Liveshow “người tình Phó Đức Phương”: “Bởi vì mùa thu tôi ở lại…”

Khác với rất nhiều đêm nhạc thường kết thúc bằng một ca khúc tưng bừng, rộn ràng; liveshow “Khởi nguyên” của Minh Thu chia tay khán giả bằng “Đoản khúc thu Hà Nội” – một bài hát rất nhẹ nhàng, trữ tình. Điều này hẳn là có ý tứ riêng.


Ca sĩ Minh Thu 

Cô ca sĩ được gắn với cụm từ “người tình âm nhạc của Phó Đức Phương” hát với giọng trầm, vang: “Bởi vì mùa thu tôi ở lại/ Hồng má môi em hồng sóng xa/ Vì một bàn tay không ngần ngại/ Tặng hết cho tôi một phố chờ…”. Ca từ tự tình và giai điệu thảnh thơi của Trịnh Công Sơn quả là hợp để Minh Thu bày tỏ cô muốn được mãi “ở lại” với âm nhạc – thứ cô coi như một “tôn giáo”, đã nâng đỡ, cứu rỗi tâm hồn, cuộc sống của cô. Xa hơn hơn thế, ca sĩ muốn “ở lại” trong tình yêu thương của bạn bè, người thân và khán giả.

Bởi vậy, cho dù mới quay trở lại với sân khấu ca nhạc chưa lâu, Minh Thu cùng ê kíp của mình vẫn quyết tổ chức một live in concert vào tối 25/9. Điều này rõ ràng là hơi… liều khi thực tế chứng minh: còn có những hàng ghế trống ở không gian Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhưng có hề chi, “Bởi vì mùa thu tôi ở lại”“Khởi nguyên” là dịp để ca sĩ giàu nội lực như Minh Thu… khởi động cho hành trình mới trong sự nghiệp, khi tìm lại được “lửa nghề” sau bao ngắt quãng vì những gập ghềnh, trắc trở của đời sống.

Hãy xem, Minh Thu đã thắp lên những ngọn lửa như thế nào trong đêm nhạc diễn ra trước thềm Trung Thu? Đầu tiên đó là ngọn lửa mang ánh sáng dịu dàng của mùa thu. Nếu như kết chương trình là “Đoản khúc thu Hà Nội” thì khai mở cho chương trình là “Mùa thu”. Bài hát tinh khôi của nhạc sĩ Đỗ Bảo từng được ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh thể hiện một cách mơ màng, nũng nịu trong trong album “Đóa hoa nở muộn” nay được Minh Thu hát với sự hào hứng, trong sáng, như tâm thế của người đang chờ đón điều ấm áp. Thêm vào “Một thoáng Tây Hồ” với “sương thu tan trong gió” đủ để hoàn chỉnh bức tranh lãng mạn của Minh Thu.

Ngọn lửa thứ hai không thể thiếu với cô ca sĩ từng phát hành album “Minh Thu hát Phó Đức Phương”, đó là những ca khúc của nhạc sĩ họ Phó. Ông là “người tình” của ca sĩ “khởi nguyên ở tuổi 37” theo báo chí “giật tít”, và là “người thầy” theo tự sự trên sân khấu của Minh Thu. Tuy vậy, cô cũng chỉ hát ba bài là “Không thể và có thể”, “Huyền thoại Hồ Núi Cốc” và “Một thoáng Tây Hồ”.

Điều khá thú vị ở đây là giám đốc âm nhạc của liveshow – nhạc sĩ Dương Cầm cùng nhạc sĩ phối khí Minh Tú không “bê lại” những bản phối các ca khúc từ album Phó Đức Phương. Tất cả được làm mới. Những bản nhạc vốn mang màu sắc dân gian đương đại, thậm chí là mang âm hưởng ca trù, nay có sự phối trộn của âm thanh điện tử (electronic) từ DJ kết hợp với tiếng đàn nguyệt cùng các nhạc cụ, mang đến sự khác lạ hoàn toàn. Việc khoác lên tấm áo world music pha ambient cho nhạc Phó Đức Phương qua tiếng hát Minh Thu chưa chắc khiến khán giả đứng tuổi hài lòng, nhưng sẽ khiến khán giả trẻ sẽ thích thú.

