Lúa – Cuộc chơi của “Công” và “Trí”

Chẳng có nghề nào ngớ ngẩn bằng nghề MC thuyết minh thời trang!

“Xin hãy hồn nhiên với tôi và cho phép tôi chuyên nghiệp một cách hồn nhiên trong công việc của mình!” Đó là thái độ rõ rệt của Nguyễn Công Trí khi người ta cố tìm cách tiếp cận cảm hứng thiết kế bộ sưu tập mang tên Lúa.

Khi được hỏi vì sao khi nhận lời đến Tuần lễ Thời trang Tokyo, anh không chọn Sen, loài quốc hoa, làm ý tưởng. Câu trả lời duy nhất Công Trí có thể có, là hòa sắc “lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng” đó hoàn toàn không hề là một bảng màu đẹp.

“Thế này nhé, tôi là một anh nông dân, như bất cứ ai trong chúng ta, những anh chị nông dân với nền văn minh lúa nước lâu đời. Sau một thời gian khai thác những gì mà tôi cho là hay ho đến từ bên ngoài, từ thời trang phương Tây, thậm chí đến từ tương lai, như tôi đã từng thể hiện qua trường phái futuristic, thì bây giờ tôi đã đủ bản lãnh để xoay sở ổn thỏa trong phạm vi những gì tôi thật sự có: cơm gạo, hay vải vóc, áo quần của chính tôi, những gì đã quen mắt với chúng ta, để thử biến chúng thành châu báu trong mắt người khác. Nhưng trước hết, nó phải đẹp một cách hiển nhiên, không dựa dẫm vào tiềm thức hay định kiến địa phương. Họ sẽ yêu nó bằng cách khác, không như chúng ta, bởi ta yêu chúng bằng tiềm thức, với đủ mọi giá trị thiêng liêng của quê hương, dân tộc, cội nguồn gia phả vô đó. Còn người ngoại quốc, họ không lớn lên bằng chén cơm hột gạo, họ chỉ có thể yêu nó một khi nó nghiễm nhiên đẹp – một vẻ đẹp không cần thuyết minh hay bình luận.”

Nhà thiết kế trải trước mặt tôi một vuông vải đen rưng rức, nhẹ như giấy pelure, gần như một lớp nhựa  đường rất mỏng đang tráng nhẹ trên mặt bàn.

“Mặc nưa. Một thứ trái cho màu nhuộm như vậy. Nó đòi hỏi người ta phải nhuộm súc vải rất nhiều lần để có được màu đen đó”, nhà thiết kế trịnh trọng giới thiệu.

Tôi lướt tay trên bề mặt chất liệu có cảm giác gần như simili khi không thể  tìm ra dù một dấu vết của vân sợi dệt.

“Đơn giản là nó phải bị đánh, vậy đó!” nhà thiết kế giải thích, mặt không biến sắc,“Đánh thật đau. Hay nói một cách chuyên nghiệp hơn, vải bán thành phẩm sau khi dệt xong sẽ được nện thật lực cho đến khi sợi tơ bị dập nhuyễn và quyện vào nhau thành một bề mặt đồng nhất như vầy.”

Tấm lãnh rơi nhẹ như một sợi lông vũ và đáp thật chậm trở lại mặt bàn. Như một ả đàn bà đẹp nhờ trầm luân vậy, tôi thầm tán dương theo kiểu ví von bay bổng của mình. Như bắt được suy nghĩ có xu hướng “nâng cao quan điểm” đó, nhà thiết kế tiếp tục, với thái độ của một tay đại lãn: “Đáng lẽ tôi hoàn toàn có thể thực hiện bộ sưu tập này với bất kì thứ phi bóng nào đang bán ngoài chợ. Điều đó không thực sự quan trọng. Lãnh Mỹ A tượng hình một cách cầu kì, đây lại là hàng vải cực kì khó chiều, khó may, dễ nhăn, dễ xước, v.v… Nhưng đơn giản là tôi thích nó.”

