Linh thiêng núi Tổ - Tạp chí Đẹp

Linh thiêng núi Tổ

Sự Kiện

Bao la, rộng dài của đất nước từ Mũi Ngọc – nơi chót mũi dải đất chữ S vắt sang Lạng Sơn, Cao Bằng đến miền biên viễn với nắng Lào khô cháy của Sơn La, Lai Châu; rồi trong chiến tranh vào sinh ra tử, nay đây mai đó cuộc đời người lính của một binh đoàn cơ động dằng dặc hàng chục năm; rồi lại với công việc làm báo mà rong ruổi, nhẩn nha khi non sông một dải mấy chục năm nay, cho tới chót tận Cà Mau lại vắt sang Tây mảnh đất tận cùng của Hà Tiên, liền kề xứ sở Ăngcovat, tôi đã đi.

Nhưng cuộc đời nhiều khi con người ta chỉ thích tìm kiếm những thứ ở xa, mà ngay bên mình hay bị lãng quên. Tôi chợt nhớ tới anh chụp ảnh bên Hồ Gươm sáng ấy. Vốn cũng là dân nhiếp ảnh, thèm chụp được những dây hoa lộc vừng của Hồ Gươm, tôi đến hồ khi cây lộc vừng trăm tuổi với dáng cây mà bất cứ đại gia chơi cây lộc vừng nào cũng thèm muốn. Cây già đang thả những chùm dây hoa lấm chấm đỏ qua kẽ lá. Trò chuyện lan man cùng anh chụp ảnh dưới gốc cây lộc vừng vốn công chức đã nghỉ sớm, sắm cái máy ảnh lưu giữ hộ thiên hạ hình ảnh của họ với hồ Gươm. Nhưng điều tôi kính nể anh, ấy là điều mà nhiều người như tôi mãi không nghĩ ra, anh cho rằng chụp ảnh cho khách được đâu hay đó thôi, còn cái thú là chính mình đang được hàng ngày hưởng thụ cái không khí, cảnh quan Hồ Gươm mà nhiều người ở tận phương trời xa mong được thụ hưởng nhưng cũng có khi buồm chưa xuôi, gió chưa thuận…

Hà Nội những hôm trời trong đứng mạn Hồ Tây có thể nhìn thấy mờ xa đỉnh núi Ba Vì. Núi Ba Vì trước thuộc tỉnh Hà Tây, từ năm 2008 sáp nhập cả tỉnh Hà Tây vào Hà Nội. Hay thật! Thủ đô lại có núi cao hàng ngàn mét và rừng nguyên sinh. Dễ thế giới này Hà Nội là duy nhất. Thế nên nóc nhà thủ đô đương nhiên là đỉnh Ba Vì cao hơn một nghìn hai trăm mét. Có lẽ các nhà hoạch định đất nước muốn thủ đô phải sơn thủy hữu tình và chiều cao của thủ đô phải là cao tự nhiên như núi, chứ không phải là chồng gạch thành dăm bảy chục tầng! Nhãn quan! Hay còn một lý do nào khác…! Thế mới hay để có một tầm nhãn quan con người ta nhiều khi hết đời không có được! Và, vẫn vẳng đâu đây câu Kiều của cụ Nguyễn Du: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Con đường nhỏ trải nhựa ngoằn ngoèo, quanh co xuất phát từ trạm kiểm soát rừng quốc gia Ba Vì cứ lên cao dần, lúc phơi mình dưới nắng thu hanh vàng, khi luồn trong những tán cây xào xạc gió, chiếc lá thu vàng rơi nhẹ, rồi chợt sững sờ những cua đường ngập tràn sắc vàng rực của hoa dã quỳ. Có những khi con đường mở một không gian bao la từ cao vài trăm thước nhìn xuống mờ tỏ những triền, vạt đồi thấp với lấp lóa phản chiếu mặt hồ và xa xa con sông uốn lượn. Những mảng lúa vàng xanh lốm đốm, những mái nhà bé tẹo, cảm giác như đang được phóng tầm mắt từ trên máy bay. Người ta thường ngồi ô tô đến núi Ba Vì, như thế thì làm sao có được cái cảm giác hòa mình vào rừng núi nơi đây. Cái cảm giác sung sướng đến độ không kìm nén được mà phải hú, phải hét, phải hát lên đại loại: Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay, non nước mây trời lòng ta mê say… như lời của một bài hát; mà tôi vừa phóng xe máy lên đỉnh Ba Vì vừa hả hê thốt lên những chuỗi âm hỗn tạp của một người đang được tận hưởng tới thẳm sâu cái thú lãng du, phiêu bồng cùng non nước…

