Lướt nhanh qua thập kỷ 1970 - Tạp chí Đẹp

Lướt nhanh qua thập kỷ 1970

Thời Trang

Yves Saint Laurent Thu Đông 1977-1978

Từ trước đến giờ, tôi vẫn cho rằng thập kỷ 1970 là thời điểm vô vị nhất trong thời trang, nhất là khi đặt nó bên cạnh những khám phá cách mạng của thời trang thập kỷ 1960 hay sự cực đoan của mười năm tiếp theo. Thập kỷ 1970 là thời kỳ của quần loe, váy dài chấm gót, kiểu ăn mặc luộm thuộm và “flower power” của giới hippie hay thời trang ethnic lấy cảm hứng phương Đông, từ Trung Quốc đến nước Nga của Byzantine và các nước Ả-rập. Dường như đây chỉ là một sự ăn theo đáng hổ thẹn chẳng đem lại điều gì hay ho mới mẻ cho thời trang cả. Hầu hết những xu hướng kể trên đã xuất hiện trong thập kỷ 1960, thường là từ tay nhà thiết kế mốt Yves Saint Laurent.

Nhưng thực ra sự việc không đơn giản như vậy. Đây là lúc quan niệm mới của sự thanh lịch dịu dàng kết tụ, là lúc thời trang phương Tây khởi sắc với vẻ đẹp của các nền văn hóa ngoại vi. Và cuối cùng, văn hóa đường phố (hay gọi là vô văn hóa cũng được) cũng phá tung cánh cửa dẫn đến phòng khách của giới thượng lưu (tuy mới chỉ làm loạn được đến hành lang).

Một thiết kế trong BST Jean Paul Gaultier Thu Đông được giới thiệu năm 1978


Năm 1972, tờ L’Officiel ghi nhận “quần dài là xu hướng chủ đạo”, khi các nhà mốt haute couture khác như Christian Dior hay Nina Ricci cũng đưa quần âu vào các bộ sưu tập của mình. Tuy vậy, ngay từ năm 1969, Yves Saint Laurent đã nhắc đến quần âu như việc “tìm ra phong cách riêng cho bản thân”. Trước đó hai năm, mùa xuân năm 1967, bộ complê sọc hai hàng cúc với quần dài của ông được báo chí bấy giờ gọi là phong cách mafia Ý, “Al Capone” là trang phục chính quy mặc ban ngày của nam giới đầu tiên được haute couture khoác lên người phụ nữ. Ở thời điểm đầu tiên, tháng 7 năm 1966, bộ “Le Smoking” đen với quần dài nổi tiếng của Yves Saint Laurent dành cho phái đẹp đã “gây sốc giới tính” tại Paris trong vai trò lễ phục buổi tối.

Trong thời đại “fast fashion”, chúng ta thường quên rằng đã có thời phải mất vài năm để một phong cách, ý tưởng, trang phục mới nào đó thuyết phục được những đầu óc có gu thẩm mỹ (thường đầy ắp những quan niệm truyền thống khá cứng nhắc về cách ăn mặc) để trở thành phổ biến. Lục lọi đống tạp chí thời trang cũ, tôi thấy rằng quần âu thực ra đã là trang phục khá được ưa chuộng trong thập kỷ 1960, tuy chỉ dành riêng cho những buổi dã ngoại cuối tuần, đi du lịch mùa hè hay du ngoạn thuyền buồm. Phụ nữ nhà giàu mặc quần âu trơn với áo khoác măng tô, áo sơ mi in hoa, kết hợp với áo tunic dài hoặc phỏng theo phong cách thủy thủ.


Andre Courreges, nhà thiết kế mốt của trường phái vị lai “Age space” của thập kỷ 1960 may những bộ đồng phục có áo vét ngắn và quần dài cùng màu, cùng chất liệu kẻ ô vuông, có lẽ là với suy nghĩ mặc quần sẽ dễ bay trong vũ trụ hơn. Trên mặt đất, trong công sở, phụ nữ vẫn chỉ được phép mặc váy. Yves Saint Laurent làm được việc to tát là đề xuất “concept” mới, bê nguyên trang phục của đàn ông vào cuộc sống hàng ngày của phụ nữ thành thị. Từ sáng đến tối, trong công sở cũng như tại các hộp đêm hay các buổi tiệc buổi tối – không phải chỉ du lịch, giải trí cuối tuần, cũng không viễn tưởng.

