“Lửa thiện nhân” – Cái Thiện đẹp đẽ và sức mạnh “ru mềm” nỗi đau

Từ chất liệu chung là hiện thực, đạo diễn James Wan từng bày tỏ quan điểm của mình trong bộ phim “The Conjuring”: Thế giới này này có cả Thượng đế và quỷ Sa Tăng, quan trọng là chúng ta lựa chọn đi theo hướng nào. Còn bản thân Kim Ki Duk, một “học trò” xuất sắc của Sigmund Freud trong lĩnh vực điện ảnh, vẫn không ngừng xoáy sâu vào bản năng con người, hứng thú và đam mê với sự hủy hoại tận cùng của tâm hồn và thể xác loài người. Thì mới đây thôi, tôi vừa ngộ ra: Bản năng con người, phần chìm của tảng băng không chỉ toàn cái Ác – như quan điểm của Sigmund Freud, mà nó có cả cái Thiện. Cái Thiện đẹp đẽ ấy có sức lây lan, tỏa sáng, khiến nỗi đau của tâm hồn loài người được ru mềm, diệu vợi với những con người trong bộ phim “Lửa thiện nhân” (tựa Tiếng Anh: “The human flame”) của đạo diễn Đặng Hồng Giang.


Poster phim “Lửa thiện nhân”

Không phải vô lý mà bộ phim được chọn chiếu khai mạc cho Liên hoan phim (LHP) độc lập New York 2014, đồng thời được chọn làm đại diện cho phim Việt Nam trong chùm Panorama – Điện ảnh thế giới chọn lọc tại LHP Quốc tế Hà Nội năm 2014. Bởi hiện thực trong phim đã mang lại cái đẹp, điều tử tế đến với người xem. Một câu chuyện đầy xúc động kể về những con người liên quan đến cậu bé Thiện Nhân bị thú ăn mất các phần cơ thể của chín năm về trước, những con người như chị Trần Mai Anh mẹ nuôi của bé Thiện Nhân, ông Greig Craft người mà “cậu bé lính chì” gọi là “Daddy” và bác sĩ, giáo sư người Ý – Roberto… Một hành trình tìm kiếm những thứ đã mất cho những đứa trẻ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục, khơi nguồn niềm tin và tính thiện trong mỗi con người.

Tôi vốn nghĩ, bản năng con người là cái Ác và cả đời này, con người phải học cái Chân -Thiện – Mỹ để hoàn thiện bản thân mình. Nhưng khi xem xong “Lửa thiện nhân”,tôi ngộ ra một điều: Trong cái phần chìm bản năng của mỗi con người, không chỉ có mỗi cái Ác, mà nó còn có cả cái Thiện. Cái thiện như là thứ có sẵn và sinh trưởng tự nhiên như việc ăn, ngủ, thở… Ba nhân vật chính trong bộ phim “Lửa thiện nhân” đã làm nhiều việc khác với những con người bình thường, đó là họ làm mọi điều tốt đẹp cho cuộc đời này như việc họ đang ăn, ngủ và thở vậy.

Thiện Nhân (đứng hàng trên cùng) và các bạn trong buổi ra mắt phim ở Hà Nội

Từ ông Giám đốc Quỹ Châu Á – Grieg Craft, người phụ nữ Na Hương đến bác sĩ Roberto, giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ người Việt sống tại Mỹ – Đinh Tuệ, họa sĩ Lee và đặc biệt – chị Mai Anh…, tất cả họ đã làm những việc khác thường để tạo ra cuộc sống mới của hàng trăm em bé giống Thiện Nhân.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang với “Lửa thiện nhân” đã cho nhiều người biết về một sự thật kinh ngạc: Đằng sau cuộc phẫu thuật tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, thì trên đất nước này có hàng ngàn đứa trẻ sinh ra đã không tự mình làm được cái việc tưởng như tự nhiên của một bé trai là tự đi tiểu, dù các em vẫn có đầy đủ các bộ phận của một người đàn ông.

Cũng trong bộ phim này, nhiều người mới biết, mẹ của Thiện Nhân và những người đồng hành cùng chị trong nhiều năm qua đã cùng nhau tạo ra cuộc sống mới cho hơn 100 bé trai trở lại đời sống bình thường.

