Lời ru buồn ...! - Tạp chí Đẹp

Lời ru buồn …!

Tin Tức

Thế nhưng, bất chấp hậu quả đã được cảnh báo, hàng ngày, nhiều cô gái ở các vùng nông thôn vẫn ấp ủ ước mơ lấy chồng ngoại để đổi đời. Đằng sau những câu chuyện đó là những mảnh đời cay đắng, bị đẩy vào địa ngục…

 

 Phong trào lấy chồng nước ngoài không giảm nhiệt

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, phong trào kết hôn của phụ nữ vùng nông thôn đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu manh nha từ khoảng cuối những năm 90 thế kỷ trước. Như ở địa phương có tỷ lệ cao nhất là tỉnh Hậu Giang, thời điểm đó bình quân mỗi năm mới có khoảng từ 600 đến 700 trường hợp phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài. Ngoài ra, theo khảo sát trường hợp các cô gái có hoàn cảnh khó khăn, không việc làm, bị cha mẹ ép gả chiếm đến 80% trường hợp kết hôn với người nước ngoài.

Ở những địa phương nghèo, chủ yếu sống bằng làm ruộng, đời sống khó khăn và buồn tẻ, ban đầu có một số ít trường hợp đi lấy chồng nước ngoài và gởi tiền về quê cho gia đình thay đổi phần nào cuộc sống, đã trở thành tiên phong, nỗi khao khát lấy chồng nước ngoài trở thành rầm rộ. Thậm chí nhiều gia đình ép buộc con gái mình phải đi lấy chồng nước ngoài chỉ đế có tiền gởi về cho cha mẹ đổi đời. Hậu quả là đa số các cô gái không tìm hiểu và cũng không có cơ hội tìm hiểu về những người chồng tương lai, vì thế rất nhiều trường hợp phải lấy những người chồng bị tàn tật, bệnh tâm thần, và đa số chàng rể là những người sống dưới mức nghèo khổ, bị rẻ rúng ở nước họ… Bên cạnh đó, cũng đã kéo theo thực tế là bắt đầu có những trường hợp bị dụ dỗ, lừa đảo môi giới lấy chồng ngoại nhưng thực chất để bán sang nước ngoài vào các động mại dâm.

Khoảng từ năm 2004, khi phong trào kết hôn với người Hàn Quốc, Đài Loan trở thành mốt nở rộ ở các vùng nông thôn miền Tây, các hoạt động môi giới chui, trái phép được dịp ra đời. Những kẻ môi giới đã vì lợi nhuận, bất chấp đạo đức, nhân phẩm của những cô gái Việt Nam mà thiết lập nên những đường dây môi giới trái phép một cách tinh vi. Để rồi từ đó một hay vài “chàng rể” nước ngoài dù “đui què”, hay “mẻ sứt” lại có thể một lúc được xem mắt, tuyển chọn trong số hàng chục cô gái Việt Nam với nước da trắng hồng, dáng vẻ cao ráo, xinh đẹp.

Điểm tập kết cuối cùng của những cuộc môi giới là ở TP.HCM để từ đó những đám cưới sơ sài, vội vàng sẽ được diễn ra, thì lực lượng chức năng ở đây trong những năm vừa qua cũng liên tục phát hiện, giải tán hàng loạt vụ môi giới hôn nhân trái phép. Mà trong số đó là những cô gái Việt bị coi rẻ ơ, bị những kẻ môi giới và kể cả tự nguyện sắp đặt cho những người đàn ông ngoại quốc vạch áo xem dáng dấp, nhan sắc và cuối cùng trong mấy chục thôn nữ ấy, chỉ một người đàn ông ngoại có khi là già nua, tàn tật … lại được quyền chọn lựa lấy một cô mà mình ưng nhất.

Trong một lần đi thực tế tại các điểm nóng với phong trào kết hôn với đàn ông nước ngoài ở các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệu của tỉnh Hậu Giang, người viết đã tiếp xúc với một gia đình có con gái lấy chồng Hàn Quốc. Mẹ của cô dâu này thật thà kể, sau này khi người con gái sang Hàn Quốc và được chú rể cho biết đã chi khoảng 1.500USD cho những người môi giới, thì cuối cùng số tiền mà gia đình của cô gái nhận được chỉ là 500 ngàn đồng! Thậm chí đồng nghĩa với việc cả gia đình của cô dâu sau đám cưới không có đủ tiền xe từ TP.HCM trở về quê. Rồi saud dó hai năm sau khi con gái đi lấy chồng, cô dâu này cũng chưa giúp đỡ được gia đình ở quê nhà, vì sang bên đó cũng chỉ lấy chồng nông dân, có dư dả gì mấy mà gởi tiền về quê. Thế nhưng ở quê nhà, gia đình của cô dâu này luôn tỏ ra hãnh diện với bà con làng xóm, và dường như hàng xóm cũng nể nang hơn với dạnh phận “nhà có con gái lấy chồng Hàn Quốc”.

