Thông tin này dấy lên lo ngại về chất lượng, độ an toàn của quần áo, vải sợi TQ vốn đang tràn ngập thị trường TPHCM.
Ngập chợ, siêu thị
Tại các chợ chuyên bán vải ở TPHCM như Tân Bình (quận Tân Bình), Soái Kình Lâm và thương xá Đồng Khánh (quận 5), lượng vải nhập khẩu lấn át hàng nội địa cả về số lượng lẫn mẫu mã.
Người bán hàng của sạp H.Đ tại chợ Tân Bình cho biết hầu hết các loại vải thun, voan, cotton đều là hàng nhập từ Hàn Quốc, TQ. Các loại vải để may rèm, màn cũng chủ yếu là hàng TQ, Đài Loan.
Tại thương xá Đồng Khánh, các loại thun trơn, thun bông đều được giới thiệu là hàng nhập. Hỏi hàng Việt Nam, các chủ sạp giới thiệu vài loại giá khá rẻ với màu sắc đơn điệu, mỏng và dễ bị nhàu.
Với nguyên phụ liệu may mặc, hàng nhập khẩu cũng chiếm số lượng lớn. Có rất ít sản phẩm do Việt Nam sản xuất như chỉ, nút bấm, nút nhựa. Các loại nút vải, họa tiết trang trí bán với giá khá cao được giới thiệu nhập từ Đài Loan, TQ. Ngay cả các nút cườm cao cấp để đính lên quần áo cũng được nhập toàn bộ – chủ quầy Bác Thăng trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5) cho biết…
Quần áo Trung Quốc bán đầy các chợ TPHCM.
Theo nhiều công ty may, nguyên liệu may mặc (chủ yếu là vải) phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu không phải là chuyện mới mà đã tồn tại nhiều năm nay. Ngành may mặc trong nước phải nhập ít nhất 70% nguyên liệu từ nước ngoài, nhiều nhất là TQ.
Giám đốc một công ty may mặc khá lớn tại TPHCM cho biết công ty anh thường mua vải từ các công ty thương mại chuyên cung cấp vải và nguyên phụ liệu, thỉnh thoảng mua vải tại các chợ sỉ và hầu hết là hàng nhập từ TQ.
“Trước giờ, cả bên bán lẫn bên mua chỉ quan tâm đến chất liệu vải, giá cả, độ bền chứ không để ý đến yếu tố an toàn hay độc hại và cũng chưa nghe cơ quan chức năng nào khuyến cáo về độ an toàn đối với mặt hàng này” – anh cho hay.
Đội lốt hàng Việt Nam
Đối với quần áo, chưa có thống kê nào về lượng hàng TQ đổ về Việt Nam, đặc biệt ở 2 TP lớn Hà Nội và TPHCM nhưng hiện đâu đâu cũng có. Lực lượng QLTT thường xuyên bắt các vụ vận chuyển, kinh doanh quần áo, vải sợi không rõ nguồn gốc. Trong năm 2012, QLTT TPHCM đã tạm giữ và xử lý 107 tấn vải, 20,24 tấn quần áo nghi nhập lậu từ TQ. Ngay trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 14/2), Chi cục QLTT TPHCM đã phát hiện 2.600 kg vải không rõ nguồn gốc.
Trước tâm lý e ngại hàng TQ kém chất lượng, nhiều người bán đã đánh tráo xuất xứ quần áo TQ thành Việt Nam bằng cách thay nhãn mác.
Tại “thiên đường hàng nhái” Saigon Square (quận 1 – TPHCM), các loại áo thun, áo sơ mi cách điệu được quảng cáo là hàng xuất khẩu có giá 120.000 – 210.000 đồng/cái. Quần jeans nhái nhãn hiệu Guess, CK, Gap, D&G cũng chỉ trên dưới 300.000 đồng/cái… Thế nhưng, theo anh Khánh, bán quần jeans ở chợ Bình Tây, trên 50% “hàng xuất khẩu” ở Saigon Square là của TQ nên mới có giá rẻ như vậy.
Tại một số siêu thị, mặt hàng may mặc thời trang được giới thiệu là của các nhà cung cấp trong nước nhưng người mua không thể biết được đâu là quần áo may trong nước, đâu là sản phẩm của các cơ sở lấy hàng TQ về gắn mác Việt rồi đưa ra tiêu thụ.
Bà Ngô Thị Báu, Giám đốc Công ty Thời trang Nguyên Tâm, nhãn hàng Foci, cho biết từ năm 2012 đến nay, hàng may mặc TQ vào Việt Nam ngày càng nhiều và giá ngày càng giảm. Do xuất khẩu giảm nên TQ tăng cường “xả” hàng vào Việt Nam. Hàng TQ cạnh tranh gay gắt với sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa ở phân khúc thấp và trung bình. Một số shop, siêu thị… bán áo thun với giá “siêu rẻ” 29.000 -30.000 đồng/cái. Chắc chắn các doanh nghiệp trong nước, kể cả cơ sở may gia công, không thể nào sản xuất được với giá này.
Có thể gây ung thư Vụ Âu Hà Thượng Hải không phải là lần đầu tiên hàng may mặc của TQ bị chính quyền nước này phát hiện không an toàn. Tháng 1/2010, hàng loạt thương hiệu thời trang trẻ em xuất khẩu của Thượng Hải bị phát hiện kém chất lượng, gây kích ứng da, ngứa, có chỉ số pH vượt tiêu chuẩn cho phép… Trước đó, nhiều vụ việc quần áo TQ chứa hàm lượng formaldehyde và chất nhuộm aromatic amine thơm vượt mức cho phép cũng bị phanh phui. Năm 2007, Úc cấm nhập chăn, mền từ TQ vì chứa hàm lượng formaldehyde gấp 10 lần cho phép… Theo GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, có rất nhiều hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất vải. Phải phân tích, xét nghiệm mẫu mới có thể đánh giá chính xác trong quần áo, vải sợi TQ có chứa chất độc hại gì, hàm lượng ra sao. Thông thường, nhà sản xuất sử dụng chất formaldehyde để diệt khuẩn, nấm mốc trên vải và trong quá trình dệt nhuộm thì dùng các chất tạo màu trong danh sách cấm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Theo các tài liệu nghiên cứu, những chất này có khả năng làm hại da và là tác nhân gây ung thư. |
NLĐ