Đêm nhạc mà Quyền Văn Minh dành để chuyển giao thế hệ đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội cuối tuần qua, dài hơn dự tính của nhiều khán giả (20h15 – 23h30). Giống như sự ngẫu hứng của Jazz, Quyền Văn Minh đã tạo ra một buổi biểu diễn để những học trò vừa mới thổi saxophone được 11 tháng, người bạn chơi Jazz lâu ngày gặp lại, thậm chí có người bỏ Jazz đi làm… chuyển phát nhanh – mới đây vì nghe tin ông tổ chức đêm nhạc đã trở về – đều có cơ hội bước lên sân khấu.
Trong chương trình phác thảo về 50 làm nghệ thuật của mình, Quyền Văn Minh đã lấy cây kèn saxophone làm nhân vật chính, kết nối các thế hệ của quá khứ – hiện tại và tương lai. Ở đó, những người bạn đã đi cùng ông “một đời” với cây kèn cũng có chỗ đứng như những người trẻ vừa làm quen với nó. Chỉ cần có tình yêu với saxo, với Jazz đều được Quyền Văn Minh đón nhận.
Quyền Văn Minh từng ví jazz là trái tim mình, nên ai bước đến tìm hiểu về nó, nghĩa là bước đến để tìm hiểu trái tim ông. Tình yêu với Jazz của Quyền Văn Minh vừa thuần khiết vừa cực đoan trong học thuật, tất cả đã thể hiện trong hơn ba giờ đồng hồ diễn ra chương trình.
Ở đó, những bản Jazz kinh điển thế giới như “Douce France”, “C’est si bon”, “Que reste t’il de nos amours”… một lần nữa được cất lên qua tiếng hát, tiếng đàn – là thứ Jazz đậm đặc “càng nghe càng mê”. Cũng ở đó, những tác phẩm Jazz do Quyền Văn Minh viết dựa trên các thang âm của nhạc dân gian Việt như: “Giai điệu Sapa” (thang âm dân ca Mông), “Ngày hội mùa” (thang âm chèo cổ) cũng được học trò của Quyền Văn Minh chơi lại.
Không giống cách nghệ sĩ Nguyên Lê đã làm là mang nhạc cụ Việt ra thế giới thông qua Jazz, 50 năm làm nghề, Quyền Văn Minh luôn trăn trở là dùng nhạc cụ phương Tây để chuyển hóa những giai âm truyền thống Việt Nam thành ngôn ngữ chung của âm nhạc thế giới, thông qua nhạc Jazz. Những bản nhạc ông viết như “Ngày hội mùa”, “Giai điệu Sapa”… theo cách đó đã thực sự trở thành một tác phẩm nhạc Jazz mà bất cứ nghệ sĩ nào trên thế giới cũng có thể chơi nó bằng những nhạc cụ phổ biến phương Tây. Quyền Văn Minh đã mang cái riêng vào trong cái chung bằng cách tư duy không thách đố như thế.
50 năm một chặng đường nghề và 20 năm miệt mài gây dựng thế hệ tiếp nối, Quyền Văn Minh đã mang Jazz đến gần với công chúng Việt Nam hơn mỗi ngày bằng tình yêu không thay đổi và cả sự nghiêm khắc đến… cực đoan. Và ông đã giữ được thứ Jazz thuần chất ấy ngay ở trong các bản nhạc mình sáng tác. Nhưng sự nghiêm khắc ấy phần nào khiến các học trò của ông luôn bị ám ảnh bởi cái bóng quá lớn của người thầy, nên khi lên sân khấu biểu diễn, họ có phần căng thẳng như… trả bài.
Vì thế, mỗi tiết mục trong chương trình kỷ niệm ấy đều “tròn” vai, nhưng đâu đó còn thiếu tinh thần phóng khoáng, sự ngẫu hứng trong biểu diễn, sự kết nối cần thiết tạo ra một không gian nghệ thuật cởi mở – thứ tinh thần quý giá mà nhạc Jazz mang đến.
Tuy vậy, 50 năm một chặng đường và 20 năm Bình Minh Jazz hẳn đã trở thành đêm kỷ niệm không bao giờ quên đối với những người yêu Jazz. Ở đó, người thầy của họ đã tự nguyện lùi lại phía sau, nhường những giây phút rực rỡ nhất cho các học trò. Ông chỉ xuất hiện khi những học trò cần mình nâng đỡ – khi ấy Quyền Văn Minh sẵn sàng làm người đệm đàn cho họ.
Nhìn cách ông kết nối, cách ông cúi xuống sửa mic cho tiếng đàn của học trò có thể vang khắp sân khấu, cách ông giới thiệu rành rẽ từng bài hát hay kể về chặng đường đến với Jazz của mỗi người như kể về chính cuộc đời mình, dễ thấy, con đường Quyền Văn Minh đi tưởng như cô độc ấy, bởi có tình yêu đã ấm áp hơn. Và những lứa nghệ sĩ tiếp theo có đủ sức mạnh luôn tin vào con đường mình đi, ít nhiều vì họ được nương náu vào tình yêu manh mẽ ấy của người thầy.
Với Quyền Văn Minh, Jazz là thứ âm nhạc vĩ đại. Nhưng với những học trò, tình yêu với Jazz của Quyền Văn Minh hẳn là một tình yêu… vĩ đại.