Tuyệt vời! Một tay viết không cần gì nhiều hơn thế, một cuộc thành hình đầy màu sắc “50 sắc thái”, một cuộc hành hình, một khổ nạn tuẫn tiết vì Cái Đẹp tối thượng. Thậm chí tôi còn có thể dùng phép nhân cách hóa để tạo mọi liên tưởng ly kì đến một người đàn bà đẹp lộng lẫy sau những trận đòn…

“Làm bất cứ điều gì em muốn và có thể với tấm vải này, nếu em muốn. Giá như tôi cũng có thể làm như vậy bằng ngôn từ, nhưng nghề của tôi là thiết kế trang phục, tôi không biết cách nào ca tụng một tấm vải tốt hơn là mang nó ra may một cái gì đó thật xứng với nó. Tôi cũng sẽ không nói gì về nó khi đưa nó đến Tokyo ngoài thông tin trung thực là hơn 90% chất liệu vải sợi được sản xuất tại Việt Nam. Với những nghệ nhân làng nghề đã làm nên Lãnh Mỹ A, tôi cũng không hứa hẹn với họ sẽ ‘hồi sinh làng nghề’ hay đưa họ đến vận hội hội nhập nào cả. Tôi chỉ có thể yêu thích nó tới mức chấp nhận giá thành rất cao để đưa nó vào cuộc chơi của mình, và không thể hơn như thế”.

Liệu đó không phải là một sự thiệt thòi quá lớn cho câu chuyện đầy thi tính về cuộc hành hình của lãnh Mỹ A? Anh hoàn toàn có thể gây xúc động mạnh với những nhà thời trang của ngành công nghệ thế giới.

“Với tôi, đó sẽ là một cuộc hành hình nếu phải đến một tuần lễ thời trang thế giới và yêu cầu được nhìn nhận, tôn vinh chỉ bởi vì tôi có một lý lịch cần lao đáng buồn. Thời trang là thế giới của thị giác, và tôi nghĩ cái nghề ngớ ngẩn nhất trên đời là MC thuyết minh show trình diễn thời trang”.

Huyền thoại 2.55, bá tước Dracula, chiếc thắt lưng của Triệu Thị Trinh và tất thảy những gì không liên quan

Khắc nghiệt tới cực đoan, Công Trí hầu như giãy nảy lên trước mỗi dự định gán ghép một ý nghĩa tầng cao nào vào mọi yếu tố trong bộ sưu tập của mình.“Chúng ta hãy chuyển đề tài và bắt đầu nói chuyện về thời trang nhé!” – đó là cảm giác mà bạn sẽ có khi lăm le cài anh ta vào cái bẫy “đại diện văn hóa”.

“Tôi sẽ không lếu láo khoe khoang rằng mình được vời được thỉnh sang Tokyo vì sự nổi tiếng vượt biên giới của mình. Nhà tổ chức đến từ Tokyo, họ muốn tìm một nhà thiết kế Việt Nam để tham dự, Viện Mẫu đã đưa ra một số chọn lựa và tôi là kẻ may mắn. Lúa đã được hình thành từ trước và tôi đã dự định cho nó một show diễn. Lời đề nghị đến vừa đúng lúc, thế là tôi vác Lúa lên đường thôi.”

Thuyết âm mưu đã khiến nhiều người cho rằng đề tài Lúa đã được Công Trí chọn sau khi biết mình sẽ tham dự Tuần lễ Thời trang Tokyo. Anh đặt trước tôi một chiếc broche bằng bạc hình một nhánh lúa.

“Nó đã được làm cách đây hai năm, thậm chí từ trước khi tôi biết mình sẽ làm cho nó cả một bộ sưu tập thời trang mang tên là Lúa.”

Anh lật chiếc broche lên, phía sau lưng một bông lúa là một lỗ nhỏ.“Để tuồn một lá thư, mã số két sắt ngân hàng hay một danh sách thù vặt vô đó”, anh hóm hỉnh cười, “đơn giản là tôi đã xem chi tiết đó ở đâu đó, về các món tế nhuyễn của  phụ nữ phương Tây thời xưa và thấy ý nghĩ đó thật hay.”

