Lo xóa bỏ môn lịch sử: Chỉ là hiểu nhầm do trình bày thiếu sót?

Theo đó, ban soạn thảo cho rằng nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với lôgic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.
Không thể xét riêng môn học lịch sử
Theo Ban xây dựng chương trình, việc bố trí các môn học phải quán triệt yêu cầu đổi mới, phải đặt trong mối quan hệ tổng thể giữa các môn học, phải tạo thuận lợi cho việc đổi mới cả nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.
Với lịch sử, muốn giáo dục lịch sử trở nên hấp dẫn học sinh, chuyển từ tập trung trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh phải đổi mới đồng bộ các yếu tố, từ xác định mục tiêu giáo dục, lựa chọn và tổ chức nội dung, phương pháp dạy, cách đánh giá.
Vì thế, khi bàn về cách thức tổ chức nội dung giáo dục (môn học lịch sử đứng độc lập hay không độc lập), phải xét trong mối quan hệ giữa các yếu tố. 
Bên cạnh đó, cũng phải xét vấn đề giáo dục lịch sử hay môn học Lịch sử trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông, không thể xét riêng về tổ chức nội dung giáo dục hay riêng môn học Lịch sử và giáo dục lịch sử. 
Theo Ban xây dựng chương trình, để bảo đảm tầm quan trọng của môn học/lĩnh vực giáo dục nào thì không phải cần gọi tên môn học đó một cách đích danh, trực tiếp (như tên các môn học trong các chương trình truyền thống). 
Tầm quan trọng ở chỗ người học nắm được kiến thức của môn học/lĩnh vực đó ở mức độ nào, bằng cách nào (có hiệu quả không) và kiến thức đó có chuyển hoá thành phẩm chất (hứng thú, niềm tin, đạo đức, thái độ…) và năng lực (vận dụng kiến thức cùng với các phẩm chất cá nhân để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống). 
Giải thích về cách đặt tên môn Công dân với Tổ quốc, Ban xây dựng cho biết việc lựa chọn tên môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học. 
Ở cấp trung học phổ thông, có 4 môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh thì ba môn được đặt tên “trực tiếp” theo truyền thống là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp,…). Cách đặt này do tính chất môn học là công cụ cho hoạt động của con người.

Riêng môn Công dân với Tổ quốc (là môn học có tên mới) do vai trò đặc biệt, có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức – công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, năng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc đặt tên này được thực hiện thống nhất với các môn học/lĩnh vực giáo dục khác trong chương trình.

Theo Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, học sinh sẽ học lịch sử nhiều hơn trong chương trình mới. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Học sinh sẽ học lịch sử nhiều hơn
Trước nhiều ý kiến lo ngại việc để học sinh tự chọn sẽ khiến cho môn lịch sử bị bỏ rơi cho không được học sinh chọn, Ban xây dựng chương trình cho rằng ở đây đã có sự hiểu nhầm.
“Ban xây dựng chương trình nhận thiếu sót đã trình bày chưa rõ trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến xôn xao dư luận. Tiếp thu các góp ý, văn bản chương trình tổng thể sẽ được điều chỉnh, bổ sung cho rõ vấn đề này.”
Giải thích cụ thể hơn, Ban xây dựng chương trình cho biết, trong dự thảo chương trình tổng thể mới, ở bậc trung học phổ thông, kiến thức lịch sử sẽ hiện diện trong ba môn. 
Đó là môn Công dân với Tổ quốc (môn bắt buộc), môn Khoa học xã hội (dành cho học sinh chọn lĩnh vực khoa học tự nhiên) và môn Lịch sử (dành cho học sinh chọn lĩnh vực xã hội).
Tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục lịch sử trong ít nhất hai môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội.
Ban xây dựng chương trình cho rằng lịch sử không những không bị bỏ rơi mà thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành. 
Cụ thể, chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học lịch sử 1,5 tiết/tuần còn dự thảo chương trình mới bắt buộc học sinh phải học môn Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn Khoa học xã hội 3 tiết/tuần hoặc môn Lịch sử 3 tiết/tuần. 
Ngoài ra, học sinh còn được học lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về lịch sử.
Về lo ngại sự góp mặt của kiến thức lịch sử trong ba môn ở cùng một cấp học có thể làm kiến thức lịch sử bị xé lẻ hay chồng chéo, theo Ban xây dựng chương trình khẳng định sẽ sắp xếp theo lôgic mới. 
Cụ thể, chương trình sẽ không chồng chéo/lặp lại kiến thức lịch sử giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Khoa học Xã hội, giữa môn Công dân với Tổ quốc với môn Lịch sử. 
Giữa 2 môn Khoa học Xã hội và môn Lịch sử thì có thể có cùng có một số nội dung kiến thức vì 2 môn này nhằm đáp ứng 2 nhóm học sinh khác nhau (mỗi em không bắt buộc phải học cả 2 môn này). 

Ban xây dựng chương trình cũng cho biết, với tinh thần cầu thị và khoa học, Ban sẵn sàng trao đổi và tiếp thu các góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tốt nhất./.

Theo VietnamPlus

From the same category