“Lone Survivor”: Sống để sót lại những câu chuyện quý


Chuyện của người sống sót

Với hầu như mọi bộ phim, việc tiết lộ diễn biến câu chuyện và kết thúc là điều cấm kỵ. Nhưng với “Lone Survivor”, tác phẩm của đạo diễn Peter Berg, thì ngược lại. Ngay tên phim đã chẳng giấu giếm: Cuộc đụng độ sẽ chỉ còn một người sống sót.

Câu chuyện phim cũng không có gì phức tạp. Bắt đầu là hành trình bốn thành viên của đội đặc nhiệm SEAL từ căn cứ Bagram tiến đến vùng núi Afganistan để nhận diện, tiêu diệt thủ lĩnh cấp cao Ahmad Shah của Taliban. Đây là kẻ chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng chục binh sĩ Mỹ.

Không may cho bốn con người này, họ bị kẻ địch phát hiện sau khi thả những thường dân mà họ vô tình bắt gặp trên đường tiến quân. Cả đội đặc nhiệm bị phiến quân Taliban có vũ khí và lực lượng áp đảo tấn công. Trong khi chờ chi viện, họ đã chiến đấu anh dũng và cuối cùng chỉ có một người sống sót, đó là Marcus Luttrell, người sau này đã viết tự truyện về chiến dịch có tên Red Wings (Đôi Cánh Đỏ).

Cốt truyện và diễn biến như vậy xem ra khó mà thuyết phục được số đông công chúng kéo đến rạp để thưởng thức bộ phim. Cũng theo nội dung đó, có chăng, giống nhiều tác phẩm liên quan mật thiết đến tình hình an ninh chính trị của Mỹ khác, phim chỉ được xem nhiều tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, khán giả chớ vì điều đó mà bỏ qua “Lone Survivor”. Đây không phải một bộ phim tạo kịch tính qua những màn đọ súng như thường thấy trên Cinemax. Điều khiến tác phẩm này được đánh giá cao chính là cách dẫn dắt, kể chuyện và ngôn ngữ điện ảnh sống động. Từ khi nhóm đặc nhiệm bốn người được thả từ trực thăng xuống khu vực gần biên giới Pakistan rồi bị phát hiện, đấu súng, bộ phim thuộc thể loại tâm lý – hành động – tiểu sử này mang tới rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau cho người xem.

Đạo diễn mở đầu phim theo mô típ cũ, có thể gặp ở nhiều phim có câu chuyện tương tự, đó là tái hiện cuộc sống thường nhật, bình yên, với những niềm vui bình thường của những người lính đặc nhiệm trước biến cố. Ở đó có tình đồng đội, những thú vui đơn giản, những lời hẹn với người thân yêu và mơ ước về hạnh phúc nơi xa. Qua đây, khán giả có đủ những hình dung ban đầu về bốn nhân vật chính Marcus Luttrell (Mark Walberg), Micheal Murphy (Taylor Kitsch), Danny Dietz (Emile Hirsch), Matt “Exe” Exelson (Ben Foster) và người đội trưởng đội đặc nhiệm Erik Kristensen (Eric Bana).

Cách ứng xử, sự hi sinh, tinh thần chiến đấu quả cảm của con người được khắc hoạ thuyết phục và truyền cảm qua hai trường đoạn đáng nhớ. Đầu tiên là khi Murphy, Dietz, Axe và Luttrell, dưới sự chỉ huy của Kristensen, đã xâm nhập thành công mục tiêu, nhưng họ bị ba người chăn dê bắt gặp. Lúc này, bốn con người đứng trước thế lưỡng nan trước sự đánh đổi mạng sống và thực thi nguyên tắc đạo đức. Điều này có phần giống nhiều tình huống chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Ta chỉ có thể biết đâu là lựa chọn thấu lý đạt tình khi toàn bộ sự việc liên quan khép lại, hoặc chúng ta không bao giờ có cơ hội để phán xét, phân minh.

Trường đoạn thứ hai, phần chính của câu chuyện là cuộc chiến đấu giữa đội đặc nhiệm bốn người và những phiến quân Taliban áp đảo cả về lực lượng và vũ khí. Phim ảnh có rất nhiều cuộc chạm trán, đấu súng tương tự, nhưng cuộc đụng độ ở “Lone Survivor” mang đến những khoảnh khắc nghẹt thở, sống động theo một cách riêng. Những cảnh quay ấn tượng cũng góp phần thể hiện đậm nét hơn tính chân thực, khốc liệt của cuộc chiến.

