Lớp “VIP” trong trường công

Toàn bộ sàn lót gỗ trong một lớp “VIP” của Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Nội) – Ảnh: Ngọc Thắng

“Ốc đảo” sang trọng

Cách thức điều hành của không ít trường hiện theo kiểu phụ huynh nào mạnh chi thì có thể sắm đủ thứ cho lớp học của con mình, biến lớp học của trường công thành riêng của con nhà giàu, gây ra sự phân hóa phản cảm trong môi trường giáo dục.

Trường tiểu học Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) gây bất bình trong dư luận khi cho phép phụ huynh của 2 lớp 1A và 1B biến lớp học của con mình trở thành lớp… đặc biệt dành cho con nhà giàu, bất chấp những lớp xung quanh vẫn học ở những phòng học cũ kỹ với các phương tiện dạy học nghèo nàn.

Theo bảng chi phí đầu tư xây dựng lớp 1A của ban đại diện hội phụ huynh học sinh (HS), riêng hệ thống bảng tương tác của lớp này đã mất gần 168 triệu đồng. Đồng thời, lớp học này còn đầu tư và sửa chữa gần như toàn bộ cơ sở vật chất trong lớp như: bàn ghế của HS và cô giáo, sàn nhà, máy điều hòa, rèm cửa, hệ thống điện, chiếu sáng, sơn cửa, xây dựng trong lớp và hành lang. Tổng số tiền để đầu tư lớp học ở đây lên hơn 300 triệu đồng, biến lớp học trở thành một “ốc đảo” sang trọng khác thường.

Một phụ huynh của hai lớp trên cho biết: “Mỗi người phải nộp 5,5 triệu đồng cho khoản bảng tương tác, ngoài ra còn 2,4 triệu đồng tiền tiếng Anh, bán trú…”.

Nhiều phụ huynh cho rằng không chỉ trang bị lớp học kiểu VIP (Very Important Person – nhân vật hết sức quan trọng – NV) , ngay những buổi lễ khai giảng, chào cờ… HS của những lớp này cũng ngồi loại ghế khác với các lớp khác (!). Trong khi đa số HS ngồi loại ghế nhựa thông thường thì HS lớp này ngồi loại ghế có tựa lưng. “Nhìn cảnh như vậy, tôi từng rớt nước mắt vì thương con, vì bất bình với nhà trường”, một phụ huynh tâm tư.

Một phụ huynh Trường tiểu học Trưng Trắc (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) thông tin: “Theo thông báo của nhà trường, nếu cho con tham gia lớp học tương tác, mỗi cháu đóng khoảng 3,5 triệu đồng. Ai đồng ý thì đóng tiền, không đồng ý thì trường sẽ chuyển sang lớp khác”. Còn phụ huynh của Trường tiểu học Thành Công A (Q.Ba Đình, Hà Nội) phản ánh, một lớp khối 1 phụ huynh đóng góp mỗi người 3 triệu đồng để chi cho việc mua các thiết bị nghe nhìn gồm máy tính xách tay cho cô giáo, máy chiếu vật thể, bảng tương tác… cho lớp đặc biệt.

Một loạt các trường khác ở Hà Nội thời gian qua cho phép phụ huynh mạnh lớp nào có tiền thì lớp đó có thể mua sắm đủ thứ cho lớp con mình. Có lớp còn cậy cả sàn nhà lên để lát sàn gỗ, biến lớp học như một phòng ở của gia đình.

Một phụ huynh có con học ở lớp thường trong Trường tiểu học Nguyễn Trãi bất bình: “Con tôi mới vào lớp 1 mà luôn miệng hỏi: Sao mẹ không cho con học ở lớp đẹp, có điều hòa mát như các bạn kia?, tôi không thể giải thích làm sao để cháu hiểu mà không bị tổn thương”.

Phục vụ chỉ một nhóm nhỏ

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc sở GD-ĐT Tiền Giang khi trao đổi với Thanh Niên về quy định quản lý các khoản thu ngoài quy định của địa phương mình, đã bày tỏ rõ quan điểm: “Chúng tôi chỉ cho phép nhận những khoản đóng góp hoàn toàn tự nguyện và không phải đóng góp để phục vụ lợi ích của một nhóm HS”.

