Một dãy mộ ở nghĩa trang Đa Phước – Ảnh: Chính Thành |
Giá xây mộ “trên trời”
Bước vào văn phòng Ban quản lý nghĩa trang Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tìm hiểu giá cả huyệt mộ, nhân viên ban quản trang đưa một bảng giá gồm giá đất huyệt, giá trọn gói xây mộ bằng tất cả các loại vật liệu từ rẻ tiền đến sang trọng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mời thầu xây dựng bên ngoài vào xây mộ vì giá xây dựng và giá vật liệu ở đây khá cao, nhân viên quản trang nói thẳng: ở đây có đội xây dựng của nghĩa trang, người ngoài không được vào xây.
Bảng giá của nghĩa trang Đa Phước được chia thành ba khu vực. Theo đó, để có đất và xây một nấm mồ hoàn tất bằng gạch men ở khu dành cho mộ cải táng & trẻ em với diện tích (1,2mx0,8m) thì phải bỏ ra tất cả 13.055.000 đồng. Khu thứ hai dành cho mộ phổ thông (2,2mx1,2m) thì phải hết 36.970.000 đồng. Và nơi đắt nhất là khu mộ nhà mồ phải mất đến 127.205.000 đồng.
Đây là quy định tối thiểu để có được một ngôi mộ hoàn thiện trong nghĩa trang Đa Phước. Nhưng chưa hết, trong bảng giá quy định mà ban quản trang đưa ra còn có phần phụ lục cho việc muốn trang trí ngôi mộ bằng cách ốp thêm đá hoa cương bên ngoài.
“Làm mộ cho người thân yên nghỉ ai chẳng muốn được tươm tất nhất trong khả năng của mình. Tiền bỏ ra không tiếc, nhưng cái giá quá quắt mà ban quản lý nghĩa trang đưa ra khó chấp nhận được” – ông Hoa, nhà ở Q.5, có mộ người thân ở khu vực mộ nhà mồ, bức xúc. Ông Hoa cũng là dân thầu xây dựng, theo ông, quy định lộ rõ việc ép người dân, nhất là phần phụ lục ốp đá trong bảng giá của nghĩa trang.
Theo phần phụ lục trong quy định ốp đá ở bảng giá này, khi người thân không muốn sử dụng gạch men cho việc ốp mộ ở khu vực phổ thông mà thay bằng đá Phú Yên phải đóng thêm 24 triệu đồng, thêm hơn 31 triệu đồng nếu ốp đá rubi đỏ hoặc phải đóng thêm 45 triệu đồng nếu muốn ốp đá đen Ấn Độ hoặc đá kim sa, xà cừ.
Trong khi đó trên thị trường hiện nay việc ốp đá thường đi kèm công thợ thì với một mét vuông ốp đá Phú Yên, Bình Định, người dân chỉ mất cao nhất 1 triệu đồng. Ốp đá rubi chỉ khoảng 1,3 triệu đồng cho một mét vuông. Các loại đá đen Ấn Độ, đá kim sa, xà cừ cùng tương đương dao động ở mức 1,2-1,5 triệu đồng để ốp hết một mét vuông.
Ông Hoa phân tích: “Một ngôi mộ phổ thông ở đây tổng diện tích phải ốp đá chỉ chừng 10m2 trở lại. Tính giá ốp đá theo bên ngoài thị trường tối đa cũng không thể vượt quá 20 triệu đồng. Làm gì có giá 24-45 triệu như vậy được!”.
Chưa dừng lại ở đó, nếu như người nhà muốn đem vật liệu xây dựng ở ngoài vô để trang trí mộ người thân cho vừa mắt thì không được trừ bớt tiền vật liệu xây dựng. Chiều 25-6, anh Trần Văn Thanh (ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Long An) cho biết anh xin đem đá hoa cương Bình Định ở nhà có sẵn vào xây mộ người thân để giảm chi phí xây mộ phải đóng cho nghĩa trang. Nhân viên văn phòng ban quản lý nghĩa trang đặt điều kiện: “Đem đá bên ngoài vô nhưng anh vẫn đóng đủ gói tiền cho tụi em”.
Ông Huỳnh Văn Hoàng, trưởng ban quản lý nghĩa trang Đa Phước, cũng khẳng định chủ mộ phải đóng trọn gói giá tiền xây mộ chứ không được giảm tiền vật liệu xây dựng do hóa đơn, bảng giá đã được Sở Tài chính phê duyệt nên không thể thay đổi.
