẳng mấy khi về ở. Lang bạt hết Mèo Vạc lại Tây Nguyên. Ăn, ngủ trong nhà dân, cụng ly với họ và đôi lúc… tán tỉnh các cô gái xóm giềng của họ.
Học Bách Khoa, đi lính, nhưng ngang đường lại tạt vào và dường như quyết định ở hẳn với điện ảnh. Cá tính, quyết liệt với “Canh bạc”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Bến không chồng” (phim nhựa), nhưng cũng có khi thời thượng, nhàn nhạt với “Hoa cỏ may”, “Dốc tình”, “Đi về phía mặt trời” (phim truyền hình)…
Còn bây giờ, đối diện với tôi, người đàn ông phong trần ngày nào vừa xây xong “ngôi nhà hạnh phúc” giữa rừng thông Đà Lạt, vừa nhấp nhổm cho một cuộc phiêu lưu mới.
Phim Việt Nam toàn đẻ non
Điều gì khiến một đạo diễn “chưa hết trẻ” như anh gần hai năm qua tìm chỗ ở ẩn, lấy vợ, sinh con và… trồng cải bắp giữa lúc tình hình làm phim đang nước sôi lửa bỏng thế này?
Xuất phát của chuyện này có liên quan đến quá khứ của tôi, đúng ra là của điện ảnh thế hệ tôi. Ở Việt Nam, điện ảnh của thế hệ tôi có thể nói là hầu như không mang lại hiệu quả gì cho chính những người làm phim và cho xã hội. Và quan trọng hơn, tôi thấy sức mình có hạn, vùng vẫy mấy cũng chỉ dăm ba giải thưởng lèo phèo ở mấy liên hoan phim (LHP) hạng 3, cùng lắm thì hạng 2…
Có lần tại LHP Thụy Điển tôi gặp một đạo diễn Mỹ, tay này nói có xem phim của tôi, thấy thích, và mời tôi xem phim của hắn. Tôi xem và cũng thích. Vì vậy hai chúng tôi mời cơm nói chuyện. Tay này hỏi tôi một câu: “Theo mày thì mày nhảy cao được bao nhiêu trong làng điện ảnh?”.
Tôi nhớ kỷ lục nhảy cao thế giới khi đó quãng 2m32, nên ước lượng mình nhảy qua quãng 1m7, 1m8, tức là “sạch nước cản”. Tay đạo diễn Mỹ phá lên cười. Tôi nghĩ chắc nó cười mình kiêu ngạo.
Tay này hiểu ngay ý nghĩ của tôi, bảo: “Tao không có ý đó”. Tôi mới hỏi: “Thế theo mày thì mày nhảy cao bao nhiêu?” Hắn bảo: “Tao nhảy cao bao nhiêu không quan trọng vì bệ của tao là 1km, còn bệ của mày chỉ 1m!” Câu trả lời đó làm tôi chấn động.
Nhưng với bệ nào người ta cũng có thể nhảy?
Thì đúng là như vậy. Chúng ta từng làm phim theo cái lẽ tồn tại của điện ảnh nước nhà, tức là làm phim bằng ngân sách nhà nước. Nhiều khi việc chạy ngân sách làm phim còn quan trọng hơn làm phim như thế nào.
Phim sinh ra đã èo uột, lại thiếu toàn bộ các yếu tố chín muồi, toàn đẻ non. Có thể nói không ngoa rằng tất cả phim của điện ảnh Việt Nam chẳng cái nào chín cả! Điều đó làm tôi sợ, mà nỗi sợ đầu tiên là sợ chính mình, cảm thấy mình bất lực.
Tôi đã không làm phim 8 năm nay. Không dám làm vì sợ chứ không phải vì không có dự án, thậm chí còn có nhiều dự án. Trong 8 năm đó có hai nhà sản xuất phim người Mỹ tìm đến tôi, bảo nếu có kịch bản tốt, họ sẽ đầu tư.
Có lúc tôi đã có trong tay 300.000 đôla để làm phim. Nhưng rồi hết chuyện duyệt kịch bản đến chuyện duyệt tiền… thế là mất cơ hội. 8 năm thì đã có 5 năm rập rình như vậy.
Sự xuất hiện của các hãng phim tư nhân và dòng phim thương mại mấy năm gần đây đã bắt đầu làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam, anh có nghĩ như thế không?
