Loại tay chơi lớn khỏi thị trường vàng

Chốt sớm

Vài tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết các ngân hàng phải mua thêm 20 tấn vàng nữa. Điều này gây ra lo ngại về áp lực thanh khoản cuối năm và biến động trên thị trường vàng vào cuối năm.

Tuy nhiên, những thông tin mới nhất được tiết lộ từ các ngân hàng và diễn biến trên thị trường vàng và tiền tệ cho thấy những diễn biến “êm” hơn sau những quyết định của NHNN để vừa duy trì áp lực chấm dứt “chơi” vàng của NH nhưng cũng tạo một khe thoáng để giãn áp lực cho NH và thị trường.

Nói về điều này, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, NHNN vẫn giữ nguyên thời hạn chấm dứt huy động vàng là 25/11. Việc điều chỉnh kỳ hạn huy động tối đa cũng không quá 30/6. Tuy nhiên, việc gia hạn đó phải tuân theo những điều kiện và giám sát chặt của NHNN. Kế hoạch phát hành của từng ngân hàng phải được NHNN chấp thuận số lượng bao nhiêu, thời hạn đến bao giờ cho từng trường hợp cụ thể.

Thực tế, các ngân hàng cũng đã quá ngán với huy động cho vay vàng nên cũng đã tìm cách rút sớm. Đến nay đã có 3 NH dừng dừng huy động, 9 NH có gia hạn với thời hạn của từng ngân hàng khác nhau, dự kiến có một số NH sẽ tất toán sớm hơn hạn định, có thể là 30/4 hoặc 30/5/2013 và chậm nhất cũng 30/6 là chấm hết.

Đến nay, thời điểm 25/11 đã cận kề, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục phải mua vàng vào và chắc chắn sẽ còn phải mua sau thời điểm nay nhưng thị trường vàng đã không xảy ra những biến động lớn dù giá thế giới đang tăng.

Không chỉ trên thi trường vàng, mà trên thị trường tiền tệ cũng có dấu hiệu tích cực khi lãi suất VND có xu hướng giảm dần. Một diễn biến khác với xu hướng lãi suất thường tăng vào cuối năm. Trong đó, phải kể đến việc tháo van áp lực thanh khoản từ giãn kỳ hạn huy động vàng đến 30/6.

Theo tính toán, nếu tất toán đúng hạn 25/11, các ngân hàng sẽ phải mua vào đủ 20 tấn vàng với số tiền tương đương 33 ngàn tỷ. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên các ngân hàng cuối năm. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, về nguyên tắc các ngân hàng vẫn phải huy động đủ số vàng đã chuyển đổi nhưng các ngân hàng thương mại đã mua vàng thư thả hơn, thanh khoản VND đã bớt căng.

Quay lại thời kỳ hơn 1 năm thực hiện việc chấm dứt vàng thì thấy, từ tháng 5/2011, NHNN đã phát đi yêu cầu chấm dứt huy động với thời hạn cuối cùng là 5/2012.Tuy nhiên, đến thời hạn trên các NH vẫn còn khá chậm chạp và đã được lùi lại đến 25/11. Đi kèm với đó là pháp quyết liệt buộc các NH phải chấm dứt sớm. Và thực tế, với biến động giá vàng thời gian qua, chính các ngân hàng và người vay vàng cũng đã tự chuốc lấy những thiệt hại lớn và việc chấm dứt đã được NH thực hiện quyết liệt từ tháng 8 đến nay. Sau quyết định mới đây, các ngân hàng có thêm một giai đoạn rút lui khá “êm” nên các ngân hàng cũng đã ngộ ra rằng chốt càng sớm càng tốt.

Cắt nguồn cầu lớn, giá sẽ êm

Cho đến thời điểm nay, các ngân hàng vẫn sẽ phải tiếp tục mua vào. Trong khi không được nhập khẩu vàng, giá thế giới tăng cao cộng với những tác động khác về tâm lý, nhu cầu đầu tư của người dân khiến cho giá vàng đang có một sức ỳ đáng kể. Mà điều dễ thấy nhất là khoảng chênh với giá thế giới vẫn đang tồn tại.