Đội xây mộ ở nghĩa trang Đa Phước – Ảnh: Sơn Lâm |
Những ông chủ lô
Tuy ông Phạm Văn Bảy, trưởng ban quản trang nghĩa trang Gò Dưa (Q.Thủ Đức), cho biết ở khu vực nghĩa trang nhà nước của nghĩa trang này không có chuyện độc quyền xây dựng, sửa chữa mộ phần nhưng thực tế “quyền lực” đối với việc xây dựng, sửa chữa mộ nằm trong tay các chủ lô và chủ đất. Khu nghĩa trang nhà nước của nghĩa trang Gò Dưa rộng 17ha (gồm nghĩa trang quận Thủ Đức và nghĩa trang của Hội Trung Việt ái hữu cũ), được chia thành nhiều lô lớn nhỏ khác nhau. Các chủ lô được quyền nhận giữ mộ (dọn vệ sinh, lau chùi, trồng hoa trang trí mộ…) theo yêu cầu của thân nhân, tự quyết định giá xây mộ trong khu vực của mình và giá bán huyệt mộ mới lẫn huyệt mộ đã cải táng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực nghĩa trang Q.Thủ Đức có chủ lô tên Tạo. Ông Tạo lấy lý do khu vực này do ông cung cấp điện, nước nên ông thầu xây dựng luôn chứ nhất quyết không cho người khác vô xây, sửa mộ. Chủ mộ có trả tiền điện, nước để tự xây mộ cũng không được, vì đơn giản: “Tôi quản lý ở đây, để tôi xây mộ” – ông Tạo nói chắc. Người nhà muốn mua đất mộ cũng phải thương lượng giá qua ông Tạo, sau đó mới đến văn phòng ban quản trang làm giấy tờ mua bán huyệt mộ. Khi cần chôn cất, người thân cũng liên hệ với ông này.
Theo giá của ông Tạo đưa ra, giá xây dựng một kim tĩnh (vách cho phần huyệt mộ để khỏi bị sạt lở) là 10 triệu đồng, giá xây mộ thì tùy theo lớn nhỏ. Kim tĩnh có kích thước dài khoảng 2,3m, rộng 1,6m, sâu 1,5m chỉ tốn chừng một thiên gạch (1.000 viên), ba bao ximăng, khoảng sáu khối cát xây và một tấm đan bằng ximăng đậy lên trên. Một thợ xây khẳng định tiền công xây và đào huyệt mộ khoảng 3 triệu đồng.
Ông C. có người thân nằm ở nghĩa trang này kể ông phải thuê người tại chỗ làm lại bia mộ cho cha ông với giá 3 triệu đồng trong khi những nơi khác bảo đảm với ông giá bia mộ tốt nhất cũng chỉ khoảng 800.000 đồng. “Nhưng làm bia mộ ở ngoài thì sợ không được đem vô gắn lên mộ” – ông C. băn khoăn.
Tương tự, ở khu vực Hội Trung Việt ái hữu chia thành 25 lô, các chủ lô bao luôn tất cả những công đoạn từ A-Z, từ đào huyệt đến khâu giữ mộ. Chúng tôi gặp chủ lô 22 tên Bảy (Lớn), ông này ra giá 30 triệu đồng một huyệt mộ cải táng, 45 triệu đồng một huyệt mộ mới chưa xây kim tĩnh. Ông Bảy (Lớn) sẽ bao luôn phần xây dựng cho chủ mộ.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, trong khu vực nghĩa trang Gò Dưa chỉ có một đội xây mộ do một phó ban quản trang phụ trách. Các chủ lô có nhận xây kim tĩnh hoặc xây mộ cũng phải giao lại cho một đầu mối xây dựng duy nhất này và được nhận hoa hồng 10-20%. Các chủ lô đứng trung gian nhận thầu giá cao để hưởng chênh lệch. Trong khi đó, trưởng ban quản trang Phạm Văn Bảy quả quyết giá huyệt mộ đã cải táng chỉ 15-20 triệu đồng/huyệt mộ. Ban quản trang đã đề nghị UBND phường cho các chủ lô hưởng toàn bộ số tiền bán lại các huyệt mộ đã cải táng để bù công sức các chủ lô giữ gìn, dọn dẹp nghĩa trang sau khi chủ mộ cũ đã cải táng.
Việc độc quyền tại các nghĩa trang tư quanh nghĩa trang Gò Dưa lại càng mạnh mẽ hơn. Ngay từ khi bước vô xem và mua đất huyệt, người đi mua đất được khuyến cáo rằng mua đất của chủ nào thì phải chịu để cho chủ đó xây, sửa và giữ mộ, tuyệt đối không có trường hợp ngoại lệ. Đây là công ăn việc làm thường xuyên của chủ đất, người mua huyệt trong khu vực nào cũng phải chịu chi phối bởi chủ đất đó, không thể khác hơn.
Theo Tuổi trẻ