Khoa học là chìa khoá, và có lẽ là chìa khoá để giải đáp muôn vàn những thử thách mà thế giới ngày nay đang đối mặt. Khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề sinh thái, kinh tế và con người. Tuy nhiên nguồn nhân lực trong cộng đồng khoa học tỷ lệ nữ giới vẫn giữ con số rất ít ỏi. Phụ nữ không được khuyến khích định hướng học hay tham gia vào nghiên cứu khoa học. Hiện nay trên thế giới những nhà vật lý học, kỹ sư và chuyên viên máy tính trong nền kinh tế tri thức là phụ nữ chiếm tỷ lệ dưới 30%, ngoài ra chỉ khoảng 12% những vị trí đưa ra quyết định khoa học trong các trường đại học và khu vực tư nhân trong nền kinh tế tri thức của thể giới được nắm giữ bởi phụ nữ. Thế giới cần có khoa học, khoa học cần có phụ nữ.
Ông Didier Villanueva – Tổng giám đốc L’Oreal Vietnam (lề trái), giáo sư tiến sĩ Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam (giữa), tiến sĩ Lê Đình Tiến – Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Vietnam về UNESCO, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Việt Nam (lề phải) trao giải cho ba nữ tiến sỹ đoạt hoc bổng năm 2013
Vì sự tiến bộ của phụ nữ trong khoa học
Bằng việc hỗ trợ cho những nữ nghiên cứu trẻ và thúc đẩy việc giới thiệu ngành khoa học như một nghề nghiệp cho phụ nữ, giải thưởng L’oreal- Unesco vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học được thành lập từ năm 1988 để tìm kiếm, hỗ trợ và khuyến khích phụ nữ phát triển trong lĩnh vực khoa học. Chương trình này được tổ chức trong 15 năm qua, hỗ trợ cho hơn 1700 phụ nữ từ 108 quốc gia. Chương trình tại mỗi quốc gia sẽ trao giải thương cho những nhà khoa học nữ mà đề tài nghiên cứu khoa học của họ đã góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, đem lại lợi ích cho cộng đồng xã hội. Chương trình được công nhận như một nguồn gió mới truyền cảm hứng đến những phụ nữ trẻ ngày nay, đưa đến cho khoa học khuôn mặt nữ giới, khuyến khích, giúp đỡ phụ nữ để họ có thể trở thành những nhà nghiên cứu trong tương lai.
Nâng tầm phụ nữ Việt trong khoa học
Với ý nghĩa và tầm nhìn trong việc thúc đầy sự tiến bộ khoa học Việt Nam và khuyến khích phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học, trong 5 năm thực hiện tại Việt Nam đến nay đã có 15 nữ tiến sỹ được trao tặng học bổng cho các đề án nghiên cứu có tính triển vọng và tính thực tiễn cao.
Giáo sư tiến sĩ Phạm Thị Trân Châu, thành viên Hội đồng khoa học quốc gia chúc mừng ba nữ tiến sĩ đoạt giải
Chương trình học bổng nghiên cứu cấp quốc gia L’oreal “vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” năm 2013 đã nhận được 30 đề án khoa học mang tính cạnh tranh và được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn. Hội đồng khoa học của chương trình học bổng nghiên cứu khoa học cấp quốc gia đã quyết định trao cho ba đề tài của ba nữ tiến sỹ:
1. Tiến sỹ Trần Hà Liên Phương với đề tài nghiên cứu: “Làm tăng hiệu quả điều trị ung thư bằng việc kết hợp fucoidan và các thuốc kháng ung thư khó tan để tạo các hạt nano”.
Đề tài nghiên cứu của tiến sĩ Trần Hà Liên Phương có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rõ rệt, có khả năng tiếp tục phát triển lâu dài trong tương lai, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị của các thuốc chống ung thư. Thành công của hướng nghiên cứu này sẽ đóng góp một hệ trị liệu mới thật hiệu quả trong công tác điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam
2. Tiến sỹ Vũ Thị Hạnh Thu với đề tài nghiên cứu “Chế tạo và nghiên cứu màng hai lớp quang xúc tác và diệt khuẩn ZnO/TiO2 được biến tính bề mặt bởi nano Ag”.
Tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học của tiến sĩ Vũ Thị Hạnh Thu rất đa dạng, có thể sử dụng phủ trên lồng kính trẻ sơ sinh để bảo vệ các bé sinh thiếu tháng an toàn với vi khuẩn, hoặc có thể lọc khuẩn trong không khí. Thành công của nghiên cứu này sẽ giúp chế tạo ra các loại vật liệu mới góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ con người trước những loại vi khuẩn đang lây lan trong môi trường sống chúng ta.
3. Tiến sỹ Trần Thị Thu Thuỷ với đề tài nghiên cứu “Phương pháp tổng hợp Erlotinib hydrochloride dùng làm thuốc sinh học thế hệ mới điều trị ung thư”.
Đây là một đề tài được Hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá cao về tính khả thi và định hướng ứng dụng thực tiễn cao trong việc điều trị thuốc ung thư thế hệ mới. Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này sẽ góp phần vào việc chủ động giảm giá thành nguồn nguyên liệu bào chế thuốc tại Việt Nam.
PV