Thay đổi thời gian và cách phân bổ dinh dưỡng cho từng bữa
Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng một bữa sáng đủ dinh dưỡng. Nhiều người có thói quen ăn nhiều vào bữa tối để sáng mai đỡ phải ăn hoặc ăn qua loa cũng được. Quan niệm này là phản khoa học vì ban đêm, cơ thể cần ít năng lượng hơn và cần nhất là được thực sự nghỉ ngơi. Trong khi đó, thức ăn của bữa sáng mới là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động suốt ngày dài.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, buổi sáng chính là khoảng thời gian con người làm việc và hoạt động nhiều nhất. Nếu bỏ bữa sáng, nhất là người già và trẻ em, sẽ rất mệt mỏi, làm việc không tập trung. Những người trẻ và trung niên hay bị tình trạng “no dồn đói góp”, mất cân bằng dinh dưỡng, kém tỉnh táo, giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ kết sỏi ở ruột, nghẽn mạch máu, tăng cân, đồng thời đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.
Hãy chia ba bữa ăn chính trong ngày như hiện tại thành 4-5 bữa nhỏ. Rèn cho mình thói quen chỉ ăn khi thấy đói và dừng lại khi cảm thấy đã đỡ đói chứ không phải chỉ dừng lại khi bụng đã no căng. Các bữa nhỏ có lượng thức ăn giảm xuống nhưng cần đảm bảo bữa nào cũng đủ dinh dưỡng, nhất là protein.
Protein sẽ đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể tốt hơn so với cacbohydrat hay chất béo. Vì vậy, nó vừa giúp bạn xua đi cơn đói, vừa không làm tăng cân do ăn vượt tiêu chuẩn. Các nguồn protein dồi dào, an toàn và tiện ích là: sữa chua, phô-mai, các loại hạt, đậu…
Ngủ đủ 8 tiếng/ngày để tránh gây mệt mỏi cho cơ thể. Không nên ăn khi đang stress, căng thẳng. Nếu bạn đang gặp nhiều chuyện lo lắng, hãy thực hiện một số biện pháp thư giãn tinh thần như nghe nhạc, đọc vài mẩu truyện hay, nhớ đến những kỷ niệm vui với bạn bè, người thân, ngồi thiền (15-30 phút) hoặc đơn giản chỉ cần hít thở sâu trong 5 phút, sau đó mới ngồi vào bàn ăn.
Xây dựng thói quen ăn ở bàn, không vừa ăn vừa kết hợp làm việc khác như đọc báo, xem tivi, nghe nhạc. Sự mất tập trung trong khi ăn có thể khiến dạ dày hoạt động nhiều, tăng tiết dịch vị, gây đau dạ dày. Hơn nữa, sự mất tập trung trong khi ăn sẽ ảnh hưởng đến không khí chung của bữa ăn trong gia đình. Nếu bạn thường xuyên phải ăn một mình, hãy cố gắng điều chỉnh sao cho có thể ăn cùng với gia đình và bạn bè nhiều hơn.
Thay đổi cách cảm nhận về cảm giác no, đói và khát
Bất cứ khi nào cảm thấy thèm ăn, hãy dành chút thời gian để nghĩ xem mình có đang thực sự đói hay không. “Cảm giác đói là cách cơ thể báo rằng bạn đang cần năng lượng. Tuy nhiên, đôi khi cảm giác bụng cồn cào như đói không phải do cơ thể cần năng lượng mà vì một nguyên nhân khác như căng thẳng thần kinh, đói ảo giác, ăn vặt quen miệng…
Những lúc như vậy, việc ăn thêm sẽ không giải quyết được gì. Đó là lý do vì sao khi đói, bạn ăn ngay một thứ gì đó và ăn thật no nhưng sau đó lại cảm thấy mệt mỏi, khó thở và vẫn có cảm giác bụng cồn cào.
Nếu đáp ứng không đúng “tiếng gọi của dạ dày” sẽ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa, khó tiêu, đau dạ dày và tăng cân nhanh chóng. Bạn cần rèn luyện cho mình thói quen không ăn linh tinh và ăn luôn miệng. Điều này sẽ làm dạ dày hoạt động nhiều hơn và đảo lộn các dấu hiệu cần năng lượng của cơ thể. Chỉ ăn khi cảm thấy đã hết đói (không phải dừng lại khi đã no căng bụng). Bạn nên cẩn thận với những món ăn nhẹ ban đêm.
Sau khi ăn là khoảng thời gian bạn hay ăn vặt nhất vì đó là lúc được thư giãn, nghỉ ngơi và có nhiều hoạt động làm nảy sinh nhu cầu ăn uống. Thời điểm này, không nên ăn những món nhiều đường, nhiều tinh bột như khoai tây chiên, snack hay bánh mà chỉ nạp những loại bánh ít calo hoặc một nửa cốc kem, sữa ít béo.
Ngoài ra, chúng ta còn hay lẫn lộn hai khái niệm đói và khát. Đôi khi, bị khô miệng, chúng ra lại ăn chút gì đó hoặc uống nước có đường, calo, trong khi một cốc nước lạnh lúc đó mới là câu trả lời cho những gì bạn cần.
Nếu bạn không thích nước trắng, hãy thử thêm vài giọt chanh, muối cho thêm vị, lại có tác dụng trung hòa điện giải. Trà xanh hoặc các loại trà ướp hương đào/xoài giúp tăng mùi vị nhưng không chứa calo làm tăng cân.