Đúng là có thay đổi, nhưng theo tôi, tác động quan trọng nhất đến từ dòng phim của Việt kiều. Họ, những nhà làm phim Việt kiều, sống trong nền điện ảnh tân tiến, mạnh mẽ, chí ít họ cũng thu nhận được năm bảy phần.
Họ rất say mê điện ảnh; thậm chí sự say mê của họ còn hơn các nhà làm phim trong nước. Nói thật là ở trong nước có nhiều người đến với điện ảnh vì danh vọng nhiều hơn sự say mê. Thêm nữa, họ trở về và nhìn đất nước này bằng con mắt nhìn mới mẻ. Nghĩa là họ có đầy đủ điều kiện vượt qua những khốn khó của điện ảnh trong nước.
Quan trọng hơn, tiền làm phim họ bỏ ra nên họ có trách nhiệm rất cao với tác phẩm. Tôi cho rằng đây là xu hướng có lợi cho điện ảnh Việt Nam. Từ bây giờ chúng ta không còn đổ lỗi đi đâu được nữa, phải làm phim để đứng cạnh họ, nếu không thì không nên làm phim nữa!
Thị trường hiện nay đang có hai loại phim. Một loại phục vụ người xem trong nước, một loại phục vụ các LHP loại 3. Các LHP loại 3 hiện khát phim lắm, ai chịu khó “ngửi mùi” là thành công. Phim thỏa mãn số đông người xem trong nước cũng tốt, làm cho đông người xem không dễ đâu.
Nhưng phim Mỹ, phim Hàn Quốc dành cho số đông bao giờ cũng giữ nguyên tắc hướng thiện, cái thiện bao giờ cũng thắng cái ác. Còn phim Việt Nam bây giờ phụ nữ thì đanh đá, doanh nghiệp thì xấu xa. Tôi xem “Nhật ký Vàng Anh” thấy con gái Việt Nam đanh đá quá!
Trong phim Hàn, chuẩn mực đạo đức cực kỳ cao mặc dù cuộc sống thật còn lâu mới đạt được điều đó. Việt Nam thì ngược lại: đời sống thực không đến nỗi thậm tệ như trong phim. Tôi nghĩ đây là một chuyện nghiêm túc đáng báo động!
Đặt cược với phim lịch sử Lý Công Uẩn
Từ Đà Lạt giờ đây anh lại bị “điệu” ra Hà Nội cho một dự án điện ảnh lớn: bộ phim Lý Công Uẩn, nằm trong dự án phim 1000 năm Thăng Long. Nghe nói tổng kinh phí lên tới nhiều triệu đôla?
Mọi thứ đang tới. Nên nếu bây giờ nói gì về dự án này thì tôi phải bắt đầu bằng câu “Nếu tôi làm…”. Tôi chỉ bắt tay vào làm khi tin mình làm được. Nếu không, tôi sẽ từ chối.
Anh tin bao nhiêu phần trăm vào việc mình làm được ở bộ phim lịch sử được đầu tư và kỳ vọng lớn nhất của điện ảnh Việt Nam này?
Tôi chưa đủ điều kiện để làm một phim tốt. Hiện nay ở Việt Nam, đạo diễn đang rất cô độc. Trương Nghệ Mưu khi làm “Anh hùng” ông ấy được ước mơ và có người, có bộ phận thực hiện ước mơ của ông ấy.
Làm phim này ở Việt Nam, kể cả có tiền, mà không có người thực hiện thì ước mơ bao nhiêu cũng vô nghĩa. Giống như cho mình ngân sách, bảo mình sản xuất ôtô Toyota mà cả đời mình chỉ sản xuất xe đạp, vậy có làm được không? Nếu tự mình làm một mình thì giỏi lắm cũng chỉ sản xuất được cái gì đó khá hơn xe đạp. Chìa khóa bài toán chính là “công nghệ lắp ráp ôtô”.
Có nghĩa phim Lý Công Uẩn sẽ “nhập khẩu công nghệ nước ngoài”? Cụ thể là công nghệ “made in”xứ nào?
Điều này không mới trên thế giới. Tôi muốn công nghệ ấy phải được chuẩn bị từ trước khi quay, từ ánh sáng, phục trang, hóa trang… Nhưng liệu nhà sản xuất có chịu như vậy không, có chịu hiểu để chi không?
