Chị Mai Anh – mẹ “chú lính chì” Thiện Nhân, đồng thời là đại diện chương trình Thiện Nhân và những người bạn mừng tủi: “Chúng tôi không còn đơn độc như những chú lạc đà lầm lũi trên sa mạc nữa“, khi chị nhận được sự sẻ chia và đồng hành của nhiều bạn bè. “Look at the world” là sự kết hợp của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, Trung tâm Phát triển Giáo dục & Nghệ thuật Sol Art và chương trình Thiện Nhân và những người bạn tổ chức.
Đây là lần đầu tiên Hành trình Thiện Nhân có được một chương trình kêu gọi lòng hảo tâm quy mô đến thế.
“Việc dự án ra đời đúng vào tháng 7, ngày mà 10 năm trước Thiện Nhân xuất hiện, có thể coi là một cơ duyên” – chị Mai Anh xúc động. Chương trình được tổ chức khi những em bé không may mắn vừa được phẫu thuật trong tháng 6 vẫn chưa được xuất viện hết, và danh sách 45 em nhỏ đang chờ phẫu thuật đợt tháng 11 tới vẫn chưa biết lấy kinh phí ở đâu. “Khi các em xuất viện đợt tới, chúng tôi sẽ phải thanh toán cho bệnh viện nốt những hóa đơn, nhưng ngay lúc này thì tiền cũng đã hết”. Nhưng, ngay cả thế, chị Mai Anh bảo vẫn cứ phải làm thôi, vì “lịch trình bác sĩ bay từ bên kia sang không thể hủy, và những em bé khiếm khuyết thì càng sớm trở về cuộc sống đời thường càng tốt”.
“Look at the world” sẽ hỗ trợ đến đâu cho hàng trăm em bé khuyết tật bộ phận sinh dục đang chờ? Câu trả lời phụ thuộc vào những tâm lòng hảo tâm tối nay ở Nhà hát Lớn. Vé đã bán, cho cả các bố mẹ có con biểu diễn trong Dàn hợp xướng của Trung tâm Sol Art, vé vẫn tiếp tục bán, trước giờ biểu diễn chương trình. Nhưng, những bức tranh vẫn chờ người đấu giá, và những người thực hiện chương trình vẫn mong, tình yêu thương từ chương trình sẽ lan tỏa, để họ giữ vững niềm tin đồng hành được với những em nhỏ không may, mỗi năm hai lần.
Điều đáng quý là, toàn bộ các tiết mục biểu diễn trong đêm “Look at the world” đều là hoạt động cộng đồng của các đoàn hợp xướng không chuyên. Họ là những em nhỏ đang theo học tại Trung tâm Sol Art, những người yêu ca hát đến từ Hàn Quốc tự lập lên dàn hợp xướng của mình, và cả những người trẻ trong Dàn hợp xướng Công giáo tại Hà Nội. Tất cả họ đều tự nguyện tham gia chương trình với mong ước sẻ chia.
Chị Đặng Châu Anh, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Sol Art cho rằng, “ngôn ngữ của âm nhạc và hợp xướng có giá trị kết nối mạnh mẽ”, nên chị muốn thông qua hình thức biểu diễn này để đánh thức khát vọng sẻ chia yêu thương của mỗi người. Với riêng các em nhỏ tại Sol Art, chia sẻ tình yêu thương là điều các em học được từ buổi ban đầu đăng ký theo học tại trung tâm.
Bài: Hải Khôi
Ảnh: Ban tổ chức cung cấp