Nếu chạy đua với dịch vụ khách sạn mà quên đi chất lượng điều trị, bệnh nhân dễ bị rủi ro. Ảnh minh họa: Lê Nguyễn.
Sau khi thẩm định, đánh giá các dịch vụ phục vụ bệnh nhân trong bệnh viện như một khách sạn, ngày 4-11-2008, Tổng cục Du lịch đã ký quyết định công nhận “khách sạn Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vũ Anh” ở đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TPHCM.
Theo đó, quyết định này công nhận Bệnh viện Vũ Anh là bệnh viện đạt chuẩn “5 sao”. Theo tìm hiểu, BV Vũ Anh được công nhận là “khách sạn bệnh viện” chứ không phải là “bệnh viện khách sạn”.
Điều này đồng nghĩa việc xếp hạng của Tổng cục Du lịch dựa trên tiêu chí cơ sở lưu trú của khách, những phòng lưu trú điều dưỡng có chất lượng tốt như khách sạn 5 sao chứ không đánh giá, xếp hạng nơi khám bệnh, nơi phẫu thuật hay điều trị.
Trong khi đó, BV phụ sản quốc tế Sài Gòn ở quận 1, TPHCM lại được Bộ Y tế cấp phép “bệnh viện khách sạn” với tiêu chuẩn “4 sao”.
Theo Bộ Y tế, việc cấp phép này phải đảm bảo tốt cả 2 tiêu chuẩn cơ bản về cung cấp dịch vụ y tế và cung cấp một số dịch vụ khác.
BV Triều An ở quận 6, TPHCM cũng đưa vào khu khám bệnh cao cấp và được nơi này cho biết là “bệnh viện khách sạn” với 16 khoa điều trị cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong và ngoài nước. Theo đại diện BV Triều An thì tiêu chuẩn cấp “bệnh viện khách sạn” do Bộ Y tế cấp phép.
Nói về bệnh viện như khách sạn, đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng việc cấp “sao” cho bệnh viện được xem xét dựa trên tiêu chí như bệnh viện trên 100 giường, các thiết bị, tiện nghi tốt, chất lượng dịch vụ đạt chuẩn, dịch vụ chăm sóc, ăn uống tốt…
Còn liên quan đến hoạt động khám chữa bệnh thì do Bộ Y tế quản lý. Trong khi đó, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho đến nay chưa xếp hạng gắn “sao” cho các bệnh viện.
Vì vậy, Bộ Y tế chỉ đánh giá xếp loại bệnh viện theo các mức: Tốt, khá, trung bình và yếu, với thang điểm chuẩn tối đa là 100 điểm. “Từ đây, Bộ Y tế sẽ tiến hành xếp hạng bệnh viện theo mức: Hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2 cho tới hạng 4”- một bác sĩ ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đánh giá và gắn “sao” cho bệnh viện do Tổng cục Du lịch thực hiện không có gì liên quan tới chuyên môn khám chữa bệnh. Cũng theo bác sĩ này, cho dù bệnh viện gắn “5 sao” nhưng khi lực lượng y tế đi kiểm tra các tiêu chí về chuyên môn y tế nếu không đạt yêu cầu cũng sẽ bị xếp loại yếu.
Có tiền chưa chắc đã yên tâm
Bác sĩ Đ.B., công tác ở một bệnh viện công tại TPHCM cho biết, việc ra đời bệnh viện sao chỉ dựa vào những tiêu chí của khách sạn rất dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh. “Bệnh viện sao là nơi dành cho những người giàu có, muốn dịch vụ nghỉ ngơi hơn là điều trị”– bác sĩ này nói.
Bác sĩ H. công tác ở BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết những bệnh viện khách sạn giờ đây làm đủ mọi cách để bệnh viện như khách sạn. Đó là khử mùi bệnh viện, tăng không gian xanh, đặc biệt là nhân viên, bác sĩ luôn nở nụ cười trong giao tiếp.
Tuy nhiên theo bác sĩ H. chăm sóc dịch vụ như khách sạn mà không đầu tư cho điều trị thì khó thu hút bệnh nhân, tạo niềm tin cho người bệnh cho dù ở đó là khách sạn “5 sao”.
Anh Thanh, 42 tuổi ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, bà ngoại của mình đã tử vong ở BV FV, TPHCM (Tiền Phong đã phản ánh) vào tháng 5 vừa qua có phần lỗi do những người thân trong gia đình quá tin vào cái mác “bệnh viện đẳng cấp quốc tế”.
“Khi bà bị gãy xương đùi, tôi nói dẫn bà sang BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM nhưng những người trong gia đình sợ bệnh viện quá tải. Hơn nữa, con cháu cũng mong báo hiếu người thân nên đưa vào BV FV để hưởng dịch vụ của khách sạn 5 sao.
Nhưng không ngờ sau 16 ngày điều trị với chi phí gần 400 triệu đồng, bà đã tử vong”– anh Thanh kể. Trong khi đó, ông Lê Văn Vui, có mẹ tử vong ở BV FV than thở: “Khi biết mẹ bệnh chẳng ai nghĩ đến tiền bạc nên muốn đưa mẹ vào đây. Ai ngờ chưa được báo hiếu thì 8 ngày sau mẹ tôi mất”.
Ông nói tiếp: “Bệnh viện đẳng cấp quốc tế, bác sĩ nước ngoài, đụng gì cũng tiền nhưng rút cuộc khi chuyện vở lỡ tôi mới biết chuyên môn ở đây có vấn đề”.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng- giám đốc Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ cho biết, đến nay trong lĩnh vực y tế, các nước trên thế giới không được đề cập tới việc gắn “sao” cho bệnh viện.
Tử vong do không tuân thủ điều trị
TPHCM – Sau bài “Sự thật những bệnh viện gắn sao”, phản ánh người nhà bệnh nhân Nguyễn Hữu Hùng cho rằng BV quốc tế Vũ Anh có tắc trách trong điều trị khiến ông Hùng tử vong, hôm qua 10-9 bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc chuyên môn bệnh viện này cho biết: Bệnh nhân Hùng không tuân thủ điều trị tại bệnh viện, gia đình bệnh nhân tự ý đưa bệnh nhân đến một cơ sở khác chữa trị, diễn biến nặng sau một tháng điều trị ở nơi khác và tử vong tại nhà.
Theo bác sĩ Hà, trước đó bệnh nhân Hùng đến khám bệnh tại bệnh viện với lý do đau lưng, với chẩn đoán bị xẹp hai đốt sống lưng. Kết qủa chụp MRI cột sống thắt lưng thấy bệnh nhân gãy lún đốt sống, xẹp; phù tủy xương thân sống, thoát vị đĩa đệm; chèn ép thần kinh gai sống. Sau đó gia đình đồng ý điều trị bằng phương pháp tạo hình đốt sống bằng xi măng sinh học. 3 ngày sau bệnh nhân ra viện.
Ngày 26-3, bệnh nhân trở lại bệnh viện với triệu chứng sốt, nôn ói. Tại đây, bác sĩ thăm khám thấy vết mổ khô, không sưng không đau, phát hiện bệnh nhân bị viêm tụy bán cấp – nhiễm trùng chưa rõ tiêu điểm.
Điều trị được 3 ngày ông Hùng tỉnh táo nên người nhà xin đưa bệnh nhân về điều trị tại nhà, mặc dù bệnh viện yêu cầu bệnh nhân nằm lại để theo dõi và điều trị tiếp. Sau khi về nhà, ông Hùng trở đau nên vào BV nhân dân Gia Định.
Theo Tiền Phong