“Lói” ngọng đâu có xấu - Tạp chí Đẹp

“Lói” ngọng đâu có xấu

Tin Tức
Và đây là chuyện ở kí túc xá lưu học sinh: Đang giờ nghỉ trưa, một sinh viên Việt Nam kêu toáng lên: “Dậy hết đi! “Thằng lào” (Thằng nào) lấy trộm quần bò của tao rồi…”. Bỗng nhiên, toàn bộ lưu học sinh Lào chạy ra và tỏ vẻ hết sức bực bội: “Cậu sao lại ăn nói hồ đồ vậy? Sinh viên Lào chúng tôi đâu đến nỗi thế?”...

Dường như ở bất kì đâu, bất kì môi trường nào, lứa tuổi nào cũng có thể bắt gặp những người nói ngọng.

Thậm chí nhiều người lớn nói ngọng còn bày tỏ thái độ khó chịu, bực bội khi bị nhắc: Nói đúng thì cũng nói được, nhưng nói thế quen rồi. Ôi dào nói ngọng nhưng viết không ngọng thì có làm sao…

 

Biển chỉ dẫn bị… ngọng

Vậy có nên coi nói ngọng là bình thường, là không xấu hay không?

Theo PGS TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình (Phó Tổng biên tập tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư): Nói ngọng, nếu nói là xấu thì hơi quá. Ngọng là phát âm không đúng so với chuẩn ngữ âm thông thường.

Về nguyên nhân, đa số là do người nói chưa quen (trẻ học nói hay người học ngoại ngữ chẳng hạn), nhưng cũng có thể ai đó mắc cố tật ở bộ máy cấu âm.

Ngọng là một lỗi ngữ âm (khác với lỗi từ vựng, lỗi ngữ pháp). Lỗi ngôn ngữ là chuyện bình thường, nhất là với những ai lần đầu học nói. Đã mắc lỗi thì phải sửa và chuyện này cũng quá ư bình thường. Nhưng nếu lỗi đó đã bị yêu cầu sửa, nhắc nhở nhiều lần thì rõ ràng đó là một thói quen xấu. Chỉ những người biết mà không sửa thì mới là xấu.

Có thể nói, với trẻ em, nói ngọng diễn ra thường xuyên (thường giảm dần khi lớn lên). Người ta đã quen với lỗi đó và nhiều khi chính sự “ngọng líu ngọng lô” của trẻ lại đem lại sự thú vị cho người lớn (vì đó là ngọng vô thức). “Trẻ lên ba cả nhà học nói”. Người lớn nhại lại lỗi nói của trẻ và đồng thời uốn nắn ngay cách phát âm sai đó.

 

PGS TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình

Tuy nhiên với nhiều trẻ thì lỗi đó thành cố tật khi lớn lên vẫn nói ngọng dễ gây phản cảm, thậm chí khó chịu cho người nghe. Thật khó chấp nhận khi ai đó, nhất là người có trình độ và cương vị hẳn hoi, mà lại nói ngọng (tới mức khó chấp nhận) khi làm diễn giả hay lên truyền hình, trước bàn dân thiên hạ.

Hiện nay một hiện tượng bất bình thường hay có thể coi là lỗi nói ngọng lớn nhất thường mắc phải là ngọng “l thành n” và “n thành l”. Cách nói này hoàn toàn chệch chuẩn ngôn ngữ nằm ngoài hệ thống ngôn ngữ và không phải là tiếng địa phương của bất kì vùng miền nào. Hầu như ở các tỉnh ở miền Bắc nước ta đều có người mắc lỗi này.

Còn nhiều lỗi khác nếu quy vào là ngọng thì chưa chắc đã đúng. Bởi vì khi ta so sánh giữa các vùng miền với nhau bằng cách nói tiếng địa phương mà ta nói rằng nói như họ là nói ngọng thì không hăn, vì đó là đặc trưng phát âm, ngôn ngữ của từng vùng miền.

Việt Nam có nhiều vùng phương ngữ với nhiều khác biệt trong đó có sự khác biệt về ngữ âm. Nhưng hiện nay, nếu ta coi tiếng Hà Nội – tiếng Thủ đô – là tiếng chuẩn để buộc tất cả các vùng miền phải nói theo thì không nên (Hiện tại, cũng chưa có nước nào có quy định lấy tiếng Thủ đô làm tiếng chuẩn để toàn dân phải theo).

Tuy nhiên, công bằng mà nói, do điều kiện về cơ cấu cư dân, về điều kiện xã hội, kinh tế, giao lưu rộng rãi… mà tiếng Hà Nội hội tụ được nhiều ưu thế do với tiếng của các vùng phương ngữ khác. Người Hà Nội nói đủ 6 thanh điệu (chỉ không phân biệt 3 âm quạt lười /r/, /tr/, /s/), từ ngữ, cách nói, lối nói, âm thanh rõ ràng, dễ nghe. Vì vậy, đa số mọi người chấp nhận một “luật bất thành văn” là coi tiếng Hà Nội là hay, là chuẩn nhất. Âu cũng là chuyện thường tình…

Nhưng cũng không phải vì thế mà coi tiếng Hà Nội là nhất nhất phải theo. Một cộng đồng ngôn ngữ phải có nhiều cách nói, không có gì buồn hơn là trong cộng đồng ngôn ngữ như tiếng Việt mà cả triệu người nói giống nhau như một. Nó sẽ làm mất đi sự phong phú, cái hay của ngôn ngữ. Vì thế mà tính đa dạng của ngôn ngữ cần được tôn trọng. Chuyện “ai cũng nói giống như ai” trong một cộng đồng cư dân phức tạp là hoàn toàn không có trên thực tế.

Nguyên nhân của việc nói ngọng ngày càng gia tăng trong tiếng Việt hiện nay là do ảnh hưởng và thái độ của chính cộng đồng đó. Ví dụ: Trong gia đình, bố mẹ ông bà, anh chị nói ngọng thì đứa trẻ sinh ra chắc chắn sẽ nói ngọng vì nó sống, giao tiếp và chịu ảnh hưởng của cách phát âm đó trong gia đình mình.

Khi ra xã hội, đi học chẳng hạn, đứa trẻ có điều kiện trau dồi tốt hơn. Lúc đó, chính nhà trường (mà cụ thể là thầy cô giáo) phải coi việc uốn nắn cách phát âm là nội dung cơ bản của giáo dục ngôn ngữ.

Dĩ nhiên, khi trẻ lớn lên, việc bắt nó sửa hoặc thay đổi lối phát âm rất là khó vì nó đã hình thành như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức. Phải làm cho trẻ tự nhận ra lỗi này và có thái độ hợp tác trong việc sửa sai. Chỉ khi nào người ta hiểu rằng, nói ngọng như là một lỗi cần phải phạt, một lỗi “đáng xấu hổ” thì người ta mới ý thức được điều mình cần làm, từ đó mà tự điều chỉnh hành vi sao cho đúng.

Thái độ của cộng đồng lúc này cũng rất quan trọng. Nó trở thành áp lực, buộc “đương sự” phải thay đổi cho phù hợp. Tránh tình trạng “cả làng nói ngọng chứ mình em đâu”. Ai cũng ngọng thì còn gì để nói nữa? “Hòa cả làng” mà…”

Theo Bee

Thực hiện: depweb

09/07/2012, 14:12