Lòng tin và định kiến

Là kiến trúc sư, nhưng thỉnh thoảng bạn ưa viết văn thơ. Hôm kia bạn gửi cho ta mấy câu khiến ta cứ cười tủm tỉm:

“Đồng hồ chỉ mười giờ
tôi buông sách, tắt đèn, ngủ
như mọi ngày.
Sáng ra mới hay
đồng hồ hết pin chạy chậm ba tiếng rưỡi
Hmmmmmm
tôi vẫn buồn ngủ đúng khi kim chỉ mười giờ!”

Vậy đó, ngủ… trật vì tin cái đồng hồ hỏng vẫn là may, thế gian nhiều khi còn khốn khổ vì những đinh ninh rất… trật. Chị than vừa bị một cú choáng giữa kinh đô Paris: Chị đang rút tiền từ máy ở phố thì một cô Tây tóc vàng cầm tờ trăm euro bước tới, lịch sự nhờ chị đổi giúp năm tờ giấy hai mươi euro, do cô muốn mua bánh ở tiệm bánh mì cạnh đó mà không có tiền lẻ. 

Thấy cô tóc vàng Tây rặt chứ không phải da màu hay Ả Rập đáng nghi ngại, chị nhiệt thành bấm lịnh nhận giấy hai mươi, trong lúc cô gái líu lo bảo con chờ bánh qua điện thoại. Cầm tiền đổi trong tay, cả hai chào nhau vui vẻ, cô gái lại cảm ơn líu lo. Khi lái xe về tới nhà, bà bác sĩ Việt Nam nhận từ ngân hàng tin nhắn tài khoản chị vừa dao động chi một ngàn năm trăm euro! Chị giật mình xem lại thì thẻ tín dụng cũng không còn trong ví! Hóa ra, vì an tâm mái tóc vàng sang trọng, chị vô tư rút tiền trong lúc kẻ cắp chuyên nghiệp – dù lảng vảng ở cự ly khá xa – đã đọc được mã số thẻ của chị. Hơn vậy, còn thôi miên thế nào để lấy luôn cái thẻ mà chị không hay biết (?!). Chị nói chị choáng không chỉ vì bị mất tiền, mà choáng vì giận mình bị… tóc gạt!

Có một thứ nước giải khát dân thành phố rất thích là nước mía. Ngày xưa người bán phải ép bằng tay với chiếc cần nặng nhọc, về sau máy bằng điện nhẹ hơn nhưng nguy hiểm vì nếu sơ ý, người bán dễ cho tay vào trong lồng ép. Những năm gần đây xuất hiện loại máy đời mới gọn nhẹ, bắt mắt. Máy gọi là “siêu sạch” này đắt hơn máy điện gấp nhiều lần, nhưng những người kinh doanh nước mía rất thích vì chúng an toàn, tiết kiệm, lại “đỡ rắc rối”, như một người giải thích. Cũng theo người này, đỡ rắc rối bởi nếu máy cũ lồ lộ, chỉ cần để dơ một chút là khách hàng nhận thấy ngay, thì máy siêu sạch đẹp đẽ kín đáo này chỉ cần xịt nước, không cần vệ sinh chi hết. Điều đó có nghĩa mỗi ngày sẽ có vô vàn vụn mía lưu lại bên trong máy không có đường thoát. Một thợ sửa máy ép mía mai mỉa nói siêu sạch thật ra là siêu bẩn, vì cấu tạo của nó không cho phép chà rửa bên trong thường xuyên. “Một cái máy ép mía chỉ xịt nước qua loa nhiều tháng, nhiều năm thì không thể sạch được, thậm chí đôi khi lúc nhúc giòi. Nhưng khách hàng cứ nghe chữ siêu sạch là… yên chí”.

Mỗi ngày xem báo mạng, chị hay lưu lại những bức ảnh khiến chị xao xuyến rung động, ám ảnh hay se thắt. Một trong những tấm ảnh mà mỗi khi nhìn lại chị đều nghe xốn xang là tấm “Thái Hoàng Trung và mẹ chỉ biết khóc trong giờ giải lao” của tác giả Mai Vinh. Trong ảnh có ba nhân vật: Đứa con trai ốm o ngồi băng ghế tiền cảnh cúi mặt khóc. Sau lưng em, chếch bên cánh phải là bà mẹ gầy nhom đứng khóc. Cánh trái ảnh là viên công an trạc tuổi Hoàng Trung lặng lẽ cúi đầu… Theo bài báo, Hoàng Trung sinh năm 1995 là đứa trẻ mang tội ăn cắp vặt bị đưa vào trường giáo dưỡng. Rời trường khoảng ba tháng, Trung lại lún sâu vào tội lỗi, lần này là… giết ông hàng xóm trong lúc ẩu đả vì bị ông đổ tội ăn cắp gà. 

Cũng theo bài báo, sau khi tuyên án, vị chủ tọa rời phiên tòa với một câu day dứt: “Định kiến đã đẩy thanh niên đang hoàn lương vào tù”. Còn Trung đứng trước tòa, đã khóc khi trả lời chủ tọa: “Hàng xóm mất con mèo cũng đổ cho bị cáo, mất con gà cũng mặc nhiên bị cáo ăn cắp… Đúng là ngày trước bị cáo có ăn trộm của xóm làng, nhưng từ khi rời trường giáo dưỡng bị cáo không ăn cắp của ai cái gì nữa. Từ trường giáo dưỡng về bị cáo luôn mặc cảm trong trí nhớ làng xóm bị cáo là người trộm cắp. Biết thân phận, bị cáo ít giao du, chỉ đi làm rồi về nhà. Nay bị vu oan giữa chợ đầy nhục nhã. Sao những chuyện xấu xa mọi người cứ đổ cho bị cáo?”. Luật sư Nguyễn Thị Thanh Truyền, người được chỉ định bào chữa cho Thái Hoàng Trung nhớ lại có lần Trung nói với chị: “Cô đừng xin tội cho cháu, tòa xử bao nhiêu cháu nhận bấy nhiêu. Tội cháu lớn lắm, cháu biết. Thà ở trong tù chứ ở bên ngoài mà ai cũng nhìn cháu như thế thì tội cháu, tội mẹ cháu lắm…”

Nhìn bức ảnh hai người khóc, chị tin Trung nói thật. Quả thật có cái gì đó hơi nhẫn tâm khi những đứa trẻ sau khi ra khỏi trường giáo dưỡng đều bị ghi cụ thể lỗi lầm vô lý lịch – cái lý lịch chúng phải nặng nề mang theo gần như suốt cuộc đời mà cánh cửa đầu tiên khó vượt qua là trường học. Nghe rằng cơ quan chức năng thừa nhận từ lâu việc ghi rõ hành vi vi phạm vào lý lịch trẻ vị thành niên khiến các cháu bị kỳ thị, khinh miệt khi đi học, đi làm. Rằng, đã có nhiều ý kiến đề nghị người lớn bỏ việc viết rõ hành vi tội lỗi của đứa trẻ trong lý lịch, nhưng điều này không/chưa thực hiện được. Bức ảnh có hai con người khóc và một day dứt đăm chiêu bỗng biến thành câu hỏi: Tại sao không được, hở những kẻ lớn vô tình?

 
Bài: Việt Linh

logo


From the same category