Lúc nào làm việc, lúc nào chơi và lúc nào yêu

Có một môn học nghiên cứu liên quan giữa thời gian và các hoạt động của con người trong ngày gọi là Thời sinh học. Nó mách bảo chúng ta nên làm gì để chiếc đồng hồ bên trong mỗi người chạy cho phù hợp vói chiếc đồng hồ thiên văn đo bằng vòng quay của trái đất quanh mặt trời

Dường như ai cũng mơ hồ cảm thấy rằng vào các thời điểm khác nhau trong ngày, sự nhạy cảm, khả năng lao động trí óc và lao động chân tay của mình rất khác nhau. Các nhà khoa học cho rằng cái gì đó chính là chiếc đồng hồ sinh học trong bản thân mỗi người. Nó quy định chế độ hoạt động của cơ thể trong một ngày đêm.

Chiếc đồng hồ vô hình này chạy hơi “lệch pha” so với chiếc đồng hồ mà chúng ta đeo trên tay. Bởi lẽ, nếu chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trời được chiếc đồng hồ thiên văn chia làm 24 múi giờ thì chiếc đồng hồ nội tâm của chúng ta lại chia thành 25.

Sự khác nhau đó là do các quá trình xã hội bên ngoài cơ thể tạo ra. Nếu vì một lý do nào đó, chiếc đồng hồ sinh học bị can thiệp “thô bạo” thì nó bắt đầu chỉ sai giờ.

Các chuyên gia thời sinh học khẳng định rằng cơ thể chúng ta hoạt động mạnh nhất vào 5-6 giờ sáng. Đó cũng là thời gian kích hoạt sinh dục mạnh nhất. Do vậy, các cặp vợ chồng dễ đạt được khoái cảm cao nhất khi “sinh hoạt chăn gối” vào thời điểm này.

Cũng nên tiến hành massage cơ thể vào buổi sáng, tuy không phải lúc cơ thể cảm thấy rã rời, mệt mỏi vì lúc này da của chúng ta rất nhạy cảm với tác động bên ngoài, nếu được xoa bóp hay tập thể dục nhẹ, nó tích lũy sức “dẻo dai” cho cơ thể trong một ngày làm việc.

Vào khoảng 10 giờ sáng, hệ tuần hoàn hoạt động sung mãn nhất, máu cung cấp ô-xy dồi dào cho não. Các thông tin đưa đến sẽ được não ghi nhận, tiếp thu và xử lý một cách sáng suốt hơn cả.

Giữa 10-12 giờ, nên dành cho các hoạt động sáng tạo.

Từ 12 giờ trở đi, các hoạt động của cơ thể bắt đầu chậm lại sau khi đạt đến cao trào. Ấy là lúc chúng ta nên nghỉ ngơi, thư giãn và tốt nhất là ít phút ngủ trưa.

Từ 15 đến 16 giờ, các ngón tay của chúng ta trở nên lanh lợi hơn cả. Cho nên vào giờ này làm các việc cần đến sự khéo léo của đôi tay rất có hiệu quả và người ta gọi đây là “giờ của những nghệ nhân”.

Vào lúc 16 giờ, ưu thế của cơ thể thuộc về củng cố, hệ thống lại những điều đã suy nghĩ và cần nhớ lâu, tốt nhất là dùng để nghiền ngẫm, cân nhắc các dự kiến cần thực hiện.

18 giờ là giờ lý tưởng cho các cuộc dạo chơi hoạt động ngoài trời, chơi thể thao, bơi lội, đánh cầu lông, tennis vì lúc này cơ quan hô hấp làm việc mạnh nhất.

Giữa 18-20 giờ là giờ tích cực hoạt động của gan. Nó dễ dàng phân hủy các chất cồn. Nhâm nhi cốc bia vào lúc này có thể yên tâm.