Nhưng xem ra, dù gia đình chồng không giàu có, nhưng cô dâu này vẫn còn may mắn hơn rất nhiều trường hợp khác lấy phải những người chồng tàn tật, bệnh hoạn, thậm chí là bị đánh đập, hành hạ, và có khi cuối cùng phải đánh đổi bằng cả mạng sống …

Việc kết hôn vội vàng từ cả hai phía, rất nhiều trường hợp là người vợ ít học, không nghề nghiệp, còn người chồng tuy có mác “ngoại quốc” nhưng lại nghèo, hèn, thậm chí khiếm khuyết về nhiều mặt, và khác biệt nhau về ngôn ngữ, văn hóa nên ngay từ đầu nền tảng cuộc hôn nhân đã khập khiễng, không được đảm bảo. Cuối cùng nhiều cuộc hôn nhân đã trở thành bi kịch, người trong cuộc mà đa số là cô dâu Việt bỗng chốc rơi vào địa ngục.

Như trường hợp của cô dâu Trần Thị Thúy Hằng ngụ ở thị trấn Tân Phú (thuộc huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) kết hôn với người chồng Hàn Quốc năm cô 20 tuổi, khi ấy là một cô gái xinh đẹp, khỏe mạnh. Nhưng cũng chỉ hơn một năm sau, cô từ Hàn Quốc trở về … trên xe lăn với khuôn mặt ngây dại và không kiểm soát được hành vi. Đó là vào thời điểm tháng 9/2008, báo chí đã đưa thông tin trong thời gian chung sống với người chồng Hàn Quốc lớn hơn 16 tuổi, tưởng có vẻ đẹp trai và đàng hoàng, thì càng ngày Hằng càng phát hiện người chồng này có vẻ không bình thường, và cuối cùng anh ta phải vào viện tâm thần điều trị. Trong tình cảm chán nản nơi xứ người, Hằng đã có hành động dại dột là uống thuốc trừ sâu để tự tử, nhưng được phát hiện và đưa đi bệnh viện điều trị. Tuy nhiên, sau 4 tháng trải qua cơn thập tử nhất sinh trong bệnh viện mà người chồng tâm thần cũng chẳng hề hay biết, cuối cùng Hằng được một vị mục sư giúp đưa về trao trả lại cho gia đình cô ở Việt Nam, lúc này hằng đã trở thành thân tàn ma dại, không còn phân biệt được gì. Người mẹ chỉ biết đau buồn, khóc ròng than thở “Chỉ tại tôi nghe lời bọn môi giới mà không tìm hiểu gì về chồng của nó, nên giờ con tôi mới khổ thế này”.

Những kẻ môi giới bất nhân

Việc vội vàng kết hôn chỉ sau vài ngày thông qua môi giới mà không có cơ hội tìm hiểu, và mục đích chính của cuộc kết hôn vì tiền để được đổi đời, nên chính những cô thôn nữ ấy đã đẩy mình đến kết cục đáng thương, đau lòng. Nhiều bi kịch của một số cô dâu Việt ở nước ngoài bị hành hạ, bị bán thân, bị sát hại, khiến bao người cảm thấy xót xa.

Vụ việc nóng nhất xảy ra chưa lâu, đích thân Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã lên đài truyền hình nước này gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình cô dâu Việt bị người chồng Hàn Quốc sát hại. Cũng vào buổi phát biểu trên truyền hình ngày 26/7/2010 đó, Tổng thống Lee Myung-bak còn tuyên bố Chính phủ Hàn Quốc sẽ chấn chỉnh những trung tâm môi giới hôn nhân quốc tế của Hàn Quốc nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự. Đó là trường hợp đau lòng của cô dâu người Việt tên Thạch Thị Hồng Ngọc quê ở huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, bị người chồng Hàn Quốc mắc bệnh tâm thần sát hại vào đầu tháng 7/2010 tại thành phố Busan (Hàn Quốc). Hồng Ngọc khi ấy 20 tuổi, thông qua công ty môi giới đã vội vàng kết hôn với người chồng có tên là Jang, 47 tuổi mà không qua tìm hiểu, Jang có tiền sử mắc bệnh tâm thần, nhưng giấu bệnh, và cô dâu xấu số Hồng Ngọc đã trở thành nạn nhân trong một lần lên cơn của Jang và bị anh ta giết chết chỉ sau khi sang Hàn Quốc được đúng một tuần. Sự việc này không chỉ gây rúng động dư luận Việt Nam, mà còn gây ra cú sốc lớn trong xã hội Hàn Quốc khi bối cảnh lúc này có đến 1/4 đàn ông ở nông thôn Hàn Quốc lấy vợ nước ngoài.

