Lion King 2019: Lời nói dối tước đi vị thế của sư tử cái

Một số nhà phê bình điện ảnh đã nhận xét phiên bản làm lại của siêu phẩm tuổi thơ “The Lion King” (tựa tiếng Việt: “Vua sư tử”) – tác phẩm tái hiện lại vương quốc động vật với công nghệ CGI – thiếu tính lôi cuốn và biểu cảm so với phiên bản hoạt hình gốc.

lion king
Nala (Beyoncé) và Simba (Donald Glover) trưởng thành trong “The Lion King” bản live-action.

Còn các nhà động vật học và giới chuyên nghiên cứu sư tử nhận định thương hiệu Disney đã bỏ lỡ một điều quan trọng hơn tất cả: tính chính xác của khoa học. Một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Sư tử tại Đại học Minnesota cho biết, nếu câu chuyện trong “The Lion King” miêu tả chính xác cộng đồng đại miêu (những loài động vật trong chi báo thuộc họ nhà mèo), vương quốc sẽ thuộc về Sarabi (mẹ của Simba) thay vì Mufasa. Tuy nhiên, đa số khán giả thậm chí còn không nhớ tên của Sarabi vì thời lượng cô xuất hiện quá ít.

Craig Packer, chuyên gia sư tử hàng đầu nói trên kênh National Geographic: “Trên thực tế, con cái là cốt lõi, là trái tim và tâm hồn của cả đàn. Những con đực chỉ đến và đi”.

Nếu nghiên cứu sâu hơn về loài sư tử, hãng Disney sẽ biết rằng sư tử thực chất là loài mẫu hệ. Ở đó, con cái sẽ dẫn dắt con đực và các con sư tử đực riêng lẻ khó có thể gắn kết với nhau để tạo nên mối liên kết trong một gia đình. “Các con cái xác định lãnh thổ của chúng, chúng lớn lên ở đó và dành cả đời để lắng nghe tiếng gầm của những loài xung quanh“, ông Packer nói thêm. Theo ông, các con sư tử cái cũng tiếp tục chọn ra những sư tử cái khác trẻ hơn làm nhiệm vụ dẫn dắt đàn mới, khi đàn sư tử cũ trở nên quá đông đúc.

Ở chiều ngược lại, con đực trưởng thành sẽ rời khỏi đàn, tìm con cái ngoài đàn để giao phối sau khi được dạy cách chiến đấu và săn mồi. “Hãy tưởng tượng khi Simba trở lại và trở thành anh hùng của cả đàn, phần thưởng lớn nhất dành cho anh ấy là cưới Nala. Nhưng Nala thực chất là em gái Simba“, Packer nói thêm, “Nếu Simba không rời khỏi đàn mình, anh ấy chỉ tiếp xúc với em gái mình, chị em họ, dì, mẹ hoặc bà của anh ấy“. Ông cho rằng mọi chuyện chỉ đúng tự nhiên nếu “Simba rời đi và không bao giờ quay trở lại”.

Đàn sư tử chủ yếu gồm các con cái, nên sư tử đực sống với mối đe dọa sẽ bị con đực từ đàn khác chiếm mất vị trí “price dad” (cha đầu đàn). Packer cho rằng Mufasa và Scar nên kết hợp thay vì cạnh tranh với nhau: “Bạn cần có một người đồng hành để chống lại những con đực muốn chiếm lấy gia đình và giết chết những đứa con của bạn. Đó là lý do sư tử thường di chuyển cùng 1 hoặc 2 con đực khác. Chúng cũng thường chỉ gắn bó với một đàn cho đến khi bị con đực khác chiếm ngôi vương“.

Trong khi đó, con cái cũng không mấy quan tâm đến cuộc chiến giữa các sư tử đực. Nypost tiếp tục dẫn lời của Packer: “Con cái thích những con đực dễ nhìn và có các yếu tố đảm bảo cho con của chúng sống sót và khỏe mạnh”.

lion king
Trên thực tế, sư tử có bờm đen được cho là khỏe mạnh hơn so với các con đực còn lại trong đàn.

Không những thế, Scar – bác của Simba, phản diện chính trong “The Lion King”, còn có khả năng giành ngai vàng cao hơn Mufasa. Bởi chiếc bờm đen là tín hiệu chỉ ra sự vượt trội về mặt di truyền. Sắc tối của chiếc bờm cho thấy tình trạng thể chất tốt, mức độ testosterone trong con đực cao hơn giúp tăng khả năng chịu đựng bệnh tật.

Cần phải hiểu rằng, tính chính xác về mặt khoa học, sinh học và động vật học có thể được bỏ qua trong phiên bản hoạt hình “Lion King” vào năm 1994. Nhưng khi đã được chuyển thể thành live-action với công nghệ máy tính tả thực ở trình độ cao, “Lion King” phiên bản 2019 lại mang đến cho người xem cảm giác đây là bộ phim về thế giới động vật. Hình ảnh những con sư tử, các loài sinh vật, thiên nhiên,… hiện lên chính xác đến từng sợi lông, giọt nước, chiếc lá.

Do đó, phiên bản làm lại từ bản hoạt hình là lời nói dối tước đi vị thế của sư tử cái, trái tim và linh hồn của một đàn sư tử.


From the same category