Ngọn lửa thứ ba như thể những ngọn nến ấm áp, nồng nàn thường được Minh Thu đem đi “thắp” ở các phòng trà, nhà hát, đó là nhạc xưa. Phần này được xếp về sau, cũng dài hơn cả, không kể “Tình nghệ sĩ” (Đoàn Chuẩn – Từ Linh) hát cùng Tấn Minh, thì Minh Thu hát liên tục 6 bài. Ngoài “Giáng ngọc” (Ngô Thụy Miên), “Nửa hồn thương đau” (Phạm Đình Chương), “Không tên số 7” (Vũ Thành An) thì Minh Thu cho khán giả thấy mình có thể hát hay cả nhạc Trịnh Công Sơn. Và ở đây, cô giới thiệu hai ca khúc “Chiều một mình qua phố” và “Em hãy ngủ đi”.

Như vậy, rõ ràng “Khởi nguyên” đã cho thấy một Minh Thu “đa zi năng”. Điều này chứng tỏ nội lực của cô, nhưng cũng dễ khiến cô gặp cản ngại. Cuối cùng, đâu là điểm nổi trội, để lại dấu ấn mạnh mẽ nhất ở Minh Thu, là thể loại nhạc nào, bài hát gì, nhất là khi cô không còn trẻ để loay hoay? Ở đây, nhạc xưa có lẽ là chưa, còn bài hát nổi nhất “Không thể và có thể” thì Minh Thu không phải người khai phá. Vậy còn bài mới, hay nhạc mới, nhạc trẻ thì sao? Đây là “ẩn số” lớn nhất của liveshow và Minh Thu đã hồi đáp qua “Tình xô mãi đời ta” (Võ Thiện Thanh), “Ngày nắng” (Bảo Anh), “Ngày tháng chờ mong” (Đỗ Bảo); tuy vậy, vẫn chưa có bài nào là bản “hit” của cô. Vậy còn thể nghiệm với “Dệt tầm gai” (Ngọc Đại) hát cùng Khánh Linh thì sao?  Cả hai đã đã hòa giọng khá ăn ý, trầm – khàn xem ra cũng có thể kết hợp với cao – trong, kể cả khi bản phối là electronic trộn với nhạc cụ dân gian. Dẫu vậy, ca sĩ thể hiện “Dệt tầm gai” vẫn như thể còn “cài then” ở đâu đó nên tiết mục chưa thực sự bùng nổ để khiến khán giả thấy “đã” hoặc “sửng sốt”.

Dù còn thiếu điểm nhấn của một ngọn lửa sáng rực rỡ, nhưng đêm thu của Minh Thu đã đạt được sự gọn gàng, ấm áp, nhất là khi có sự “góp lửa” của hai khách mời Tấn Minh và Khánh Linh. Không kể vài lỗi về âm thanh, tiếng xì khói, những tấm rèm trắng hơi rườm rà, những đoạn clip giới thiệu chất lượng kém thì “Khởi nguyên” là một đêm nhạc mang lại ý nghĩa tinh thần rất lớn với Minh Thu, người quay lại với khán giả khi đã vào độ chín của tuổi nghề. Nhìn vào đây, có thể nhiều nghệ sĩ trẻ sẽ thấy việc kiên nhẫn, sự nỗ lực và nghiêm túc làm nghề không bao giờ là quá trễ. Bởi dẫu là “đóa hoa nở muộn”, Minh Thu vẫn cháy bỏng: “Sẽ thêm một đời, nhớ trăng Hà Nội, Thu ơi…”

Bài: Danh Anh

Ảnh: Hải Bá


logo

  


From the same category