Vào 19 giờ, nhịp tim và mạch giảm, não bộ cũng dường như mệt mỏi, uể oải; do vậy không nên làm việc trí óc nhiều.

Buổi tối cũng không mấy thích hợp cho hoạt động trí tuệ mà nên thư giản, đọc những gì nhẹ nhàng hay xem vô tuyến, xem phim.

Vào 24 giờ đêm, não cũng như cơ bắp ở mức thoái trào. Vì nguyên nhân đó các công nhân làm ca đêm thường cho ra các sản phẩm kém chất lượng và tai nạn lao động cũng dễ xảy ra.

Tất nhiên, đó là nhịp sinh học bình thường của cơ thể, hình thành từ những thói quen sinh hoạt lâu đời của con người.

Trong những trường hợp đặc biệt phức tạp, khi đồng hồ sinh học bên trong cơ thể bị trục trặc thì sự thay đổi giữa ngày và đêm sẽ ngược pha nhau, mọi sinh hoạt của chúng ta bị đảo lộn, ví dụ mất ngủ về ban đêm, lại ngủ quá nhiều ban ngày, đang lúc làm việc đầu óc lơ tơ mơ và lúc cần nghỉ ngơi lại tỉnh như sáo.

Và khi đó, không một loại thuốc nào giúp chúng ta điều chỉnh được đồng hồ sinh học. Thậm chí nếu chúng ta dùng cà phê hay thuốc ngủ thì chỉ đem lại kết quả nguy hiểm là thêm rối loạn chức năng của cơ thể, trước hết là rối loạn chức năng của hệ thần kinh.


Bạn đã đi xa đến nơi cách múi giờ chúng ta đang sống bao giờ chưa? Thông thường, nếu đến một nơi điểm xuất phát 6 múi giờ, như từ Hà Nội bay đến Matxcơva chẳng hạn, thì cơ thể phải mất 5 ngày để thích nghi giữa đồng hồ sinh học với đồng hồ thiên văn. Hiện nay, chưa nắm được cách điều chỉnh đồng hồ sinh học khi chuyển vùng địa lý, các chuyên gia chỉ biết khuyên chúng ta đừng ngủ khi đến nơi mới vào ban ngày, cũng như đừng dùng thuốc ngủ nếu đến đó vào ban đêm.

Việc biết cách điều chỉnh đồng hồ sinh học không chỉ quan trọng đối với những nhà ngoại giao hay doanh nghiệp thường xuyên đi công tác xa, mà mỗi chúng ta cũng cần nắm vững.

Nếu bạn đã trót chọn một ngành nghề nào đó mà công việc không phù hợp với sự điều tiết của chiếc đồng hồ sinh học, bạn phải mất thời gian để đồng bộ hóa chiếc đồng hồ sinh học của mình với các thói quen và giờ giấc mà nghề nghiệp đòi hỏi ở bạn. Chắc chắn khi nắm được những cách điều chỉnh cỗ máy bí hiểm đó một cách chủ động thì cuộc sống của chúng ta sẽ thoải mái hơn, hiệu quả hơn và mạnh khỏe hơn.

Tiến sĩ y học L.Glybin thuộc Trung Tâm nghiên cứu tim mạch Nga cho rằng nên tổ chức lại các hoạt động sản xuất xã hội cho phù hợp với đồng hồ sinh học. Tốt nhất là bắt đầu giờ làm việc trong ngày vào 5-6 giờ sáng và đi ngủ lúc 22 giờ. Không nên sản xuất vào các giờ ban đêm.

Tiến sĩ Glybin cũng chỉ ra khả năng đề kháng bệnh tật thấp và khả năng làm việc kém nhất của cơ thể vào các giờ 2-3, 9-10, 14-15, 18-19, 22-23.

Trong khi đó, đỉnh cao của khả năng làm việc và kháng bệnh nằm ở các giờ 5-6,11-13, 16-17, 20-21, và 24-1 giờ đêm./.


From the same category