Một vùng đất tối cổ mang tên xứ Đoài. Đoài, trong chữ Hán có nghĩa là hướng chính Tây, vì vậy, Đoài là tên gọi cho vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long. Dãy Ba Vì thuộc xứ Đoài mà xứ Đoài lại có những ba con sông lớn: sông Đà, sông Thao, sông Lô như 3 con giao long uốn lượn hợp lưu ở ngã ba Bạch Hạc, Việt Trì để rồi tụ thủy thành con sông Cái (sông mẹ) xuôi mãi ra biển, tạo dựng nên cả một vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ trù phú.

Theo kiến trúc sư Trần Thanh Vân, người nghiên cứu và am tường về phong thủy thì từ hàng chục năm nay, nhóm Lê Văn Xương đã tung lên mạng một tài liệu nghiên cứu, thấy rằng, từ đỉnh Everest cao 8.800m trên dãy Hymalaya có một đường gân núi cổ sinh uốn lượn, theo biên giới Ấn Độ và Tây Tạng, qua cao nguyên Vân Nam của Trung Quốc, đến đỉnh Fanxipan của dãy Hoàng Liên Sơn nước ta cao 3.341m, mạch núi cổ đi đến vùng Lâm Thao, Phú Thọ thì “lặn xuống” và qua con sông Đà uốn lượn, gân núi cổ sinh lại “mọc lên” đỉnh Ba Vì cao hơn 1.227m. Gân núi này uốn lượn theo hình một con Rồng khổng lồ, đuôi xòe ra ở đồng bằng Bắc Bộ. Vâng! Có thể lắm, bởi sự vận động tạo sơn của trái đất diễn ra hàng trăm triệu năm trước, mà từ thuở “khai thiên lập địa”, chúng ta đã có dãy Ba Vì:

Châu hình đẩu tiễn thiên hoành không


Hạo khí quan mang vạn cổ tồn


Nghĩa là:


Dáng hình sừng sững ngang trời rộng


Hạo khí mênh mang vạn thuở còn

Đấy là Ba Vì đứng ở “thế toàn cầu”, còn riêng cõi đất Việt ta thì núi Ba Vì từ hàng ngàn năm trước vua nhà Đường đã “nhìn thấy” như một đầu Rồng mà thân là dãy Trường Sơn chạy suốt tận phương Nam. Tôi chẳng có chút kiến thức nào về phong thủy, nhưng như các tài liệu cổ để lại, cách đây hơn 1200 năm, Cao Biền, một người rất giỏi phong thủy và địa lý đời vua Đường Y Tôn, Trung Quốc, được cử làm Tiết độ xứ cai trị Giao Chỉ – Lĩnh Nam, ta đã phát hiện ra các huyệt đạo quan trọng và cố công trấn yểm, nhằm hủy diệt vương khí và hiền tài nước Nam; nhưng rồi Cao Biền đành phải bó tay trước thánh Tản, núi Tổ Ba Vì. Chuyện rằng Cao Biền cho đào 100 cái giếng xung quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm và triệt long mạch nước ta, nhưng giếng cứ đào gần xong thì lại bị sập, đành phải bỏ.

Khoa học địa chất, địa mạo cho ta thấy sự hình thành Ba Vì trên cơ sở khoa học: Núi Ba Vì nằm trong vùng đồng bằng xen kẽ đồi, gò, được tạo lập bởi sự xâm thực, chia cắt các thềm đá gốc và thềm phù sa cổ sông Hồng. Địa chất ở Ba Vì rất bền vững, được hình thành từ những cuộc chuyển động kiến tạo xảy ra vào cuối Triat muộn (khoảng 210 triệu năm trước) trong khu vực Đông Dương và Trung Quốc, hình thành từ những cuộc vận động tạo sơn Iđôsinias.

Vùng đất xứ Đoài nơi có núi Ba Vì, theo các nghiên cứu khảo cổ học, còn rất nhiều các hiện vật bằng đá như rìu, bàn mài, chì lưới, mũi tên, bàn dập, đồ trang sức và nhiều hiện vật đồ đồng, gốm có niên đại từ thời văn hóa Sơn Vi, qua 4 giai đoạn văn hóa kế tiếp nhau từ thời Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn.