Họ có thể chi 20 tỷ đồng vào bối cảnh, nhưng tôi bảo chỉ cần 1 tỷ vào bối cảnh thôi, còn 19 tỷ chi cho kỹ xảo, họ có hiểu không? Họ sẽ bảo: hãng phim có hàng chục chuyên viên ánh sáng, sao phải đi mời chuyên gia nước ngoài?
Vấn đề của tôi là ở chỗ đó. Nếu tôi làm, thì phim này đến 90% bối cảnh là kỹ xảo. Mình có còn thành quách nào đâu, nhất là từ thời Lý.
Trên thế giới hiện có hai trung tâm kỹ xảo phim lịch sử là Mỹ và Trung Quốc. Mỹ thì mình không đủ tiền nên chắc là Trung Quốc.
Ngay kể cả khi có “công nghệ nhập khẩu” thì chỉ riêng đụng vào đề tài lịch sử anh có biết là mình đang rất liều lĩnh không? Nếu không chính xác lịch sử, nhà làm phim sẽ bị các sử gia “cạo đầu”. Ngược lại, chăm chăm kể một câu chuyện lịch sử thì chẳng còn gì hấp dẫn người xem. Không ít phim, kịch đề tài lịch sử của ta đã chịu cảnh này rồi?
Trong kịch bản Lý Công Uẩn (KB: Lưu Trọng Văn, Lưu Trọng Ninh – NV), hai nhân vật Lý Công Uẩn và Lê Long Đĩnh chỉ chênh nhau 10 tuổi, có chung một mối tình. Còn trong lịch sử hai nhân vật này chênh nhau tới 20-30 tuổi, cũng không thấy ghi gì về chuyện mối tình cả.
Một số nhà nghiên cứu lịch sử ủng hộ, nhưng sẽ là nghiêm trọng nếu ai đó soi mói. Còn với tôi, vấn đề quan trọng là có làm được nhân vật Lý Công Uẩn vĩ đại không. Nếu làm phim lịch sử mà câu nệ lịch sử thì không còn là phim lịch sử.
Lịch sử Trung Quốc được ghi chép cẩn thận, rõ ràng, vậy mà chỉ riêng nhân vật Tần Thủy Hoàng trong “Anh hùng” của Trương Nghệ Mưu và trong “Thích khách” của Trần Khải Ca đã hoàn toàn khác nhau. Huống chi ở ta, chưa có văn học sử, không có ngôn ngữ sử… tất cả đều mơ hồ.
Đúng là tôi đang đứng trước một thử thách khổng lồ. Thuyết phục người ta không dễ. Chưa kể đặc tính của người Việt là soi mói, hay suy diễn. Khán giả lại xem quá nhiều phim lịch sử hay, đặc biệt là của Trung Quốc.
Được mời vào dự án này, tôi đứng trong sự tin cậy nhưng cũng đứng trong thử thách. Nhưng nếu làm được sẽ cực kỳ quan trọng. Với cá nhân tôi, nếu thành công với dự án này, tôi sẽ làm bộ sử chiến tranh hiện đại Việt Nam. Phim chiến tranh của mình nhạt quá.
Còn nếu thất bại?
Nếu thất bại thì khủng khiếp lắm. Nếu thất bại là đi luôn, không phải chỉ riêng mình tôi.
Anh đặt cược bao nhiêu vào sự thành, bại?
Nếu nghĩ phim không hay thì tôi sẽ không làm. Nói là hay thì có người bảo mình ảo tưởng. Vấn đề là mình quyết liệt tới đâu. Nếu không thuyết phục được nhà sản xuất thì tôi sẽ bắt tay vào làm “Chuyện phố Hàng Thùng”, một bộ phim về người Hà Nội.
Đàn bà không ai bỏ tôi, chỉ không tin cậy đi tiếp con đường dài với tôi
Có người nhận xét: Phim Ninh không có đàn bà, mà phải đàn bà đẹp, thì không còn là Ninh nữa. Nghe nói anh cũng đang đi tìm một người đàn bà đẹp bên cạnh Lý Công Uẩn?
