Lồng tiếng trong phim Việt: Đèm đẹp, đều đều, chuẩn mực đến phát bực

long-tieng-trong-phim-viet-1

Không ai biết giọng thật của diễn viên

Lồng tiếng hay ADR (Automatic Dialogue Replacement) là thuật ngữ kỹ thuật dùng trong điện ảnh, truyền hình, thậm chí cả trên sân khấu nhạc kịch khi diễn viên chính không hát được như ý muốn.

Ở Việt Nam, lồng tiếng đã ăn sâu bắt rễ từ rất lâu trong điện ảnh lẫn truyền hình. Thời hoàng kim của kỹ thuật này là đầu thập niên 1990, gắn liền với giai đoạn phim “mì ăn liền” phủ sóng mọi gia đình, mọi rạp chiếu. Thời kì đó, mỗi bộ phim kể từ lúc bấm máy đến khi phát sóng chỉ mất 7 đến 10 ngày. Thời gian sản xuất gấp rút kéo theo việc 100% phim muốn ra mắt đều phải lồng tiếng mới kịp tiến độ.

Điều đó có nghĩa là suốt thời kì hưng thịnh của dòng phim “mì ăn liền”, không một khán giả nào được biết giọng thật của dàn ngôi sao chiếm lĩnh màn bạc như Lý Hùng, Việt Trinh, Thu Hà, Diễm Hương, Y Phụng, Mộng Vân… Phim này nối tiếp phim kia, họ không có ý định và cũng chẳng đủ thời gian để tự lồng tiếng cho vai diễn của mình mà hoàn toàn phó thác cho đội ngũ diễn viên lồng tiếng hùng hậu (99% trong số đó xuất thân từ trường sân khấu). Chỉ có Lê Công Tuấn Anh do xuất thân là diễn viên kịch nên thời gian đầu anh luôn xin được tự lồng tiếng cho mình. Thế nhưng đến khi chạy show đóng phim không kịp thở, anh cũng đành để dành việc này cho người khác.

Do được đào tạo bài bản nên các diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp luôn làm việc của mình rất tốt. Nhiều khi giọng nói của họ còn cứu được cả một vai diễn dở tệ. Điều này dẫn đến một hệ lụy: nhiều diễn viên diễn xuất hời hợt vì ỷ đã có hậu kì lồng tiếng cứu. Ngay cả khi dòng phim “mì ăn liền” thoái trào, phim truyền hình lên ngôi, hiện tượng này vẫn không ngừng tiếp diễn.

long-tieng-trong-phim-viet-2

Giọng nói là bản sắc

Bộ phim kinh điển của Hollywood “Singin’ in the Rain” từng kể lại một câu chuyện dở khóc dở cười: các ngôi sao thần tượng phim câm gặp cú sốc khi phải chuyển sang dòng phim có tiếng nói, khán giả lúc này đã “ngã ngửa” khi nghe được giọng nói thật không mấy hay ho của những người mà mình từng đem lòng hâm mộ.

Kể từ khi âm thanh bắt đầu xuất hiện trong điện ảnh, các diễn viên Hollywood đã có ý thức rất rõ về bản sắc giọng nói của mình. Họ hiểu rằng giọng nói trên phim và ngoài đời phải là một. Khán giả thậm chí chỉ cần nhắm mắt nghe giọng là đã biết ai đang đứng trước khung hình. Vậy nên trong làng điện ảnh thế giới, chẳng có chuyện diễn viên để người khác lồng tiếng cho mình. Jodie Foster và Natalie Portman thậm chí đề nghị được tự lồng tiếng trong bản phim chiếu ở Pháp bởi họ có khả năng nói ngôn ngữ này.

Còn nhớ ngày mới về Việt Nam, tiếng Việt của Kathy Uyên vẫn chưa tốt. Lúc đó, cô được mời tham gia một series phim truyền hình. Sau khi đọc kịch bản, Kathy Uyên nói rằng cô rất thích nhưng vẫn phải từ chối vì thời gian từ lúc đó đến khi bấm máy không đủ để cô trau dồi tốt tiếng Việt. Nhà sản xuất trấn an rằng sẽ có người lồng tiếng thay, cô càng quyết liệt từ chối: “Nếu lồng tiếng thì chính Uyên phải tự lồng tiếng cho mình. Uyên không cho mượn giọng, cũng không thích mượn giọng người khác nhét vô miệng mình. Nếu tiếng Việt của mình chưa đủ tốt, thì mình càng phải cố gắng học để đóng phim Việt”.

Cũng có lý do rằng, bởi diễn viên bị nói tật hoặc có giọng nói không hay nên mới cần thay bằng giọng người khác. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Phim ảnh cũng giống như cuộc sống, phải đầy màu sắc và không hoàn hảo, chứ không phải bật ti vi lên, chỉ thấy toàn những chất giọng đẹp, lối phát âm tròn vành rõ chữ, chẳng phân biệt nhân vật có xuất thân giàu sang hay nghèo khó, là nông dân hay người thành thị, ít học hay học cao… Tất cả giọng lồng trên phim Việt đều đang đèm đẹp và chuẩn mực đến phát bực!

Giữ giọng nói cho mình là điều mỗi diễn viên phải ý thức, bởi giọng nói trước tiên là chữ ký bản quyền của mỗi người. Thử tưởng tượng xem, liệu khán giả có chấp nhận ai đó lồng tiếng cho Hoài Linh hay Xuân Hinh không?

long-tieng-trong-phim-viet-3


From the same category