Cũng cái “thuyết âm mưu” đó đã chụp cái mũ “chính trị” lên bộ sưu tập đầu tay của anh chàng thí sinh cuộc thi Grand Prix Nguyễn Công Trí mười mấy năm về trước, mà những chi tiết, thần thái của nó, tôi lại bắt gặp trong Lúa kỳ này.

“Đúng đúng, chúng đó, những ô chần quả trám trên áo trấn thủ. Nhiều người đúng là đã cho rằng nước cờ chính trị đã dễ dàng khiến tôi thắng giải Ý Tưởng năm đó.Rất có thể họ đúng, nhưng điều này thì chỉ các thành viên giám khảo năm đó mới biết được họ đánh giá tôi dựa trên những yếu tố gì. Tôi có sự thật của mình. Tôi lên Sài Gòn đi học và, như mọi tay ngơ ngáo ở Sài Gòn, tôi cũng tò mò vô bảo từng chứng tích chiến tranh coi cho biết với người ta. Ở đó có những câu chuyện rùng rợn. Tôi không muốn nhìn về chiến tranh như vậy nữa, và cũng không thích cả cái cách người ta chỉ biết đến nước tôi qua cuộc chiến gần nửa thế kỷ về trước, và cả những cuộc chiến trước đó. Tôi không thích cái việc các làng nghề truyền thống bị thui chột trong khi ký ức chiến tranh được đều đặn nhắc lại một cách rùng rợn như vậy. Tôi không có thiện cảm với suy nghĩ chiến đấu, hay kháng chiến là nghề truyền thống của Việt Nam. Đơn giản hơn nữa. Nó là phần số của một dân tộc mà không ai muốn, đó không nên là một lựa chọn đáng hãnh diện. Nhưng nếu nó buộc phải xảy ra như đã từng, tôi sẽ chọn một tâm thế vui vẻ hơn để nhìn nhận nó. Những chiếc jacket hay vest trấn thủ màu lá mạ thật ra có thể là những món thời trang tuyệt đẹp, dễ tạo khối cho bố cục, và tôi đặc biệt thích hiệu ứng bề mặt của kỹ thuật chần quả trám, gần như một bức phù điêu vải sợi vậy.”

Anh không phải người đầu tiên hay duy nhất. Nhà mốt Chanel đã làm như vậy với những chiếc túi xách trứ danh của mình từ giữa thế kỷ trước, và mùa vừa rồi, thương hiệu dân chủ Nine West cũng vẫn triệt để khai thác kỹ thuật này trên những đôi giày gót vuông của họ.

Còn ở đây, tôi gặp lại chúng, trong hơi hướm của  một Công Trí mười mấy năm về trước, thời bộ sưu tập Lá Xanh nổi trội giữa cơn lốc thổ cẩm. Một bản hòa ca đồng điệu một cách đáng ngạc nhiên giữa cặp áo bằng lãnh, bằng nhung tuyết sang trọng của những bà vợ điền chủ, bóng dáng mignon của những o du kích nhỏ, eo thắt khăn rằn, quần xắn cao, với những chiếc xắc tay 2.55 huyền thoại của madame Coco và sắc màu “emo” thăm thẳm cùng những layer trường phái Gothic.

Tôi dừng lại lâu hơn trên một thiết kế hoàn chỉnh mà các nhà phân tích sẵn sàng gọi đó là một cuộc dan díu tuyệt mỹ giữa madame Coco, bá tước Dracula, và… ban nhạc Fall Out Boy (!) Nhưng chỉ tiềm thức một người Việt trong tôi mới nhìn thấy ở đó một hồn vía mới của  chiếc áo bà ba Nam bộ, dáng eo thon với ống quần xắn cao của hình ảnh o du kích nai nịt gọn gàng, chiếc khăn thắt quanh eo và những cặp ghệt chân của những vai đào võ trong tuồng Tiếng trống Mê Linh.