Điều này càng dễ hiểu hơn khi Ngân hàng Nhà nước ngoài việc thiết lập các nguyên tắc chung cho một giai đoạn mới của thị trường; tập trung chấm dứt huy động và cho vay vàng tại các tổ chức tín dụng nên chưa có nhiều tác động trực tiếp đến giá vàng trong nước thông qua phân phối và điều tiết.

Tuy nhiên, khoảng chênh này đã không còn là điều quá quan trọng khi biết rằng, người mua nhiều nhất trong thời gian qua chính là các NH. Giá đắt họ vẫn phải mua nhưng và NH cũng không thể kêu thiệt khi đã có nững thời kỳ kiếm đầm với vàng và có một thời hạn hơn 1 năm qua để chuẩn bị chấm dứt. Mở rộng ra, với những đối tượng có tiền mua vàng khi một quan điểm thống nhất là không khuyến khích đầu tư và gắm giữ vàng thì ai dám chơi thì dám chịu. Và tất nhiên, những ai dám mạo hiểm mua vàng khi giá đắt và được khuyến cáo rủi ro chắc không phải là người ít tiền dám mạo hiểm với tài sản tích cóp của mình.

Và mới đây nhất, quan điểm giá vàng trong nước không nhất thiết phải liên thông với giá thế giới thêm một lần nữa được khẳng định. Vì thế, chuyện đắt rẻ hay chênh giá hẳn phải được đặt sau các ưu tiên ổn định vĩ mô khác. Điều còn lại là với quyền nhập khẩu vàng trong tay của mình, NHNN cần phải vững tay để theo đuổi những mục tiêu dài hạn trước sức ép của các thị trường.

Tuy nhiên, để có một thị trường ổn định thực sự, việc thu hẹp chênh lệch giá cả là một điều sẽ phải thực hiện. Thực tế, chỉ với một điều chỉnh nhỏ về kỳ hạn huy động vàng, thị trường đã có phản ứng khá tích cực thì điều có thể được đoán là sau khi ngừng huy động và cho vay 30/6/2013, các khoản huy động sẽ dần đáo hạn, những xáo trộn từ huy động – cho vay vàng sẽ được cắt bỏ… đặc biệt, cầu lớn về vàng đã bị triệt tiêu thì giá vàng hẳn sẽ lui về trạng thái ổn định.

Bên cạnh đó, dự kiến hoạt động kinh doanh vàng của các ngân hàng thương mại cũng sẽ được áp một giới hạn trạng thái hẹp để hạn chế yếu tố đầu cơ, hay khả năng gây biến động cung – cầu lớn. Còn với quan hệ mua bán giữa DN và người dân sẽ khó những nhu cầu đột biến và tất cả sẽ phải thận trọng với tiền của mình.

Theo đó, mua bán trên thị trường sẽ gắn với nhu cầu thực hơn của dân cư và nhà đầu tư, loại bỏ dần yếu tố sốt giá bất thường. Khi đó có thể kỳ vọng chênh lệch giá vàng sẽ được kiểm soát tốt hơn.

Dù trước mắt, giá vàng vẫn còn những yếu tố thời vụ và tâm lý gây biến động nhẹ những về dài hạn, những chuyên gia từ các ngân hàng thương mại tin rằng khi nguồn cầu lớn bị triệt tiêu, thị trường được quản lý tập trung thì vàng sẽ dần đi vào khuôn khổ. Đặc biệt, nếu các yếu tố vĩ mô ổn định, các kênh đầu tư được mở ra hấp dẫn các luồng tiền hơn thì vàng sẽ không còn là nơi trú ẩn.Thậm chí với sự hấp dẫn về lãi suất, biến động giá ngày càng kém đi, cộng với những sự tốn kém và mất an toàn trong nắm giữ chắc chắn nhiều người sẽ có thái độ khác với vàng.

Có lẽ vì thế mà ngay từ bây giờ, nhiều DN tính toán, cửa làm ăn thời gian tới là vàng trang sức với lợi nhuận đến từ sáng tạo và gia công hơn là biến động giá.

Theo Vietnamnet

From the same category