– Trong phim Lý Công Uẩn của tôi, hình ảnh người phụ nữ sẽ rất lớn. 70% lý do của việc dời đô là vì người tình. Một số nhà nghiên cứu lịch sử chấp nhận. Nhà sản xuất thấy hay nhưng bảo không đúng lịch sử.
Câu chuyện của tôi 80% là mối tình, là những cảnh ấn tượng tưởng như không dính gì đến lịch sử cả, nhưng cuối cùng nó lại gắn với lịch sử. Tuy số phận khác nhưng người đàn bà trong phim Lý Công Uẩn của tôi phải đẹp tựa nàng Kiều. Nói chung trong phim của tôi phụ nữ đều đẹp, có thể điều đó là không thật trong đời sống, nó là ước vọng của tôi.
Trong đời thực, phụ nữ đối với anh không đẹp như thế?
Họ gây xao xác quá lớn.
Nghe nói anh không được cấp bằng tốt nghiệp Đại học Bách Khoa vì liên quan đến một vụ “kiện tình” của người đẹp, đó là vụ “xao xác đầu đời”?
“Đầu đời” là hồi học năm thứ 2 đại học, tôi đến dự sinh nhật một cô gái đẹp và thuộc loại cao sang. Lúc đó tôi thấy mình xộc xệch, thua kém nên bỏ ra một góc. Cô ấy lại xắn tay áo hộ tôi, thế mà tôi tự ái bỏ về. Cô ấy chạy theo và nói chuyện với tôi nửa tiếng. Lúc đó tôi mới có ý thức về phụ nữ.
Nhưng gần hai năm sau thì cô ấy bỏ tôi, trước khi bỏ đi còn xoa đầu tôi bảo: Ninh chỉ là trẻ con. Khi mất mối tình đó tôi từng muốn nhảy vào ôtô. Trong tình yêu tôi luôn là kẻ dại dột, mặc dù trông bề ngoài tưởng là dày dặn kinh nghiệm. Có lẽ những phụ nữ thích tôi là thích sự mâu thuẫn đó. Phim của tôi cũng vậy.
Người ta nói rằng anh đúc kết được “kinh nghiệm cưa đổ phụ nữ” đấy!
Tôi chưa đúc kết gì cả, mọi thứ đều theo bản năng. Và cũng chẳng dùng kinh nghiệm, mọi thứ đều luôn bắt đầu từ “A”. Tôi được “tiếng”, chứ “miếng” có bao nhiêu.
Nhưng chuyện các người đẹp trong phim do anh làm đạo diễn thường có quan hệ tình cảm với anh thì không phải chỉ là “tiếng”?
Tôi có một nguyên tắc trong làm phim: không chọn diễn viên vì quan hệ cá nhân. Tình cảm chỉ đến sau khi làm phim xong. Có những người tôi chưa cầm tay bao giờ nhưng họ phát biểu với báo chí là yêu tôi. Họ nói họ yêu cách tôi làm việc. Chứ khi làm phim họ rất sợ vì mặt tôi khó đăm đăm, khi phim chưa xong đố ai mời được tôi một bữa.
Và cuối cùng tất cả đều bỏ anh ra đi “như những dòng sông nhỏ”…
Không ai bỏ tôi cả. Chỉ vì họ không tin cậy đi tiếp con đường dài cùng tôi.
Vì họ cảm thấy bất ổn với một người thích phiêu lưu và lại nổi tiếng như anh?
Mặc dù quen sống một mình, năm 37 tuổi lấy vợ, 2 năm sau là chia tay, nhưng tôi rất quý trọng gia đình. Không xác định lấy vợ nhưng đã làm gì thì có trách nhiệm.
Luôn nghĩ đến sự ổn định, nhưng nếu thấy phải chia tay là chia tay. Người vợ đầu khi lấy tôi, phần nào có nhu cầu nổi tiếng. Còn người vợ hiện nay thì sợ tôi nổi tiếng, cô ấy sống giản dị.
Có gia đình mới, có ngôi nhà mới, anh đã ra khỏi khủng hoảng chưa?
Tôi chưa biết có ra khỏi khủng hoảng chưa. Không có công việc là tôi khủng hoảng. Có công việc lại mạnh mẽ. Công việc duy nhất của tôi là điện ảnh.
Thủy Phạm-Hà Lưu (thực hiện) |
Ảnh: Lý Thành Long |