“Em thấy đó, tất cả đều chủ quan và cảm tính, từ việc chúng ta cùng gốc gác, cùng môi trường văn hóa và sẽ cùng nhìn nhận những tiềm thức như nhau. Thế là chúng ta nghiêng mình và chúng ta bồi hồi cảm động. Tôi không thể bắt người Nhật, hay bất cứ tín đồ thời trang nào trên thế giới chia sẻ cảm xúc này. Họ sẽ nhìn thấy điều họ muốn nhìn thấy, còn tôi sẽ được làm điều tôi muốn làm, với chất liệu và cảm hứng mà tôi thích. Sự khác biệt vô hình sẽ tự nhiên tạo nên các hấp lực thú vị mà không cần tới cô MC. Phần còn lại, cứ để tiềm thức thẩm mỹ tự lên tiếng một cách tự nhiên”.

Than ôi, vậy là đi tong chất liệu đắt giá và toan tính ví von nhà thiết kế với nhành lúa khiêm nhu rạp mình vì trĩu nặng hạt vàng! Thật uổng quá đi, anh Công Trí!

Cuộc viễn chinh vô ngôn của Lúa và bài tập số 10 của tiểu quốc vương

 

Ở tư cách là người phỏng vấn, tôi đã có cho mình hơn 10 ngày đêm để sống trong những bộ áo dài in đậm dấu ấn bản địa Sài Gòn với chữ ký sáng tạo của Nguyễn Công Trí. Không có những rồng tiên xa lạ, những hình ảnh đến từ một tiềm thức dân tộc hoang đường và xa xôi nào đó. Những bìa đĩa nhạc cũ, những bảng tên đường, những mẩu quảng cáo khoan cắt bê tông, và cả bánh tráng trộn lẫn những đĩa muối ớt được đưa vào cuộc chơi graphic hồn nhiên không chút kiêng dè.

Tôi gọi đó là thủ thuật tiêu khiển với tiềm thức của nhà thiết kế. Như thể người ta sẽ reo hò hân hoan biết chừng nào khi bất ngờ nhìn thấy thím Tư hàng xóm, nếu chẳng may đi lạc trên một tinh cầu xa lạ nào đó. Sự quen thuộc được đặt trong ngữ cảnh bất ngờ sẽ kiến tạo những cảm xúc tốt đẹp, cảm xúc về Cái Đẹp. “Thím Tư hàng xóm” hàng ngày vẫn thễu thện ra vô trong bộ đồ bộ in bông với 18 cái lô cuộn tóc trên đầu sẽ trở nên một giai nhân mang một nhan sắc lay động lòng người khủng khiếp: sự thân quen, sự an toàn của cảm giác hiểu biết, cảm giác “thuộc về”.

Hầu hết những chiếc trống đồng nguyên bản hiện thời không còn ở Việt Nam, người ta sẽ không xúc động ghê gớm lắm trước những họa tiết Âu Lạc bằng việc nhìn thấy chiếc trống trường tang gỗ sơn đỏ, mặt thâm đen, với chiếc dùi được gọc đầu bằng mút chùi bảng mà trong tuổi thơ đứa trẻ xứ Việt nào cũng có.

Tôi đoán chắc nếu một ngày nào đó, Công Trí quyết định làm một cái gì đó với haute couture và bộ đồ bộ mà không ít phụ nữ Việt Nam chọn mặc đi ra phố, nó sẽ gây rung động mãnh liệt không kém gì những bản in phong cách retro, tái hiện những poster, bướm nhạc thập niên 70 trên tà áo dài, hay như việc tạp chí Đẹp tái hiện những hình ảnh quen thuộc của miền Bắc thời bao cấp.

Thuộc tính bản địa, hay như người ta hay nói “bản sắc dân tộc” thường chỉ được thể hiện thành công, thấm thía một cách hồn nhiên, và hiển nhiên, như vậy.

