“Little Broken Hearts”: Gặp một Norah Jones khác

Mùa hè năm 2009, Norah Jones lẳng lặng xếp vali tới Los Angeles. Không ai biết về chuyến đi của cô, từ hãng đĩa Blue Note cho tới người quản lý và các thành viên ban nhạc cô đang làm việc cùng. Ngay khi máy bay hạ cánh, Norah bắt taxi tới thẳng phòng thu nhỏ nhưng đầy đủ trang thiết bị nằm trên tầng 2 một tòa nhà cách xa khu trung tâm Los Angeles. Đó là nơi làm việc của nhạc sĩ, nhà sản xuất lừng lẫy Brian Burton. Và đó cũng là khởi đầu cho sự ra đời của album “Little broken hearts” 3 năm sau.

Bìa album “Little broken hearts” của Norah Jones

Brian Burton được biết đến nhiều hơn với nghệ danh Danger Mouse. Ngoài những dự án cá nhân, ông cũng là nghệ sĩ có duyên với những dự án kết hợp mà điển hình là thành công của nhóm Gnarls Barkley cùng nam ca sĩ Cee Lo Green. “Brian là người có tư duy và sự sáng tạo rất khác biệt hiện nay. Ông đưa vào âm nhạc những ứng dụng mới nhất về nhạc điện tử nhưng vẫn giữ được tinh thần khám phá nghệ thuật rộng lớn. Vì thế trước cả khi gặp nhau tôi đã có cảm giác rằng đây sẽ là sự kết hợp tuyệt vời”, Norah Jones đã nói như vậy.

Năm ngày liên tục, Norah Jones và Danger Mouse làm việc trong phòng thu. Thậm chí căn phòng khách sạn được thuê gần nơi làm việc cho Norah gần như cũng không được dùng đến. Kết quả là họ có được kha khá những chất liệu mà sau này sẽ được hoàn thiện để trở thành album thứ 5 của Norah Jones. Đúng 2 năm sau, Norah và Danger Mouse quyết định hoàn thiện những gì còn dang dở. Lần này thì không có lý do gì để họ phải giấu giếm về dự án của mình. “Chắc chắn rằng đây là một đĩa nhạc rất Norah Jones nhưng vô cùng khác với những gì bạn đã từng biết về cô ấy. Norah thực sự là một nghệ sĩ có tinh thần tiên phong mạnh mẽ. Tôi đã từng thú nhận với cô ấy rằng tôi vẫn có chút băn khoăn khi lần đầu tiên làm việc với cô ấy và vẫn để ngỏ một khả năng sự kết hợp thất bại. Nhưng cuối cùng thì thành quả thật ưng ý”, Danger Mouse nói với tờ Q.

Cặp đôi Danger Mouse và Norah Jones

Không jazz, không bluegrass hay soul mà hoàn toàn là indie, alternative pha với một chút dream pop, electronica. Đó là những chất liệu hoàn toàn khác biệt với phong cách âm nhạc đã giúp cô ẵm trọn 5 giải Grammy cách đây 10 năm. “Take it back” đầy tự sự với giọng hát vang vọng trên nền guitar u uất. Nhạc Norah Jones có thể buồn nhưng chưa bao giờ có cái không khí lạnh lẽo đến thế. Single “Happy pills” lại rất indie bằng câu nhạc chủ đề ấn tượng, hơi chút lả lướt và thậm chí có gì đó gợi lại âm nhạc của Pretenders cách đây hai thập niên. Nghe “Say goodbye” có lẽ thấy sự kết hợp giữa Norah Jones và Danger Mouse rõ nét nhất với một cấu trúc ca khúc không phức tạp nhưng hiệu ứng nhạc cụ rất đặc trưng đan xen với giọng hát ít nhiều có xử lý hiệu ứng nhưng vẫn không thể lẫn với bất cứ ai.

Chia sẻ trên Rolling Stone, Norah Jones nói: “Từ xưa tới nay tôi luôn cho rằng cái công thức thất tình thì sẽ viết ra những bản nhạc hay thật là vớ vẩn. Nhưng… đúng thế đấy!”. Chút giận hờn, chút chua cay, chút buồn khổ, ít nhiều giải thoát. Tất cả những cảm xúc đó thấm đượm “Little broken hearts”. Và chúng đều đến từ cuộc chia tay của Norah với người bạn trai hồi năm ngoái. Đủ 12 ca khúc là 12 cung bậc tâm trạng của Norah với câu chuyện tình yêu thất bại để đến bài hát cuối cùng cô “kết luận”: “All a dream”. “Little broken hearts” không phải một đĩa nhạc nhằm đạt những thành công vang dội hay những con số tiêu thụ khổng lồ. Đây là một sản phẩm âm nhạc mang tinh thần cá nhân của nghệ sĩ. Nhưng nó đem lại cho người nghe sự thích thú bởi âm nhạc được chăm chút cẩn thận nhưng vẫn trung thành với giá trị cảm hứng.

Bài Độc Cầm



From the same category