Theo sách “Bắc – Thành Địa dư chí” của Lê Đại Cương chép: “Núi này ở huyện Bất Bạt, phủ Quảng Oai. Hình núi tròn như cái tán nên gọi là Tản Viên, rộng rãi, bao la, đứng cao hùng vĩ, làm trấn sơn cho cả nước, cao 2.310 trượng, chu vi 18.605 trượng, hướng Tây có Đà Giang chảy quanh theo, rừng cây rậm rạp, cảnh trí đẹp”. Trước năm 2008, núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây; nay vẫn là huyện Ba Vì nhưng thuộc thành phố Hà Nội.

Cách đây gần hai chục năm, tôi cùng nhóm bạn văn nghệ sĩ đã lên đỉnh Ba Vì, nhưng cũng là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi; với lại ngày ấy còn hoang sơ nhiều lắm và đường khó đi, lên đền Thượng dốc đá cao dựng đứng.

9 giờ còn ở trung tâm Hà Nội, vậy mà chỉ 11 giờ 30 phút, tôi đã căng lồng ngực đón nhận thứ không khí mát lạnh, trong khiết ở nơi trên là trời, dưới là “hạ giới”, với cảm giác bồng bềnh, lâng lâng.

Sa Pa tôi đến đã nhiều và Sa Pa thật kỳ thú ở độ cao hơn 2.000m, nhưng Sa Pa không cho tôi cái cảm giác được “lên trời” như khi đứng ở đỉnh Vua cao 1.296m. Có phải chăng ở Sa Pa là cả một thị trấn với phố xá, du khách và người dân tộc Mông, Dao đỏ, Dáy…; còn đến với Ba Vì chỉ có ta với rừng núi cao dần, lên đến tận cùng bỗng òa một không gian chót vót, mênh mông như chạm tay ngang trời. Thế đấy! Ở ngay Hà Nội thôi mà cho đến tận giờ tôi mới ngộ ra triết lý sâu xa qua câu chuyện với anh thợ ảnh Hồ Gươm.

Núi Ba Vì sừng sững có 3 đỉnh cao. Đỉnh cao nhất là 1.296m, là đỉnh Vua; đỉnh thứ hai là đỉnh Tản Viên có đền Thượng thờ Thánh Tản Viên, cao 1.227m; Ngọc Hoa là tên người con gái thứ hai của vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) được đặt tên đỉnh thứ ba, cao 1.131m.

Nếu so sánh độ cao thì Ba Vì còn thấp hơn núi Tam Đảo (1.581m), nhưng về ý thức hệ và tâm linh thì núi Ba Vì như Nguyễn Trãi viết trong Dư địa chí: “Núi ấy là núi Tổ của nước ta đó”; vì thế nên tâm thức người Việt đã tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất:

Nhất cao là núi Ba Vì


Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn

Thật may, tôi lên núi Tổ gặp hôm đẹp trời, nắng hanh vàng cuối thu lan tỏa nhẹ nhàng qua tán lá, thân cây; những đốm hoa nắng đung đưa, lung linh phủ trên mái đầy rêu phong căn nhà nhỏ xinh quầy hàng lưu niệm, ở độ cao 1.100m. Khu vực này là trụ sở của Trạm kiểm lâm và cũng là nơi cuối cùng mà ô tô, xe máy có thể lên được. Từ đây có 2 ngả lên 2 đỉnh, ngả trái lên đỉnh Vua, ngả phải lên đỉnh Tản Viên có đền Thượng.

Trên đỉnh Vua, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng theo tinh thần trong di chúc của Người. Còn đền Thượng ở đỉnh Tản Viên được khởi dựng lại năm 1993, do KTS Hoàng Đạo Kính thiết kế. Đền Thượng được khởi dựng từ bao giờ cho đến nay vẫn là câu hỏi đặt ra với các nhà nghiên cứu. Theo truyền thuyết và các Ngọc Phả có liên quan thì đền Thượng có từ thời An Dương Vương. Đền Thượng thờ Thánh Tản Viên – Sơn Tinh. Một số tài liệu chép rằng đền Thượng khởi dựng từ thời Bắc thuộc, trùng tu vào đời Đường Ý Tông (860-874). Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên chép về đời Lý Nhân Tông (1073): “bấy giờ mưa dầm, rước Phật Pháp Vân về kính để cầu tạnh và cúng thần núi Tản Viên”. Ghi về đời vua Lý Anh Tông (1145): “Mùa thu, tháng 7 làm đền thần núi Tản Viên”.