“Nhưng tôi không phải là những nhà khảo cổ học, hay những nghệ nhân phục chế. Tôi là một nhà thời trang, và tôi không phục chế gì cả. Cuộc chơi của tôi không chỉ đòi hỏi công phu cầu kỳ trong thủ pháp dệt may, mà nó phải được đặt vào đó trí lực của nhà thiết kế.Tôi chọn chất liệu từ tiềm thức của mình, thứ tôi hiểu thấu đáo nhất, duy chỉ tôi có, và khiến tôi giàu có và khác biệt. Nhưng tôi không thiết kế trên chúng với tâm thức một người Việt Nam đơn thuần, tôi làm việc ở tư cách thời trang. Tôi “thời trang hóa” nó, đòi hỏi nó đẹp trong tiêu chuẩn chuyên môn thẩm mỹ. Tôi không thể mang ra thế giới một cô gái sống trong xóm tôi và thuyết phục người khác rằng có cuộc đời tội nghiệp hay một tâm hồn đẹp đẽ lắm. Cô gái, hay vẻ đẹp đó chỉ cần tự phát ngôn cho chính nó mà thôi. Em có thể nhìn vào một thiết kế bất kỳ trong bộ sưu tập và nhận ra chiếc áo bà ba Nam bộ thuần phác. Cái bẫy tâm lí nằm ở đó, ta thấy áo bà ba, và ta tự dưng gọi nó là thuần phác, bởi những người đàn bà thuần phác ta từng quen biết từng mặc bà ba. Trong thế giới thời trang, nó đơn giản là một chiếc manteaux nhẹ, bằng quited satin, với hai chiếc túi to đăng đối, và cấu trúc raglan vốn không xa lạ với người phương Tây. Trong thời trang, mọi thứ hồn nhiên và khách quan hơn. Những giấc mơ khùng điên, những cơn hoang tưởng đầy ảo ảnh nào đó, hay, như em nói, tiềm thức bản địa của một nhà thiết kế nào đó phải được thể hiện lưu loát trong một ngôn ngữ chung của thị giác, bằng vải vóc, form dáng, chất liệu,… Do đó, tôi chẳng có ý gì cả khi đưa bà ba vào bộ sưu tập của mình với dự định ca tụng xuất thân của nó với quốc tế. Nếu tôi thành công, người ta sẽ tiếp nhận và ca tụng nó bằng những ngôn ngữ của họ. Khi đó, thiết kế này đã là một cá thể độc lập và sống đời khen chê của nó. Tôi cũng không cần phải quá quan tâm. Tôi đã xong công việc của mình ở mức tốt nhất có thể, công việc của nhà thiết kế”.

Có vẻ sự cực đoan ấy không xứng tầm với những thành công về thương mại và uy tín của cái tên Nguyễn Công Trí. Sự công nhận và phần thưởng dành cho một thiết kế thành công chẳng phải sẽ còn đến cùng doanh lợi và tiếng tăm?

“Tôi hầu như không bao giờ bán ra những thiết kế trong những bộ sưu tập của mình. Em nói tôi lãnh đạm với số phận của ‘những đứa con tinh thần’ của mình là sai rồi, bởi tôi quan tâm đến nỗi không thấy an toàn khi không thể kiểm soát việc ai sẽ mặc nó, họ sẽ mặc nó đến những đâu, đứng ngồi ra sao, và phối hợp với những món trời ơi gì. Thế là tôi quyết định dành Công Trí Boutique và Kin Concept cho các thượng đế của mình, nơi họ là Nàng Thơ và Thượng Đế của tôi. Còn ở đây…”

Anh nhìn quanh, phác vu vơ một cử chỉ về một đường biên giới vô hình nào đó. Tôi chẳng thấy gì ngoài một không gian gần như một gallery đang xây dang dở.

Nhà thiết kế không nói thêm gì nữa, tôi lờ mờ tự điền vào khoảng lặng của anh: còn ở đây, anh trở về đúng vị trí của mình – một đức ông bạo ngược với những cuộc chinh phạt cô độc của mình.

