Hiểu rõ bản thân muốn gì, đó là ấn tượng mạnh mẽ nhất mà nữ luật sư Céline Nhã Nguyễn đem đến cho người đối diện. Điều này cũng thật nhất quán với hình ảnh của một nhà leo núi. Là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục đỉnh Everest, với cô, xác định rõ mục tiêu của bản thân là yêu cầu trước tiên và quan trọng nhất.
Nhà văn Oscar Wilde có nói một câu khá nổi tiếng: “Yêu bản thân là khởi đầu cho cuộc tình lãng mạn trọn đời”. Chị đã ý thức về tình yêu bản thân từ khi nào?
Tình yêu bản thân đến với tôi một cách từ từ, tôi không có khái niệm thật rõ ràng về nó đâu. Tình yêu đó đến thông qua quá trình tôi lớn lên, phát triển và dần dần có những hành động mà sau này tôi mới biết đấy là yêu bản thân. Ví dụ, từ nhỏ tôi đã là một người sôi nổi, rất thích học, cũng rất thích chơi thể thao. Tôi mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khi tôi đầu tư thời gian, công sức để có được thành quả tốt nhất trong những việc mình yêu thích, đó là “yêu bản thân” theo cách nhìn của tôi.
Chị đã chinh phục được những đỉnh núi cao nhất trên thế giới. Theo chị, để trở thành một nhà leo núi có thành tựu cần những phẩm chất nào?
Có nhiều yếu tố cần thiết để tạo ra thành công, không chỉ trong việc leo núi đâu mà ở cả nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống. Tôi nghĩ đầu tiên ta phải có mục tiêu. Có một người bạn từng nói với tôi thế này: “Muốn mơ thì mình phải mơ đến mặt trăng, vì nếu không tới mặt trăng được thì cũng dừng lại đâu đó ở những vì sao”. Nếu mình đặt mục tiêu cao một chút, mình sẽ có sức rướn.
Theo kinh nghiệm của tôi, thành công đa phần đến từ việc đặt mục tiêu đúng đắn, sau đó mới đến kế hoạch thực hiện. Trong quá trình thực hiện, mình mới cần đến những đức tính như nhẫn nại, kiên trì, kỷ luật. Kỷ luật là thứ nghe đã thấy… chán rồi. Nhưng mỗi ngày mình cứ tập một chút, tự nhiên mình khỏe hơn nhiều so với khi mới bắt đầu. Tôi đặt mục tiêu leo Everest từ 12 năm trước. Sau đó mỗi ngày đều dậy từ 5 giờ sáng, tập đến 8 giờ sáng, xuyên suốt 5 năm liên tục để có được thể lực và sự tự tin.
Còn nhiều thứ khác nữa, như sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh. Mỗi lần leo núi, chỉ có khoảng 6-10 nhà leo núi nhưng cần tới cả trăm người tổ chức. Một đoàn leo núi giống như một xã hội thu nhỏ, mình phải là một nhân tố hòa đồng ở trong đó, đoàn kết với mọi người thì mới có thể đạt đến thành công.
Như chị nói, không riêng Everest, chúng ta còn nhiều đỉnh cao khác cần phải leo trong cuộc sống, và việc leo đỉnh luôn cần những phẩm chất nhất định. Giữa việc “mình là ai” và “mình nên là ai”, chị nghĩ hành trình chinh phục đỉnh cao giống với cái nào hơn?
Với tôi, đó là hành trình phản ánh “mình là ai”. Từ khi đi học tôi đã là người có những phẩm chất như vậy. Tôi cứ cố gắng làm từng thứ một, đặt ra mục tiêu rất cao. Muốn được tuyển thẳng đại học thì tôi phải đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Tôi đã từng rất kiên trì, nhẫn nại, kỷ luật cho chuyện học hành.
Nhưng ở mỗi thời điểm mình lại có một sự lựa chọn khác nhau, chứ lúc nào cũng thế thì chán lắm. Mình là một thực thể sống mà, mình phải thay đổi, phải thích nghi với môi trường bên ngoài và với mục tiêu của mình.
Tôi thấy chuyện leo núi cũng giống như làm thơ vậy, nghĩa là nó cần một độ lãng mạn và liều lĩnh nhất định. Nhưng cũng cần cả tài chính nữa, đúng không? Theo chị, việc leo núi của chị có truyền cảm hứng đến những người phụ nữ khác không?
Tôi nghĩ hành động nào mang tính biểu tượng thì đều có thể truyền cảm hứng cho những người khác. Leo núi, mà lại leo Everest thì đúng là một việc khiến nhiều người phải “wow” khi nhắc đến, bởi ai cũng biết chuyện đó khó khăn. Nhưng kỳ thực, khi tôi chơi thể thao và đặt ra những mục tiêu như thế này, trước hết là cho bản thân tôi. Mỗi người sinh ra có một sứ mệnh riêng, đồng thời họ cũng có mong muốn riêng. Có những người lên tới tận mặt trăng, có người lặn xuống đáy biển, có người chỉ muốn làm một người bình thường. Thiên mệnh và việc muốn mình là ai trong cuộc đời này, hai yếu tố đó cộng lại thành con người của mình ở hiện tại.