Trước tình trạng phụ nữ rầm rộ kết hôn với người nước ngoài theo cấp số nhân, mỗi năm ở những điểm nóng con số đã lên đến cả chục ngàn người, và hậu quả kéo theo cũng ngày càng nghiêm trọng, các địa phương “nóng” như Hậu Giang, Cần Thơ, Tây Ninh … từng có nhiều chương trình phòng chống với sự quyết liệt của các hội đoàn, nhưng xem ra tình hình cũng không mấy cải thiện, thậm chí bọn môi giới ngày càng tinh vi hơn trong việc dụ dỗ, lôi kéo các cô gái lấy chồng ngoại. Thậm chí chính những người phụ nữ đã đi kết hôn với người nước ngoài lại trở về quê nhà, một số biến tướng thành các Tú bà đưa đẩy, lừa đảo những cô gái thôn quê thơ ngây vào các địa ngục mại dâm ở nước ngoài.

Không đâu xa, vào cuối tháng 6/2012 vừa qua, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM, đã bắt quả tang một vụ môi giới hôn nhân trái phép trong một khách sạn ở quận Tân Phú, mà trong đó có một cô gái là nạn nhân bị bọn môi giới lừa đảo. Thông tin ban đầu của cơ quan Công an cho biết, người bị điều tra về hành vi tổ chức môi giới hôn nhân trái phép là Thòng A Lộc (tự Sàng Que, 59 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tạm trú quận Tân Phú, TP.HCM), cùng sự giúp sức của đối tượng phiên dịch có tên Sú Chức Mẫn (43 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM). Hai người Trung Quốc tham gia tuyển vợ bị lập hồ sơ có tên Cen Yibin (41 tuổi) và Huang Hui Huang (27 tuổi).

Điều đáng lưu ý, đối tượng tổ chức Thòng A Lộc từng bị TAND tỉnh Tây Ninh phạt tù 3 năm về tội “đưa người trái phép sang nước ngoài” để hành nghề mại dâm. Sau khi được thả tự do, Lộc lại tiếp tục đến TP.HCM tổ chức đường dây môi giới hôn nhân trái phép. Trước khi bị bắt vào buổi chiều nói trên, Lộc và đường dây của mình đã tổ chức thành công trót lọt rất nhiều vụ môi giới trái phép cho người Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc … tuyển vợ Việt Nam.

Trường hợp cụ thể của Cen Yibin và Huang Hui Huang mới chỉ sang Việt Nam trước buổi tuyển vợ đúng một ngày. Trước đó, vì yêu cầu gấp rút của hai người Trung Quốc này, nên lộc vội vàng đặt hàng với các dầu nậu ở miền Tây, và các dầu nậu này mới cung cấp được hai “thôn nữ” có tên NTTA (23 tuổi, quê Hậu Giang) và VTCX (18 tuổi, quê Bạc Liêu) lên TP.HCM ra mắt.

Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Công an vẫn tiếp tục làm rõ thông tin mà cô VTCX khai báo là khi được đưa lên TP.HCM thì trước đó ở dưới quê cô được một người phụ nữ dụ dỗ, hứa hẹn đưa sang nước ngoài lao động với mức lương lên đến cả ngàn USD mỗi tháng. X tin tưởng nên mới theo lên TP.HCM, tuy nhiên cô bị đưa thẳng tới khách sạn để hai người Trung Quốc tuyển chọn làm vợ thì cô mới ngã ngửa. Khi X phản ứng quyết liệt đã bị Lộc và tay chân của mình ép buộc phải trình diện trước hai người đàn ông Trung Quốc. Sự việc chỉ được phanh phui và X may mắn được giải cứu khi lực lượng Công An phát hiện, ập vào bắt quả tang, giải tán buổi xem mắt này.

Trường hợp của cô X may mắ được giải cứu, nhưng còn biết bao cô gái nhẹ dạ cả tin nữa đã và sẽ có thể trở thành nạn nhân của một số kẻ môi giới bất lương? Và cứ thế những lời ru buồn về các trường hợp thôn nữ hám đổi đời bằng con đường lấy chồng ngoại cứ ngân lên, tha thiết và đau đớn.

Họa Mi
(Theo CSTT)

Thực hiện: depweb

16/07/2012, 12:39