“Tôi là một kẻ tay ngang về thời trang kể từ bộ sưu tập Lá Xanh ngày ấy.Thế là tôi quyết định tự đặt ra cho mình những bài tập. Đó là lí do tôi đánh số cho các bộ sưu tập của mình. Cứ 10 bài là tôi tốt nghiệp một khóa.Lúa là bài tập thứ 9.Tôi sắp tốt nghiệp khóa đầu rồi.Chỉ còn một bài tốt nghiệp nữa thôi”.

Trong những “bài tập” đó của mình, ở tư cách người thầy của chính mình, anh đánh điểm thấp nhất?

Một thoáng khổ sở thoáng qua rất nhanh, như thể nhà thiết kế đang chịu đựng một cơn đau bao tử khủng khiếp nhất, trong vài giây. Nhưng rồi anh cũng đưa ra cho tôi xem hình ảnh những thiết kế đơn sắc màu trắng, chụp trong một bối cảnh khá “khù khoằm” của rừng thẳm, của ngày tận thế và đậm đặc thuyết vị lai thủ công.

“Tôi xem phim Avatar khi đó đang đình đám lắm, và làm nên bộ sưu tập đó”.

Ngay lập tức, anh nhận được sự đồng cảm của tôi, có lẽ một sự đồng cảm một nhà thiết kế ít trông đợi nhất. Màu sắc vị lai hay việc lấy cảm hứng từ điện ảnh không có lỗi, nhưng lằn ranh giữa thời trang và phục trang điện ảnh đã bị chạm mức. Avatar trở thành đề tài chính, và thời trang trở thành nhân vật phụ họa.

Tôi mau chóng giúp anh chuyển đề tài sau khi chúng tôi cùng đồng ý với nhau rằng rồi ai cũng sẽ phải tự tay làm nên những bài tập cuộc đời vụng về như thế.

“Không sao hết, đó đã không hề là một thảm họa và nó có của anh 4 điểm. Còn Lúa, chỉ vài cái nút được đính vào nữa thì Lúa đã hoàn thiện, sẵn sàng lên đường”.

Và anh vẫn khăng khăng với ý định sẽ không bán lại những thiết kế cao cấp của mình, ngay cả với Lúa? Chẳng phải như vậy là một quyết định quá khắc nghiệt cho phần số một thiết kế? Một bộ trang phục, cuối cùng, có quyền sống đời sống của nó trước khi bị ủi phẳng và treo trang trọng trong các bảo tàng cá nhân, hoặc khá hơn, ở viện MET chẳng hạn. Chúng xứng đáng được chuyển động, được thở bởi một cơ thể sống động của nữ chủ nhân bên trong nó.

“Không, những đứa con của tôi, có thể chúng không di chuyển, đi lại trên đường phố, nhưng chúng được đến những sàn diễn lẫy lừng nhất, được mặc bởi những người mẫu tuyển chọn khắt khe nhất, chúng được sống một đời sống huy hoàng đó chớ? Chỉ có điều tôi sẽ không ồn ào bán gả chúng với lý lịch lầm than của nghề nông xứ Việt, của chiến tranh và những o du kích, hay kể lể về trận đòn thẩm mỹ của lãnh Mỹ A.”

Nhưng anh đã lao động cật lực để đứa con đó có quyền được nghiễm nhiên thừa nhận, thưa quốc vương!
Và buổi chiều hôm đó, vài giờ đồng hồ trước khi Lúa lên đường đến trổ bông trên sàn diễn Tokyo International Fashion Week, trong cung điện chưa hoàn tất của mình, vị tiểu vương kì cục đã nói gì đó với tôi về “bài tập thứ 10” đã thành hình trong đầu… Nhưng tôi không còn lắng nghe nữa.

Tôi chọn giữ lại cho mình, và cho quý độc giả của tôi những bất ngờ kì thú và hồn nhiên mà người ta cần có trước những món quà đến từ thế giới của thời trang.

  

Bài: Trác Thúy Miêu
Hình ảnh: Tang Tang, Derek Dương


logo


From the same category