Luis Antonio Torres: Massimo Ferrari, District III - Tạp chí Đẹp

Luis Antonio Torres: Massimo Ferrari, District III

Giải Trí

Antonio đã cùng nhân viên và những người thợ Việt Nam mang đến các sản phẩm được làm theo tiêu chuẩn cao cấp quốc tế, với các thiết kế hiện đại nhưng vẫn ẩn giấu tâm hồn, tình yêu với mảnh đất này.

Địa chỉ: 42A1 Trần Quốc Thảo, P. 7, Q.3, Tp.HCM

Mọi chuyện đã bắt đầu như thế nào?

– Tôi đã sống tại Việt Nam được gần 12 năm. Hồi đó, tôi đến Việt Nam để thực hiện một số đơn hàng cho Barneys New York (Mỹ). Tôi và cộng sự có một nhà máy nhỏ tại Orange County, và chúng tôi làm việc với rất nhiều khách hàng là Việt kiều sinh sống tại đó. Sau một thời gian làm việc với Barneys, Bergdorf Goodman, Saks Fifth Avenue, Neiman Marcus, tôi nhận ra rằng chi phí sản xuất tại Mỹ quá lớn và một vị giám đốc nhà máy đã gợi ý tôi đến Việt Nam. Tôi chưa từng đến đất nước này và tôi cũng muốn xem ở đấy có gì nên đã gật đầu ngay. Thế rồi tôi đã lập tức phải lòng mảnh đất thú vị này, và quyết định chuyển tới đây sống.

Ban đầu chắc ông cũng gặp không ít khó khăn để thực sự quen được với cuộc sống mới tại Việt Nam?

– Dĩ nhiên rồi, vạn sự khởi đầu nan. Tôi mất khoảng 2 năm rưỡi để có thể thực sự thích ứng được với mọi chuyện tại đây như những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, những khác biệt về văn hóa, cách thức làm việc và tất cả những vấn đề bất cập đối với những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Sang tới năm thứ 3, tình hình mới bắt đầu ổn hơn và công việc đi vào guồng. Tôi và nhân viên làm việc hiểu ý nhau hơn, họ bắt đầu nắm bắt được cung cách làm việc của một công ty nước ngoài. Khoảng 4-5 năm trước, tôi quyết định gây dựng Massimo Ferrari, một thương hiệu được định vị là hàng cao cấp, hướng đến đối tượng khách hàng nam giới với những sản phẩm có chất lượng cao. Đó là một lĩnh vực rất nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác tại thị trường Việt Nam và cũng chưa có nhiều nhà thiết kế hay thương hiệu thời trang tập trung toàn diện vào lĩnh vực này.

Vậy những thử thách hiện tại mà ông phải đối mặt là gì?

– Mọi công việc dường như đã đâu vào đấy cả rồi nhưng giờ đây thử thách lớn nhất của chúng tôi là phải duy trì những gì mình đã và đang làm được thông qua những sản phẩm mới, ví dụ như liên tục mang đến các thiết kế mới, giới thiệu những xu hướng mới, những chất liệu mới, những kỹ thuật may đo mới,… Chúng tôi luôn giới thiệu những phong cách, xu hướng ăn mặc đang thịnh hành. Chúng tôi giới thiệu đến khách hàng những mẫu thiết kế Thu Đông nhưng được làm với chất liệu phù hợp với khí hậu tại Tp.HCM như linen, những chất liệu có nguồn gốc tự nhiên,…

 

Ông có thể chia sẻ về quá trình tuyển dụng và đào tạo những người thợ làm việc cho mình?