Bác sĩ Roberto và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng

“Lửa thiện nhân”, nhưng Thiện Nhân không phải nhân vật chính, chính những nhân vật xung quanh cậu bé mới là nhân vật chính, trụ cột của toàn bộ phim. Những nhân vật chính được tiếp cận rất đời. Họ có khi say mê bởi hành trình trả lại sự nguyên vẹn hình hài người, nhưng họ cũng có khi nản, mệt mỏi. Và người này mệt, lại có người kia thúc đẩy rồi họ cùng nhau đi tiếp. Nhưng sự đồng hành của họ không hề có sự lên gân, nó giống như việc bạn mệt sẽ ngừng lại để nghỉ nhưng khi bớt mệt họ lại đi tiếp trên con đường của mình.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang đã tạo ra một bộ phim tài liệu tuyệt vời, rất thực nhưng vô cùng đẹp. Từ ngay thước phim đầu tiên, anh đã khiến cả rạp rơi nước mắt với những “nhân vật” hoàn toàn có thật, liên quan đến cuộc đời “chú bé lính chì”.

Từ người mẹ trẻ của Thiện Nhân, đến ông bà ngoại… hồ sơ về cậu bé được lật giở lại hoàn toàn.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này. Có người vẫn hỏi Mai Anh: “Chị có nói cho Thiện Nhân biết chị là mẹ nuôi của con không?”, người phụ nữ nhỏ nhắn này đã trả lời: “Tôi từng hỏi Thiện Nhân: ‘Mẹ đã làm mất chân của con đấy, mất chim của con đấy, con có hận mẹ không’, thì Thiện Nhân trả lời: ‘Con không hận mẹ, vì mẹ yêu con’”. Có lẽ, khi trao tặng đi tình yêu, thứ người ta nhận lại sẽ chỉ là tình yêu.

Và cũng tại bệnh viện Bologna – Ý, năm 2010, sau ca phẫu thuật chín tiếng, Nhân mổ xong li bì cả ngày hôm sau không hề tỉnh lại, đến lúc tỉnh, nhìn thấy mẹ Mai Anh ở bên. Cậu đã nói: “Mẹ ơi, Ti bắt nạt con thì mẹ đánh nhé! Mẹ ơi, lớn lên con chăm sóc mẹ nhé!”


Đây là một bộ phim có ít thoại nhưng nhiều người người kể chuyện, các lời kể gắn với từng hình ảnh, sự kiện diễn ra liên tục mà không bị thừa. Khi câu chuyện về Thiện Nhân đã đăng tải ngồn ngộn trên truyền thông suốt 9 năm qua, bộ phim vẫn tạo được dấu ấn khó quên, đó quả là điều tài tình của người làm đạo diễn, khi anh chắt lọc thông tin, chắt lọc hình ảnh đắt giá. Thế nên, hơn 3 năm, người ta mới thấy Hồng Giang xong một bộ phim chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ. Một thời gian quá dài cho một bộ phim hiện thực, nhưng lại đủ cho một bộ phim được làm một cách tử tế, về những con người tử tế. Khi nói về bộ phim, nhạc sĩ Phú Quang cố kìm nén nước mắt, ông nghẹn ngào: “Hóa ra là những điều tử tế vẫn nhiều hơn những điều xấu xa”.

Tôi cứ mãi nghĩ về điều này, khi một người mẹ gián tiếp tước đi của em một thứ tốt đẹp, thì ở một nơi này, một người mẹ khác đang ngày ngày đi tìm lại những thứ tốt đẹp ấy để bù đắp cho em. Hai người mẹ, không biết mặt nhau cũng không hề nợ nần gì nhau.

Phim “Lửa thiện nhân” được trình chiếu tại rạp Ngọc Khánh địa chỉ 523 đường Kim Mã (phường Ngọc Khánh, quận Ba đình,  Hà Nội), bắt đầu từ ngày 15/10 đến 15/11/2015.
Từ thứ 2 đến thứ 6 với các khung giờ: 10 giờ, 12 giờ, 15 giờ, 17 giờ 30, 19 giờ 20, và 21 giờ 20.
Riêng thứ 7, Chủ nhật sẽ chiếu thêm tăng ca vào các giờ 9 giờ, 10 giờ 40, 15 giờ 40, 17 giờ 20, 19 giờ 00, 20 giờ 40.
ĐT liên hệ mua vé: 0944220098


From the same category