>> Live show quốc tế nhìn từ Madonna
Đường vòng
Bob Dylan trong live show tại trường RMIT TP.HCM. |
Mai Quốc Việt chẳng xa lạ gì với giới bầu show. Ông bầu này làm tất tần tật từ show ca nhạc đến cả show biểu diễn du thuyền. Ông cũng là một trong những người đầu tiên đưa những nghệ sỹ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn, từ John Denver, Bryan Adams, Sting cho đến Air Supply. Còn nhớ năm 1994 khi ca sĩ Bryan Adams đến biểu diễn tại TP.HCM, ông bầu này có rất nhiều tiếp thị khi cho dán treo bandroll, áp phích khắp các hang cùng ngõ hẻm. Thời điểm đó để mời được một nghệ sỹ phương Tây đến Việt Nam là cả một vấn đề với vô vàn thủ tục phiền toái, và Bryan Adams hội ngộ khán giả Việt với tư cách khách mời góp vui cho một giải chạy Việt dã quốc tế tại TP.HCM.
Cũng chính ông bầu này lại tiếp tục dùng bandroll (lúc đó còn khá mới mẻ) chạy khắp các đường phố trung tâm để quảng cáo cho chương trình của Sting vào năm 1996, cùng với đó là mời các hãng thông tấn nước ngoài như CNN, NHK, BBC đến đưa tin đồng loạt. “Vậy mà vẫn lỗ”, ông Mai Quốc Việt nhớ lại, “ngay cả ông chủ Công ty Pepsi cũng từ chối tài trợ bởi cá nhân ông ta rất thích Sting nhưng tất cả những nhân viên người Việt chẳng biết Sting là ai mà điều quan trọng là Pepsi muốn bán nước giải khát cho người Việt”…
Lấy trường hợp của Mai Quốc Việt chỉ để nói rằng làm những show ca nhạc lớn không phải là chuyện của thế kỷ 21 mà từ những năm cuối thế kỷ 20. Có những show lớn với hàng nghìn người và bán vé cắt cổ vẫn được đón nhận và bên cạnh đó vẫn có những show lỗ chỏng gọng cho dù ca sĩ thuộc hàng lão làng thế giới. Show diễn của Sting năm đó chỉ toàn người nước ngoài xem (giống như Bob Dylan hai năm trước tại trường RMIT TP.HCM) và sau show đó có rất nhiều người nước ngoài đi bóc từng tờ áp phích quảng cáo Sting để sưu tầm.
Nhưng đấy là chuyện live show của ngày xưa. Live show Việt bây giờ đang đứng trước ngã năm ngã bảy khi mà chiêu trò cùng những chiêu tiếp thị ngày càng bão hòa, nhàm, nhạt. Khán giả bị bội thực, ca sĩ làm show cốt định danh và khẳng định đẳng cấp bạo tiền hơn là chất lượng nghệ thuật. Chính ông bầu Mai Quốc Việt thừa nhận rằng làm show bây giờ chỉ từ lỗ tới lỗ nhiều bởi “sự lạc hậu của kỹ thuật, sự ấu trĩ trong điều hành, sự nghèo nàn về vật chất của sân vân động và các cung biểu diễn, sự băm nát thị trường âm nhạc bởi các show diễn truyền hình trực tiếp của các nhãn hàng tiêu dùng…”.
Thượng đế sướng mà khổ
Cần phải nói rằng công chúng đi xem live show thường thích những chiêu trò. Hồ Ngọc Hà với phi cơ vũ trụ, Hồ Quỳnh Hương bay như diễn viên xiếc, Thanh Thảo hát với dàn nhạc giao hưởng… Đan Trường từng tuyên bố trong show của mình năm ngoái anh sẽ đáp xuống sân khấu bằng máy bay trực thăng nhưng cuối cùng là máy bay trực thăng… gỗ. Những điều này tuy mới ở Việt Nam nhưng lại rất… xưa ở nước ngoài. Trước đây, khi thông tin, hình ảnh quốc tế còn thiếu thốn thì khán giả còn nhiều hứng thú, bây giờ thì mọi ngõ ngách của cuộc sống đều “online” thì tất cả những chiêu trò được sử dụng đều ngay lập tức bị so sánh/đối chiếu. Bên cạnh đó còn cộng thêm sự no nê thừa thãi từ những show trên truyền hình, ít nhiều làm giảm đi niềm hứng khởi của công chúng khi đến với live show Việt.
