Lối nào cho y học cổ truyền VN?

Có ý kiến cho rằng y học cổ truyền chúng ta đang suy, nếu các cơ quan chức năng không có một nghiên cứu, đánh giá và đầu tư đúng mức thì không biết y học cổ truyền sẽ đi về đâu. Là một người tâm huyết, BS.CK2 Đỗ Hữu Định, nguyên phó viện trưởng viện Y học dân tộc TP.HCM, đã trao đổi với phóng viên chúng tôi.

Phòng thuốc đông y từ thiện tại Linh Quang tịnh xá, TP.HCM. Ảnh: Trần Việt Đức 

Ông nói: Nếu đam mê và đi sâu vào nghiên cứu để chữa bệnh mang lại lợi ích cho dân thì đông y thật sự hay. Y học cổ truyền Việt Nam có từ lâu đời, được các thế hệ thầy thuốc công phu gầy dựng, tiêu biểu như lương y Tuệ Tĩnh với câu nói nổi tiếng “nam dược trị nam nhân” và nhiều lương y tên tuổi khác.

Trong kháng chiến chống Pháp, Nam bộ đã khơi nguồn cho y học cổ truyền phát triển và là nền y học cách mạng đi bằng hai chân: một chân là đông y và chân kia là tây y. Tôi đã từng cấy philatop vào bụng cho bệnh nhân để chữa bệnh sốt rét và những bài thuốc đông y chữa đậu mùa, dịch tả…

Hầu hết các giáo sư đầu ngành về y học cổ truyền đều đi học ở Trung Quốc về và dựa trên nền tảng đó chúng tôi đã nghiên cứu, xây dựng và phát huy nền y học cổ truyền Việt Nam trong thời gian dài.

– Đông y Trung Quốc được đánh giá cao, nhưng theo ông, vì sao các “phòng khám đông y Trung Quốc” tại Việt Nam vừa qua có quá nhiều bê bối?

– Khi đoàn cán bộ y tế Việt Nam, trong đó có tôi, đi tham quan về đông y Trung Quốc, chính bộ Y tế Trung Quốc cho biết, chỉ 25% thầy thuốc và dược liệu bên đó là thật, còn lại là dỏm và giả. Những người tài họ ở lại đất nước phục vụ cho dân còn không hết, lấy đâu sang nước mình.

– Tình hình nghiên cứu về y học cổ truyền Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

– Không có người nghiên cứu, thiếu phương pháp, thiếu chuyên sâu và thiếu chiến lược phát triển. Có hiện tượng là thế hệ sau chúng tôi họ ít nghiên cứu căn bản, chuyên môn không giỏi và không chứng minh được bệnh nào chữa dứt điểm bằng những phác đồ điều trị khỏi bệnh 100%.

Các viện y học dân tộc và bệnh viện y học cổ truyền cũng ít có công trình nghiên cứu và cũng ít mời những người có kinh nghiệm tham gia nghiên cứu hay nói chuyện về các bài thuốc, nên tôi thấy uổng.

– Vậy, giải pháp nào để khôi phục và phát triển ngành đông y Việt Nam?

– Theo tôi, cần có một thầy thuốc đông y giỏi làm thứ trưởng bộ Y tế phụ trách về đông y, như thế mới sâu sắc về y học cổ truyền. Các tỉnh/thành cần có một phó giám đốc phụ trách về đông y, giỏi về đông y. Xây dựng nền đông y phải từ trạm y tế phường/xã để châm cứu, bấm huyệt, bốc thuốc với những bài thuốc cơ bản của lang y ngày xưa trị những bệnh thông thường áp dụng cho tuyến cơ sở, giúp đồng bào phòng bệnh. Nhà nước đồng thời phải định hướng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho dân từ thuốc nam.

Bộ Y tế phải suy nghĩ và kiểm điểm lại xem vì sao có ban bệ, có đường hướng nhưng làm kém. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh đào tạo. Khoa y học cổ truyền của các trường phải mở rộng ra, phải đào tạo có chất lượng và giáo dục ý thức dân tộc cho lương y, bác sĩ đầy đủ. Sinh viên, viện, trường về y học cổ truyền phải có nghiên cứu khoa học, phải có bằng chứng chữa khỏi bệnh để dân tin.

 Còn hình thức

Theo thống kê của sở Y tế, hiện TP.HCM có hai bệnh viện chuyên khoa về y dược học cổ truyền, là viện Y học dân tộc và bệnh viện y học cổ truyền. Mười bệnh viện đa khoa có khoa Y học cổ truyền và có 1.631 cơ sở y học
cổ truyền tư nhân. Tuy nhiên, vẫn còn 12/23 bệnh viện quận/huyện chưa có khoa y học cổ truyền; 116/322 trạm y tế phường/xã chưa có bộ phận khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.

Để chăm lo cho nền y dược học cổ truyền, nhiều năm qua ngành y tế TP.HCM đã triển khai kế hoạch “Vườn cây thuốc nam” trồng tại một số xã ở ngoại thành. Theo kế hoạch này, khi mô hình các vườn cây thuốc nam phát triển tốt sẽ nhân rộng cho tất cả các phường/xã khác. Vườn cây thuốc nam với ý nghĩa để cho người dân biết, tự trồng lấy và phòng, chống bệnh tật ban đầu.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trạm y tế xã/phường có diện tích quá nhỏ, không có đất để trồng cây, một số xã xin bỏ vì… không có người chăm sóc.

 

GS.BS Trần Văn Kỳ, nguyên viện trưởng viện Y học dân tộc TP.HCM:

Đường lối tốt nhưng thực hành chưa tốt

Chính sách của Nhà nước đề ra từ năm 1960: cần xác định bệnh nào chữa bằng đông y, bệnh nào chữa bằng tây y, bệnh nào chữa đông tây y kết hợp và phải xây dựng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, đến nay chưa ai nhận thức, chưa ai thống nhất được vấn đề đó.

Nhà nước ta vẫn đề cao đông y và thúc đẩy kết hợp giữa đông và tây y, như gần đây có giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông” để động viên những người đam mê nghiên cứu đông y, có công tác tốt thúc đẩy nền đông y phát triển. Tuy nhiên, trong lần phát thưởng vừa qua, ngành y tế đề xuất 100 người được giải thưởng, phần lớn là những cán bộ lãnh đạo của các tỉnh. Giải thưởng như vậy là chưa có tác dụng.

Để có nền đông y tốt, bộ Y tế cần phải có những hội nghị chung để những người có kinh nghiệm, những bậc lão thành, những người có tâm huyết đóng góp ý kiến, đưa ra những biện pháp cụ thể của từng cấp phải làm gì và làm như thế nào. Bên cạnh đó, ngành y tế phải đào tạo lại vấn đề thực hành trong viện – trường, kết hợp giữa đông – tây y, cố gắng phát huy cây thuốc của mỗi địa phương và có những đề tài nghiên cứu khoa học về cây đó.

 

Theo SGTT


From the same category