– Đa số những người làm việc tại đây tôi đều biết họ từ rất lâu rồi. Có những người đã ngoài 40 tuổi và đó là những người thợ có kinh nghiệm nhất. Tôi đã đào tạo và hướng dẫn từ kỹ thuật đến từng đường may để họ có thể biết cách làm như tại Pháp hay Ý, những nước có ngành thời trang phát triển. Đó là những điều họ hiểu và biết đến nhưng chưa bao giờ được trực tiếp thực hiện, quy trình làm việc mất thời gian hơn, tỉ mỉ và kỳ công hơn. Tôi muốn mang đến những sản phẩm với chất lượng tương đương với những sản phẩm được làm tại Ý nhưng có giá thành phù hợp với Việt Nam. Thực ra, so với mặt bằng chung, giá sản phẩm của chúng tôi không hề rẻ nhưng điều đó đi liền với những chất liệu, vật liệu cần thiết được nhập từ Ý cùng rất nhiều khâu kiểm duyệt chất lượng để đảm bảo tiêu chuẩn của một sản phẩm cao cấp. Điều tuyệt vời đó là Massimo Ferrari luôn có những khách hàng thực sự hiểu rõ được công việc của chúng tôi, họ trân trọng điều đó và gắn bó với thương hiệu từ những ngày đầu tiên. Và tôi đảm bảo rằng những người thợ của chúng tôi cũng luôn hiểu rõ những điều này.

Khách hàng của ông là những ai?

– Khách của tôi chủ yếu là những người sinh sống tại Việt Nam, có cả những vị khách nước ngoài và cả Việt Nam. Có khoảng 50% khách hàng là người Nhật Bản, 20% là những vị khách người Mỹ, Úc và số còn lại là khách Việt Nam và châu Á. Trong số khách hàng người Việt thì có tới 85% là người Hà Nội. Những người đến từ Hà Nội hoặc là người Hà Nội sống tại Tp.HCM luôn hiểu rõ được những sản phẩm của chúng tôi, tôi không phải giải thích nhiều. Họ không câu nệ sản phẩm cần phải cực kỳ nổi bật hay có logo dễ nhận biết mà chú trọng tới chất liệu, đường may và độ vừa vặn của trang phục. Với số lượng đơn đặt hàng lớn tại Hà Nội, chúng tôi dự định sẽ mở rộng ra thị trường này, trước mắt là sẽ bán qua các boutique liên kết để thăm dò trước khi chính thức mở boutique riêng.

 

Ông đã nghĩ tới việc thực hiện một thương hiệu mới dành cho nữ tại Việt Nam chưa?

– Hiện tại, chúng tôi có những đơn hàng sản xuất đồ nữ tại Việt Nam. Chúng tôi đã nghĩ đến chuyện thực hiện những bộ sưu tập dành cho nữ nhưng hiện tại mọi thứ vẫn đang là kế hoạch bởi khi bắt đầu làm một công việc mới, chúng tôi luôn nghĩ tới kế hoạch dài lâu. Những yêu cầu về chất liệu, kỹ thuật may, kỹ thuật dệt, và tôi muốn khi mình thực sự làm thì mọi thứ phải thật tuyệt vời và hoàn hảo. Có thể hình dung nó sẽ là Massimo Ferrari dành cho nữ với sự lộng lẫy và cầu kỳ trong từng chi tiết, từng đường may trên thiết kế.

Ảnh: Thái Phạm


Chuyên đề Made in Vietnam

Bài đã đăng:

>> Lê Minh & Anhuong Trần: Rue des Chats

>> Kate Crofton – Cochine Saigon

>> Luis Antonio Torres: Massimo Ferrari, District III

>> Tân Mỹ Design

Các bạn đón đọc những bài viết tiếp theo

>> Chi Anh & Hoàng Anh: Kitchen Art Store&Studio

>> Tib Hoàng: L’usine & District 8 Design

>> Hoàng Xuân Thảo – FAMILK

>> Samuel Maruta & Vincent Mourou-Rochebois: Marou Chocolate

>> Hoàng Anh: Mito Sweets

>> Chí An & Josh Breidenbach: Rice Creative

 

 

Thực hiện: depweb

01/04/2013, 14:28