Thanh Thảo trong live show Chuyện. |
Thượng đế bây giờ sướng hơn xưa rất nhiều nhưng vì thế cũng khổ hơn nhiều khi không được tham dự những bữa tiệc biểu diễn có chất lượng. Bởi các show lớn hiện nay thường nhiều trò hơn chiêu, cũ người mới ta, nửa nạc nửa mỡ kiểu vừa bay cho giống Celine Dion nhưng khán giả lại cứ thấy lòng thòng dây nhợ phản cảm. Và vì thiếu chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ từ tất cả các khâu nên live show Việt cứ càng cố gắng lại càng lòi những điều muốn che giấu, được phần nhìn thì bay mất phần nghe và những ý tưởng cũ rích vẫn cứ lặp đi lặp lại từ show này sang show khác: khói lửa, bàn nâng, vũ đạo…
Đẳng cấp = ý tưởng + nhiều tiền?!
Nói gì thì nói live show của Hồ Ngọc Hà vẫn được xem là chương trình “dữ” nhất từ trước đến nay. Cái “dữ” nhất đến từ phần nhìn và điều này không thể không nhắc đến cái tên Việt Tú, một trong những đạo diễn “hot” nhất của những live show ca nhạc đình đám hiện nay. Nhưng để đi kèm với “hot” phải là tiền, bởi Việt Tú là một đạo diễn sành điệu, rất nhiều ý tưởng hay và để thực hiện hóa những ý tưởng ấy phải là ngân khoản đủ đáp ứng những đòi hỏi của anh. Từ Không gian âm nhạc cho đến Hồ Ngọc Hà và cả Những chuyến đi của Tùng Dương đã cho thấy điều này. (Tùng Dương sau live show Những chuyến đi đã tự mình tổ chức show mới mà không thấy bóng dáng Việt Tú. Liệu có nên đặt câu hỏi cho sự vắng bóng này vì lý do tiền bạc?)
Mới đây sự kiện nam danh ca Bằng Kiều về Việt Nam biểu diễn đã gây sự chú ý rất lớn của công chúng. Dánh sách khách mời đã được công bố… một phần, phần còn lại bí mật để gây bất ngờ cho khán giả. Nhưng một nam ca sĩ khác trong band Quả dưa hấu ngày xưa đã lên báo tỏ ý trách đàn anh đã quên những ngày tháng cũ. Thực tế thì Quả dưa hấu vẫn xuất hiện, chỉ là đạo diễn chưa muốn công bố ngay. Bí mật đã được bật mí và đây cũng là một trong những ví dụ điển hình cho thấy những live show Việt vẫn còn thiếu chuyên nghiệp như thế nào.
Công chúng Việt bây giờ không thiếu người bỏ tiền sang Las Vegas xem show của Celine Dion, sang Singapore xem Robbie Williams hay sang Thái chiêm ngưỡng Taylor Swift… Nhưng có sự thực rằng không còn nhiều công chúng dành tình yêu chung thủy cho những live show Việt. Tất nhiên những chiêu trò rẻ tiền hay đẳng cấp vẫn có những phân khúc công chúng riêng, nhu cầu giải trí là bất tận nhưng càng ngày những chiêu trò ấy vẫn chẳng có gì mới hơn và vì thế cũng chẳng nên mong có sự nâng cấp live show để bằng bạn bằng bè xung quanh. Và quan trọng nhất là khán giả đừng nên ngộ nhận và đòi hỏi.
Du thuyền vũ trụ – một chiêu trò ấn tượng trong live show của Hồ Ngọc Hà. |