Lông thú và những cuộc chiến không hồi kết

Với những thương hiệu tên tuổi như Fendi, lông thú là chất liệu sáng tạo thú vị và là nguồn thu lợi nhuận khổng lồ. Một bộ sưu tập không còn bị đóng khung trong những thiết kế áo khoác đồ sộ mà còn có váy, túi xách và thậm chí những chiếc đầm cocktail được làm thủ công từ lông chồn, cáo và chinchilla. 

Bộ sưu tập đánh dấu chặng đường 50 năm làm việc tại Fendi của Karl Lagerfeld. Được xem như tác phẩm nghệ thuật chắt lọc từ những tinh hoa, mỗi mẫu thiết kế phải tiêu tốn trung bình 600 giờ lao động để hoàn thành. 

Không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật, thời trang lông thú còn thể hiện được sự chuyển biến mang tính thời đại. Rob Cahill, nhà đấu giá lông thú khu vực Bắc Mỹ, nhấn mạnh diện mạo mới mẻ của lông thú trong những bộ sưu tập đương đại, điều đã khiến người ta sẵn sàng đổ tiền vào nó:“Chúng không còn là những chiếc áo khoác lông đồ sộ của bà, của mẹ. Những bộ sưu tập của Thom Browne hay Emilio Pucci đã đưa kĩ thuật đan màu cho lông thú vào để tạo nên hiệu ứng đẹp mắt, không còn cảm giác nguyên thủy của lông thú mà là sản phẩm đan móc thủ công tinh xảo.” 

Khách hàng quen thuộc của phân khúc thời trang lông thú gồm những ngôi sao đình đám như Kate Moss, Rihanna, Katy Perry,… Khi đến tham dự show diễn đồ nam của Louis Vuitton vừa qua, Kate Moss đã diện một thiết kế áo khoác đồ sộ, đẳng cấp. 


Cô con gái rượu của Kim Kardashian – North West cũng sớm nhận được sự chú ý vì phong cách thời trang xa xỉ của mình. 

Bị gọi là “kẻ không có trái tim”, Karl Lagerfeld “phản pháo”: “Rất dễ để mở miệng nói không với lông thú. Nhưng đây là một nền công nghiệp. Ai sẽ trả công cho những người thất nghiệp ngoài kia nếu thị trường lông thú bị đàn áp? Họ săn bắn cả đời để kiếm sống, rồi đột nhiên mất đi nguồn thu nhập chính của mình, mọi thứ sẽ như thế nào? Nghĩ đi, không phải ai cũng là Bill Gates.”


Karl không được lòng những hội bảo vệ động vật. Nhưng với các tín đồ thời trang, Karl rõ ràng là “ông hoàng”.

Tuy nhiên, đằng sau những sản phẩm từ lông thú thường liên quan đến hành động ngược đãi động vật, chưa kể đến quá trình xử lý gây hại đến môi trường. Chính vì vậy, nó bị xem như một phát kiến lỗi của con người trong rất nhiều thập kỉ, bị lên án nặng nề và thậm chí các tín đồ mặc lông thú từng bị người biểu tình ném sơn vào người. Sự hiện diện ngày càng nhiều của lông thú trong thị trường thời trang cao cấp hoàn toàn không mang chút dấu ấn thời đại về ý thức xã hội và sinh thái.


Chiến dịch “Fur Is Dead” nổi tiếng của PETA lột tả trần trụi mặt trái của những món đồ thời trang lông thú. 


“Rather Go Naked Than Wear Fur” cũng là một chiến dịch gây được tiếng vang của PETA khi có sự góp sức của những cái tên đình đám như: Dominique Swain, Pamela Anderson, Kim Basinger, Christy Turlington, Imogen Bailey, Christina Applegate, và Holly Madison.

Nếu thời trang có một Karl Lagerfeld khó lay chuyển, thì cũng có một Stella McCartney dũng cảm đứng về bên kia chiến tuyến. “Nếu có chung cảm nhận với tôi, bạn sẽ không bao giờ chọn những sản phẩm từ lông thú thật sau khi biết rõ những đau đớn mà động vật phải chịu đựng,” nhà thiết kế Stella McCartney chia sẻ. 


Stella McCartney (thứ hai từ phải sang) là nhà thiết kế “mẫu mực” rất được lòng PETA với những thiết kế không sử dụng chất liệu từ việc giết mổ động vật. Cô cũng là một người ăn chay trường. 

Bài: Thy Lam

Ảnh: Dailymail, Ghetty

logo


From the same category