Trong cuộc sống cũng nên áp dụng luật im lặng như thế.
Mỗi lần cãi nhau đến mức đỉnh điểm, khi cảm thấy ngôn từ thoát ra trên đầu lưỡi đã vượt khỏi vòng kiểm soát thì chúng ta nên im lặng.
Ngôi nhà hôn nhân nhiều lúc chật chội tù túng với những vấn đề tủn mủn của cuộc sống sẽ càng chật chội thêm bởi hàng nghìn, hàng vạn ngôn từ tuôn ra từ những cái miệng.
Nàng lết về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi, lao vào bếp để chuẩn bị buổi tối. Nhìn ra ngoài phòng khách, chàng đang gác chân lên bàn, trên bàn chỏng chơ vài lon bia. Thỉnh thoảng chàng hét lên khi đội chàng đá tung lưới. Rồi nàng nhìn thấy thằng con đang nghịch nước, nhà cửa tùm lum đồ chơi. Nàng không chịu nổi, gào lên: “Anh đúng là đồ con lợn”. Cái từ “đồ con lớn” bật ra từ “miệng núi lửa phun trào”, là kết quả hiển nhiên của các cuộc tranh cãi khốc liệt trên các diễn đàn online, offline xoay quanh chủ đề “con lợn’’ của Trang Hạ. Chàng cũng sẵn có chút tự ái khi đã nghe nhiều tiếng xì xầm con lợn con heo gì đấy của các bà vợ, cũng gào lên: “Cô là vợ tôi thì cô cũng là con lợn nái sề mà thôi”.
Để rồi cuộc sống ngày càng trở nên bức bối với cái lớp vỏ ngôn từ cay nghiệt ấy.
Nếu lúc ấy nàng được nhắc nhở “bạn có quyền giữ im lặng…”, thì có lẽ nàng sẽ lặng lẽ làm việc của mình, để kệ “bãi chiến trường” cho thủ phạm tự xử, cố gắng tìm sự “dễ chịu” trong cái “im lặng” ấy. Nàng có thể nhìn vào màn hình và nhận ra đó là trận đấu mà chàng đã chờ đợi mấy hôm nay. Rồi nàng sẽ nhớ nhiều lần chàng đã kiên nhẫn chiều sở thích mơ mộng của nàng ngồi dưới gốc hoa sữa, ngắm nhìn đất trời. Chàng đã im lặng ở bên nàng trong phút giây riêng tư ấy mà không thấy phiền muộn gì.
Mọi thứ đều có hai mặt và đôi khi bạn chỉ thấy những khó chịu trước mắt mà quên đi có những thứ khác tuyệt vời hơn nhiều đã và sẽ đến.
Nàng cần tự nhủ rằng, lần sau, nàng sẽ chơi “luật im lặng” để nhìn nhận mọi việc một cách bao dung hơn.
Bài: Thu Huyền