Phía sau sự phô diễn sức mạnh Mỹ     

“Lone Survivor” nếu kén khán giả thì cũng vì nó đi sau rất nhiều tác phẩm điện ảnh khác có đề tài tương tự. Nhìn vào mấy mùa Oscar gần đây, năm nào cũng có những tác phẩm điện ảnh khai thác những câu chuyện có thật từ chiến trường Iraq, Afganistan hay Syria. Có thể kể đến những phim để lại ấn tượng mạnh như “The Hurt Locker” (Người gỡ mìn), “Zero Dark Thirty” (30 phút sau nửa đêm), “Act of Valor” (Biệt kích ngầm)

Nhìn từ những bộ phim từng đoạt nhiều giải thưởng điện ảnh kể trên, cộng thêm một số tác phẩm gây tiếng vang lớn khác gần đây như “Argo” (Chiến dịch Argo), “Gravity” (Cuộc chiến không trọng lực), “Captain Phillips” (Thuyền trưởng Phillips)… có thể thấy toát lên một ấn tượng chung, đó là sự phô diễn sức mạnh an ninh, quân sự và chính trị Mỹ.

Trong số này, hai bộ phim có thể mang đến so sánh gần nhất với “Lone Survivor” “Zero Dark Thirty” – một tác phẩm xuất sắc, đầy “nam tính” của nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và bộ phim đang được kỳ vọng nhiều ở mùa giải Oscar tới đây là “Captain Phillips” của đạo diễn Paul Greengrass.

“Zero Dark Thirty” mang tính chất của một bộ phim độc lập, có bối cảnh giống “Lone Survivor”, cũng có đề tài về một nhóm đặc vụ truy tìm trùm khủng bố của Al-Qaeda. Ở đó, sức mạnh Mỹ được thể hiện qua câu chuyện của Maya (Jessica Chastain), nữ chuyên gia phân tích của CIA.

“Captain Phillips” có bối cảnh ngoài biển khơi, khác với “Lone Survivor”, nhưng đều có đối tượng được nhắc đến là Lực lượng Triển khai Chiến tranh đặc biệt Hải quân Hoa Kỳ (SEAL). Nhiều tài liệu đã gọi đây là “binh đoàn tinh nhuệ nhất thế giới”.

Cứ theo những bộ phim kể trên thì thấy, về sau, chúng đều đoạt giải thưởng ở các hạng mục khác nhau của điện ảnh Mỹ. Như “Argo”, bộ phim về chiến dịch giải thoát con tin ngoại giao của Mỹ ở Iran, còn trở thành phim xuất sắc nhất của Oscar năm qua. Có lẽ các bộ phim này có công truyền bá sức mạnh Mỹ nên ít nhiều đã được thiên vị.

Thế nhưng không phải tất cả các tác phẩm đó chỉ mải mê phô diễn và phô trương sự tinh nhuệ của lực lượng an ninh, quân sự Mỹ. Vẫn có những tiếng nói khác ở đây, ví như ở “Captain Phillips”, bên cạnh việc “uy hiếp” kẻ thù và khán giả bằng lực lượng SEAL thì còn có tiếng nói phản biện, có góc nhìn khác về mặt trái của “sức mạnh Mỹ” từ người Somalia. Hay ở “Lone Survivor” còn có góc nhìn khác về những người dân Afganistan ở ngôi làng hẻo lánh của tỉnh Kunar, gần biên giới Pakistan.

Nếu đoạn bốn đặc vụ chiến đấu với quân Taliban là đoạn quan trọng nhất phim thì đoạn hạ sĩ Marcus Luttell được những người dân bình thường che chở là đoạn để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc hơn cả, giúp “Lone Survior” trở thành một bộ phim tốt và ở đó ngôn ngữ điện ảnh cất lên tiếng nói.

Cũng qua đây, khán giả sẽ hiểu hơn về những người dân có ánh mắt buồn, sống ở nơi mưa bom bão đạn xa xôi. Và cũng không hẳn vì sống theo một điều luật được gọi là “Pashtumwali” mà họ hết lòng bảo vệ người gặp nạn bằng tấm lòng nhân ái…

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: MSD


logo

 >>> Có thể bạn quan tâm: Đến phần thứ hai, “The Hobbit: The Desolation of Smaug” (Người Hobbit: Đại chiến với rồng lửa) tiếp tục chứng minh sức hấp dẫn, sự kỳ công và cả mức độ “nam tính” của bộ ba tác phẩm danh tiếng.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!


From the same category