Tôi thì nghĩ rằng việc chị chinh phục Everest là một sự kiện mang tính biểu tượng rất lớn cho phụ nữ Việt Nam. Bởi vì từ trước tới giờ, khi nghĩ về mặt thể lực, sức khỏe, sự tự do phóng khoáng, ta vẫn thường hình dung đến những người phụ nữ phương Tây.
Thật ra năm 1975, người phụ nữ đầu tiên trên thế giới chinh phục đỉnh Everest là một người phụ nữ Nhật chứ không phải là một người phương Tây. Cô tên là Tabei Junko, một cô giáo dạy tiểu học. Năm 2008, có ba người đàn ông Việt Nam đầu tiên lên được đỉnh Everest, và sau đó, không hiểu tại sao không có người Việt Nam nào, kể cả đàn ông và phụ nữ, chinh phục ngọn núi này trong vòng 14 năm tiếp theo.
Tôi có đặt ra một câu hỏi là tại sao 50 triệu người phụ nữ Việt Nam không ai có ý định leo Everest, vậy mình thử đi, biết đâu mình làm được? Cái ngày mà tôi lên đỉnh, tôi cũng không nghĩ chuyện này lại trở thành một sự kiện được nhiều người biết đến như thế. Tôi vốn cho rằng leo núi là một bộ môn đặc thù, chỉ những người chơi môn này mới biết với nhau thôi. Nhưng sự lan tỏa đó cũng là một điều tích cực. Bởi vì xuất phát điểm của tôi cũng chỉ là một người làm văn phòng bình thường, chỉ bằng những nỗ lực cá nhân mà làm được, vậy thì mọi người xung quanh có lẽ cũng được truyền động lực từ câu chuyện của tôi.
Tôi biết có những người đến với thể thao sau một cú sang chấn tinh thần hoặc mong muốn cải thiện sắc vóc. Cũng có những người yêu thích thể thao do nếp sống của gia đình. Chị thì sao, điều gì thôi thúc chị?
Mỗi khi cảm thấy quá áp lực, bí bách và muốn tìm một nơi để giải phóng năng lượng tiêu cực, tôi sẽ tìm đến thể thao. Có một lần stress quá, muốn học gì đó, thế là tôi đi học nhảy dù.
Tôi có vài người bạn, khi chia tay người yêu hoặc khi mới thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân, họ mong muốn thay đổi bản thân nên đã tìm đến thể thao. Cũng có người chỉ vì muốn vóc dáng đẹp, họ tham gia chạy. Rồi bỗng dưng cách sống của họ cũng trở nên lành mạnh hơn, ra ngoài mở rộng lòng mình, gặp được nhiều bạn bè hơn… Đó là vài lợi ích bất ngờ mà thể thao mang lại.
Trở về đời thực, chị nghĩ đâu là cái đỉnh quan trọng nhất trong cuộc đời mà chị cần chinh phục?
Thật ra đối với bản thân tôi, leo núi là một đam mê, một sở thích, nhưng nó không phải là đích đến của cuộc đời. Khi trở thành một người mẹ có ba con thì điều tôi luôn ưu tiên là gia đình. Và đương nhiên, mong muốn của tôi xoay quanh việc con cái luôn khỏe mạnh, ngoan ngoãn, trưởng thành, học giỏi. Về con người xã hội, tôi vẫn duy trì mong muốn truyền cảm hứng tích cực đến những người phụ nữ khác, lan tỏa tinh thần yêu bản thân, yêu mọi người xung quanh và làm những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Tôi mong phụ nữ chúng ta luôn là những đóa hoa đẹp nhất, có cả sắc và hương.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
LUẬT SƯ CÉLINE NHÃ NGUYỄN
• Tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Panthéon-Sorbonne và Đại học Panthéon-Assas (Pháp)
• Cô là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới, vào ngày 16/5/2022
• Ngoài Everest, Céline Nhã Nguyễn đã từng chinh phục nhiều đỉnh núi khác như: Kilimanjaro (châu Phi), Elbrus (châu Âu), Aconcagua (châu Mỹ), Vinson Massif (châu Nam Cực), Puncak Jaya (châu Đại Dương) và Lenin Peak (Trung Á)
Bài: Nguyễn Khắc Ngân Vi
Nhiếp ảnh: Tang Tang
Sản xuất: Chí Văn
Stylist: Tô Quốc Sơn
Trang điểm: Khánh Mỹ
Làm tóc: Tân Tân
Trợ lý nhiếp ảnh: Đại Lộc
Trợ lý trang điểm: Hoài Thương
Trợ lý stylist: Đức Minh
Trang phục: Hobb Saigon, Hoang Tony, Lou Be
Trang sức: CAO FINE JEWELLERY