Lễ hội Thánh Tản Viên – Sơn Tinh là một lễ hội lớn, được truyền tụng rất linh ứng, cứ 3 năm lại tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 9 âm lịch tại đền Thượng. Các đền Trung, đền Hạ, đền Và cùng một số đình, đền xung quanh chân núi Ba Vì thì tổ chức vào rằm tháng giêng, tháng chín.

Lễ hội về một vị thánh, thần được tổ chức ở nhiều nơi là bình thường trong tín ngưỡng, tâm linh người Việt ta. Nhưng vì sao cũng lễ hội Thánh Tản Viên mà thời gian tổ chức lại khác nhau! Phải chăng nó phản chiếu công cuộc trị thủy vô cùng vất vả, ròng rã quanh năm của người Việt cổ xưa.

Họa sĩ Lê Trí Dũng có kể tôi nghe câu chuyện kì lạ mà anh là người chứng kiến. Hôm ấy, hình như là ngày rằm, anh và một số bạn bè lên tới đỉnh Tản Viên, bỗng nhiên trời đổ mưa. Họa sĩ thấy một khoảng đất tròn đường kính cỡ 20m hoàn toàn không hề có mưa, gió. Lạ quá! Sau đó, người trông coi đền Thánh Tản bảo các anh cứ vào khu đất mưa không lọt ấy mà thắp hương, không tắt đâu. Họa sĩ Lê Trí Dũng còn phát hiện thấy có một tảng đá lớn cỡ con trâu mộng trên đỉnh Tản Viên, mà một nửa có rêu còn nửa kia thì tịnh không. Ông họa sĩ tài hoa vẽ tranh ngựa đẹp nhất Việt Nam ghim lại câu chuyện bằng câu: “Đừng có đùa với thần thánh”.

Ngày nay, vùng đất xứ Đoài dưới chân núi Tổ Ba Vì còn lưu nhiều dấu tích và địa danh cổ liên quan đến trận chiến giữa thánh Tản Viên Sơn Tinh và Thủy Tinh. Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhìn nhận vùng đất này dưới con mắt của nhà khoa học: “Như một phép biện chứng của tự nhiên lịch sử của miền văn minh thôn dã, miền thềm phù sa cổ Sơn Tây – xứ Đoài nhường tính chất trung tâm cho miền phù sa trẻ xứ Bắc: Luy Lâu – Long Biên; rồi Long Đỗ – Tống Bình – Thăng Long – Hà Nội… Kể từ ấy, Sơn Tây thành xứ Đoài của Thăng Long – Đại Việt, một trong tứ trấn, phên dậu của kinh kỳ…”.  

Đứng trên đỉnh Vua, tôi chợt nhớ câu thơ: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm” của nhà thơ tài hoa Quang Dũng, và mong mỏi tìm “Đôi mắt người Sơn Tây” thuở ấy của nhà thơ! Mây hôm nay không rong ruổi miền xứ Đoài và cũng chẳng còn đâu đôi mắt người Sơn Tây. Xứ Đoài đã là đất Hà Nội, và con cháu người đẹp xứ Đoài năm xưa nay cũng mang tên Hà Nội. Sắc màu văn hóa xứ Đoài liệu có tan biến bởi những định chế hành chính? Nếu thế thì văn hóa, văn hiến của đất nước này, dân tộc này cứ mỗi ngày mai một dần hay sao? Tôi đã rất vui sướng khi được chấp nhận hàng tuần ngồi nhâm nhi cốc bia cùng nhóm câu lạc bộ xứ Đoài, ngay tại trung tâm thủ đô, mà ông chủ tịch CLB là người con của xứ Đoài – họa sĩ Phan Kế An, tuổi ngoại tám mươi, lại nảy cái ngông làm thơ, mà nhóm cứ trêu là cây bút trẻ, tôi thích mấy câu của ông: ”Thôi thế cũng qua một kiếp người/ Thời gian ngang dọc đủ mà chơi/ Có không không có phù vân cả/ Nhát cọ đưa nhanh gửi lại đời”. (Tự họa, 2009).

Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Vua thoáng, rộng, hài hòa có cảm giác gần gũi mà quyện cùng đất trời nơi đây. Trước đền những ngày quang trời nhìn thấu dòng sông Đà uốn khúc rồi mất hút vào bao la bát ngát của đồng bằng bên dưới. Tình cờ lên đỉnh Ba Vì đúng ngày rằm, gặp các anh Đỗ Thanh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức Vườn quốc gia Ba Vì; anh Đỗ Hữu Thế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường thuộc vườn quốc gia lên cúng rằm. Tôi đùa: “Sao cái tên trung tâm dài thế!”, anh Thế cười: “Sợ thiếu”. Được mời dự bữa cơm trưa, cùng nâng chén rượu gạo bên cái bàn bê tông giả đá dưới bóng cây trên đỉnh Vua cùng năm sáu anh em đang ngày đêm trông giữ, bảo vệ nơi đây, kể cũng là cái thú hiếm hoi. Rượu vào, hét một tiếng tan loãng giữa đất trời. Than ôi! Đời người, con người thật ngắn ngủi và nhỏ bé làm sao giữa núi cao rừng thẳm với thiên thu thời gian. Tranh đoạt công danh, lợi lộc mà làm chi; xây nọ đắp kia để làm gì… Sự trường tồn nằm ở lòng dân. Thánh Tản đã ngự trong tâm linh người dân Việt và muôn đời vẫn vậy.

Theo sự phân định thì ngày nay núi Ba Vì thuộc Vườn quốc gia Ba Vì, có tổng diện tích được giao quản lý là 11.462ha. Nói về những điều kiện tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, có lẽ cũng hiếm nơi nào một vùng rừng núi nguyên sinh lại quá gần một thủ đô như núi rừng Ba Vì. Chỉ cách trung tâm Thủ đô 60km, có nghĩa là chỉ hơn một giờ chạy xe máy hoặc ô tô. Với khí hậu trong lành, mát mẻ, vùng núi Ba Vì ở độ cao 400m, nhiệt độ trung bình hàng năm là 22 độ, ở độ cao 1.100m là 18 độ về mùa hè. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, có năm xuống đến 0 độ về mùa đông.

Tài nguyên thiên nhiên thì vùng Vườn quốc gia Ba Vì phong phú và đa dạng lắm. Hệ động thực vật, hệ sinh thái rừng đặc trưng của khí hậu vùng mưa nhiệt đới. Theo tài liệu “Thực vật chí Đông Dương” thời Pháp cùng nhiều tài liệu nghiên cứu cho đến cuối thế kỷ 20 thì hệ thực vật bậc cao gồm 812 loài thuộc 427 chi và 99 họ. Trong đó có 13 loài cây quý hiếm như: Bách xanh, Thông tre, Sa nhân, Ba gạc, Râu hùm, Sên mật, Giổi lá bạc, Quyết thân gỗ, Bát giác liên, Hoa tiên… Nhiều thực vật chỉ có ở núi Ba Vì và bên cạnh đấy, núi Ba Vì còn là một kho báu những cây dược liệu quý hiếm. Hệ động vật rừng có 44 loài thú, 114 loài chim, 15 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư; trong đó có 24 loài quý hiếm được đưa vào sách đỏ của Việt Nam.

Từ tầm cao của đỉnh Vua phóng tầm mắt ra 4 phía mênh mông, bao la, ngẫm và nghiệm ra một điều: thiên có thời, địa có lợi; nhưng nhân thì hình như chưa hòa. Trời đã “ban” cho Thủ đô một chốn bồng lai gần như thế, thuận như thế; mà sao cho đến nay cũng đã khai thác rất nhiều cho du lịch quanh núi Ba Vì như Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Thác Ngà, Suối Hai, Đầm Long, Đá Chông… nhưng vẫn cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đấy lớn hơn, có tầm hơn. Mãi tới khi đọc bài của kiến trúc sư Trần Thanh Vân tôi mới thấy sáng tỏ cái điều mơ hồ kia. Tại sao chúng ta không xây dựng nên một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng đẹp ở Ba Vì. Thành phố Đà Lạt cách thành phố Hồ Chí Minh những 300 cây số, còn nếu có thành phố Ba Vì thì chỉ cách Hà Nội có 60 cây số. Thật là lý tưởng.

 

Ngọn núi Tổ ngàn thu vẫn vậy. Dưới chân núi Tổ từng đã sinh ra những bậc anh kiệt dân tộc như hai vị Nữ Vương Trưng Trắc, Trưng Nhị (bà Man Thiện – mẹ của Hai Bà Trưng sinh ra ở chân núi Ba Vì); Phùng Hưng và Ngô Quyền… Vùng núi và đất tối cổ Ba Vì – Xứ Đoài là kho báu lịch sử và truyền thuyết dân tộc, chẳng lẽ rồi cứ phảng phất như câu thơ: “Tôi nhớ Xứ Đoài mây trắng lắm” sao!

Cao Minh (theo CSTC)

Thực hiện: depweb

24/01/2013, 14:39