Lo ngại môi trường kinh doanh tiếp tục xấu đi

Đây là tinh thần chung tại hội thảo Diễn đàn Đầu tư tài chính ngân hàng do tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức chiều 28-8 tại Hà Nội.

/Uploaded/ledl/2012_08_29/515ff_fdi_89.jpg

Môi trường kinh doanh bị lo ngại là sẽ xấu đi. Ảnh TL. 

Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Xuân Quang nói: “Vốn FDI giải ngân là thành công lớn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam”.

Ông cho biết, giải ngân FDI đạt 6,25 tỉ đô la Mỹ trong 7 tháng đầu năm nay, bằng 99,2% cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, vốn đăng ký chỉ đạt 7,02 tỉ đô la Mỹ, khoảng 67,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông khẳng định, vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 11 tỉ đô la Mỹ, vốn FDI đăng ký sẽ vào khoảng 15 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Trong số đó, khoảng 8 tỉ đô la Mỹ là từ nước ngoài vào Việt Nam, và 3 tỉ đô la Mỹ là vốn của doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhận định, việc doanh nghiệp Việt Nam có vốn đối ứng 3 tỉ đô la Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào chính sách tiền tệ và chính sách đất đai.

Theo ông Quang, vốn FDI giải ngân trong năm 2012 vẫn tương đương như năm trước, kể cả với năm 2008, khi vốn FDI đăng ký đạt đỉnh hơn 71 tỉ đô la Mỹ.

Ông cho biết, sau hơn 20 năm thu hút FDI, Việt Nam hiện có hơn 14 ngàn dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trị giá 206 tỉ đô la Mỹ, trong đó 96 tỉ đô la Mỹ đã giải ngân.

Tuy nhiên, dự đoán lạc quan của ông Quang, trong vai trò là nhà quản lý, bị nhiều ý kiến bi quan của các nhà kinh tế lấn át tại hội thảo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết, cách đây 2 tuần ông làm việc với đại diện JICA tại Hà Nội khi cơ quan này tìm hiểu về kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Ông Thành nói: “Đại diện JICA lo lắng, tương lai kinh tế Việt Nam như thế nào, đặc biệt khi ASEAN phá bỏ rào cản với Trung Quốc năm 2015”.

Khi đó lợi thế vị trí địa lý của Việt Nam không còn và các nhà đầu tư có thể sản xuất ở nước khác trong khu vực và nhập khẩu vào Việt Nam. Ông Thành nói: “Cả Eurocham và Amcham đều tỏ ra lo ngại như vậy gần đây”.

Ông cho biết, luồng vốn FDI vẫn tiếp tục chảy vào khu vực châu Á như các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar nhưng không chảy vào Việt Nam trong thời gian 2 năm gần đây.

Ông Thành giải thích: “Bất ổn kinh tế vĩ mô là thủ phạm chính tàn phá môi trường kinh doanh, làm các nhà đầu tư nước ngoài giảm kỳ vọng vào Việt Nam”.

Ông trích dẫn sự tụt hạng của Việt Nam xuống nấc 98 năm 2012 từ mức 78 của năm 2011, theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới và nói: “môi trường kinh doanh cho thấy sự xấu đi”.

Nhiều nhà kinh tế đồng ý với nhận xét của ông Thành. Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Tình hình hiện nay có thể coi là thời điểm khó khăn nhất từ đổi mới đến giờ”.

Ông nói tiếp, trong 5 năm nay, Việt Nam phải vật lộn với lạm phát và suy giảm nhưng vẫn chưa ra được vòng xoáy đó.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh của Bộ Tài chính đồng tình. Ông Ánh dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ chắc chắn gia tăng vào cuối năm nay, và năm sau.

“Đây là điều đáng lưu ý, đặc biệt khi lạm phát tính theo năm trong 8 tháng đầu năm nay vẫn là 10,41%”, ông nói.

Ông Ánh nhận xét, cơ hội giảm trần lãi suất huy động vào đầu quí 4 tới, như lộ trình của Ngân hàng Nhà nước mong muốn, đã trở nên mong manh hơn.

“Là người theo dõi lạm phát từ năm 1995 đến nay, tôi thấy tình hình đang thay đổi rất nhanh vào khó dự đoán, đặc biệt là sự cố vừa qua trong ngành ngân hàng, và giá cả đầu vào đang tăng cao”, ông Ánh nói.

Theo Saigon Times


From the same category