Ông Đức nêu ví dụ, nếu phụ huynh của một vài lớp góp tiền mua máy điều hòa hoặc trang thiết bị hiện đại nào đó cho lớp mình cũng không được phép. Đơn giản là vì điều đó sẽ gây ra một sự mất công bằng ngay trong môi trường giáo dục. HS sẽ không thể hiểu vì sao lớp này có máy điều hòa mát rượi mà lớp kia thì nóng bức… “Nếu một nhà tài trợ ủng hộ tiền hoặc đứng ra lát gạch sân trường cho HS thì chúng tôi vui lòng đón nhận, bởi tất cả HS của trường sẽ được hưởng khoản tài trợ đó như nhau” – ông Đức nói thêm.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD, tâm tư: “Chúng ta quy định HS mặc đồng phục để không phân biệt giàu nghèo, để trẻ con dù gia đình có điều kiện hay không, dù bên ngoài xã hội ăn mặc rất đắt tiền nhưng khi bước vào môi trường giáo dục thì bình đẳng như nhau. Kể cả việc cho HS ăn chung bữa trưa cũng nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các em. Việc trong một trường công lập có sự phân biệt giữa lớp nhiều tiền và lớp ít tiền rất phản cảm và phản giáo dục”.

GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng phản đối gay gắt: “Bất lợi lớn nhất chính là tạo ra các tầng đẳng cấp trong một trường. Điều này khiến cho HS cũng tự phân biệt giàu nghèo với nhau. Có những em nhạy cảm không được học trong điều kiện như các bạn khác sẽ cảm thấy tự ti, còn những em được học sẽ có thể dẫn đến coi thường các bạn khác”.

Phát huy khả năng đầu tư của gia đình HS

Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập nhằm: Khuyến khích các trường phát huy khả năng đầu tư của gia đình HS để thực hiện chất lượng giáo dục cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; làm căn cứ để các trường công lập tổ chức thực hiện chất lượng giáo dục cao; làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát việc xác định mức học phí chất lượng giáo dục cao.

Trường mầm non, phổ thông công lập được thực hiện chất lượng giáo dục cao đối với một số nhóm, lớp hoặc toàn trường. Học phí chất lượng giáo dục cao được tính riêng cho từng hoạt động dạy học. Người học tham gia hoạt động chất lượng giáo dục cao nào, hưởng dịch vụ giáo dục cao nào thì đóng góp theo mức thu áp dụng cho chất lượng, dịch vụ đó.

(Theo dự thảo Quy định về học phí chất lượng giáo dục cao trong các trường mầm non, phổ thông công lập – Bộ GD-ĐT)

Đừng sớm gieo vào lòng trẻ sự tự ti

“Gia đình khó khăn không thể đóng tiền cho con theo học những lớp chất lượng cao như vậy, để con thua kém bạn bè, sẽ rất đau lòng. Đừng sớm gieo vào lòng con trẻ sự tự ti, tội nghiệp lắm”.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu (một phụ huynh Q.5, TP.HCM)

Có chắc HS sẽ được đào tạo tốt?

“Nếu đã mang tiếng chất lượng thì phải chất lượng về mọi thứ chứ không chỉ ở giáo viên giỏi và cơ sở vật chất. HS lớp chất lượng cao phải thực sự giỏi. Liệu các trường có đảm bảo học các lớp này, HS sẽ được đào tạo tốt? Theo tôi, nếu ngành giáo dục tăng phòng học, giảm sĩ số lớp thì tất cả các lớp đó đều là lớp chất lượng cao”.

 Ông Lê Thiện Tâm (phụ huynh Trường THCS Chu Văn An, Q.1, TP.HCM)

Phân biệt cơ sở vật chất tốt và chất lượng tốt

“Những lớp này chủ yếu phục vụ cho những gia đình có điều kiện. Nếu HS yếu mà có điều kiện vào học, liệu các em có học giỏi hơn hay chỉ là được học trong lớp có cơ sở vật chất tốt?”.

 Bà Trần Thị Chánh Tôngn (một phụ huynh ở Q.8, TP.HCM)

Tạo sự phân biệt trong chính HS của trường

“Nếu trường có cả lớp chất lượng cao và lớp thường thì sẽ tạo ra sự phân biệt, so sánh của chính HS trong một trường. HS có sự phân biệt đối xử hoặc các HS lớp chất lượng xem nhẹ, khinh rẻ HS lớp thường”.

 Nguyễn Thành Trung (HS Trường THPT Trần Khai Nguyên, Q.5, TP.HCM)

Theo Thanh Niên


From the same category