Thực ra thập kỷ 1970 thực sự bắt đầu khi Yves Saint Laurent trình diễn bộ sưu tập tai tiếng với các trang phục của thập kỷ 1940 vào mùa xuân năm 1971. Áo vét vai rộng, ngang, ve áo cũng rộng, ngang; váy ngắn xếp ly; áo blouse tay bồng, in các họa tiết nhỏ, cổ có cà vạt thắt nơ; áo lông thú nhuộm xanh lá cây “chubby fur” gợi lại cho Paris cảm giác bất an của những năm tháng chiến tranh. Phải nói là những người mẫu để tóc xoăn, môi tô son đỏ thắm và mắt kẻ đậm trên sàn diễn 70 năm về trước trông khá kệch cỡm. Đây chính là sự khiêu khích có chủ định của nhà thiết kế.

Thập kỷ 1940, thời gian nước Pháp nằm dưới quyền cai trị của phát xít Đức, khi chính quyền Vichy hợp tác với Hitler được người Pháp coi là giai đoạn đáng hổ thẹn trong lịch sử. Bộ phim “Malena” do Monica Bellucci thủ vai chính cho biết rõ hơn việc xã hội châu Âu coi phụ nữ chưng diện trong thập kỷ đó là biểu hiện của lối sống vô đạo đức. Hơn hai thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, giới trẻ sành điệu của Paris bất chấp quá khứ, chưng diện lại các trang phục của bố mẹ mình.

Yves Saint Laurent một lần nữa lại làm haute couture trẻ lại, lần này với chất retro đài các của thập kỷ mới. Phải nói rằng kiểu dáng vai ngang và rộng của áo vét mặc rất hợp với quần âu cạp cao. Bờ vai ngang cũng tạo dáng yêu kiều cho áo sơ mi hay váy shirt dress lụa tay bồng, cổ buộc nơ. Đây là phong cách điệu đà “người lớn”, kiểu dáng đặc trưng cho thời trang từ haute couture đến pret-a-porter của thập kỷ 1970 và cũng là điểm khởi đầu cho bờ vai khủng “power dressing” của thập kỷ 1980.

Sàn diễn bộ sưu tập Xuân Hè của Yves Saint Laurent vào năm 1977
với những cảm hứng từ thập niên 1930



Sẽ thật là thiếu sót nếu nói đến thập kỷ 1970 mà không nhắc đến “cuộc cách mạng punk” diễn ra bên kia kênh La Manche, tại London. Năm 1974, trên phố King’s Street của Swinging London của thập kỷ 1960, Vivienne Westwood và Malcome McLaren mở cửa hàng mang tên “SEX” (và phải trả tiền phạt vi phạm thuần phong mỹ tục không chỉ một lần). Cặp tình nhân lăng xê các trang phục phản cảm, đầy tính tình dục và bạo lực trong tiếng nhạc phá phách của The Sex Pistols.

Năm 1976, Jean Paul Gaultier mới 24 tuổi khi trình diễn trang phục của những kẻ bị ruồng bỏ của đường phố London, đồ lót cùng thời trang Paris cao cấp trên sàn diễn pret-a-porter. Có thể nói là phong cách “power dressing” của Claude Montana và Thierry Mugler – những ngôi sao tài năng và tai tiếng của thập kỷ 1980 mang đậm chất tình dục trơ trẽn của punk. Punk nêu khẩu hiệu “phá!”. Các nhà thiết kế mốt viết thêm “để tạo ra những điều mới mẻ”. Trong số đó có người Nhật, Rei Kawakubo (Comme des Garcons), Yohij Yamamoto – những người thành lập trường phái phi cấu trúc của thời trang tiên phong trong thập kỷ 1980.


Bài: Lukasz Nguyễn

Thực hiện: depweb

07/09/2011, 12:03